Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ hôm 4/2. (Ảnh: Reuters) |
Ông Tạ Phong nhấn mạnh, việc khinh khí cầu dân sự của Trung Quốc vô tình đi vào không phận Mỹ là một tai nạn bất ngờ do nguyên nhân bất khả kháng. Tuy nhiên, Mỹ đã bất chấp thực tế đó để lạm dụng vũ lực và bắn hạ chiếc khinh khí cầu dân sự chuẩn bị ra khỏi không phận Mỹ. Động thái của Washington đã cho thấy một phản ứng thái quá và vi phạm nghiêm trọng tinh thần của luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, hành động của Mỹ đã tác động nghiêm trọng và có nguy cơ hủy hoại những nỗ lực cũng như những tiến bộ mà hai bên đã đạt được nhằm bình thường hóa các mối quan hệ song phương sau cuộc gặp gỡ trực tiếp của lãnh đạo Mỹ – Trung ở Bali (Indonesia). Trung Quốc mạnh mẽ phản đối các hành động của Mỹ, đồng thời kêu gọi Mỹ không thực hiện thêm các động thái gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc hoặc khiến tình hình leo thang căng thẳng.
Thứ trưởng Tạ Phong cho biết thêm, Chính phủ Trung Quốc đang theo sát các diễn biến và kiên quyết bảo vệ các lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc cũng như bảo vệ lợi ích và uy tín của Trung Quốc. Trung Quốc bảo lưu quyền thực hiện các hành động cần thiết tiếp theo liên quan tới vụ khinh khí cầu dân sự của nước này bị Mỹ bắn hạ.
Diễn biến này cho thấy, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vụ kinh khí cầu từ cuối tuần qua tiếp tục dâng cao, cùng với một loạt phản ứng quyết liệt từ các bên liên quan. Về phía Washington cáo buộc khinh khí cầu của Trung Quốc mang sứ mệnh do thám và đây là hành động “không thể chấp nhận được” của Bắc Kinh đối với chủ quyền của Mỹ. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh thừa nhận khinh khí cầu dân sự trên là của Trung Quốc nhưng việc xuất hiện tại Mỹ là do “lạc quỹ đạo” vì bị ảnh hưởng thời tiết.
Sau vụ việc, Washington đã hủy chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Bắc Kinh, dù trước đó, cả hai bên đã lên lịch trình cụ thể cho sự kiện này. Một quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tới Trung Quốc khi “điều kiện phù hợp hơn” và Washington vẫn sẽ duy trì liên lạc với Bắc Kinh. Theo lý giải của quan chức trên thì vụ khinh khí cầu “sẽ thu hẹp đáng kể chương trình nghị sự” giữa hai nước nếu ông Blinken tiếp tục sang thăm Trung Quốc.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin máy bay chiến đấu của nước này vào chiều 4/2 đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc đi qua không phận Mỹ ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương. Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng thủ Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM) cho hay, hải quân nước này đang tìm kiến thu nhặt các mảnh vỡ khinh khí cầu bị hắn hạ. Trong khi đó, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đang đảm bảo an ninh cho hoạt động này./.