Cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về quan tâm, chăm lo gia đình người có công (NCC), các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã có những việc làm thiết thực nhằm động viên, giúp đỡ thân nhân, gia đình NCC vươn lên trong cuộc sống.
Để những chính sách này phát huy hiệu quả tốt hơn nữa, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, công tác “đền ơn đáp nghĩa” rất cần sự chung tay tích cực của toàn xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến về nội dung này.
Trung tướng TRẦN TẤN HÙNG, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam:
Hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” luôn cần sự chung tay của toàn xã hội
Gần 13 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trao tặng 1.100 nhà tình nghĩa (mỗi ngôi nhà trị giá từ 60 đến 80 triệu đồng); tặng 2.700 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng), 38.000 suất quà (mỗi suất 3 triệu đồng); tổ chức khám, chữa bệnh cho gần 24.000 lượt đối tượng chính sách; phụng dưỡng 101 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Đặc biệt, Hội đã thông báo thông tin của hơn 115.000 liệt sĩ; tiếp nhận và thụ lý 20.250 hồ sơ liệt sĩ; tư vấn, hỗ trợ miễn phí và gửi 1.047 trường hợp làm giám định ADN, trong đó 665 trường hợp đã có kết quả với 462 liệt sĩ được xác định đúng danh tính; đồng thời hỗ trợ miễn phí đưa hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ về quê hương.
Mặc dù vậy, đến nay, vẫn còn khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm được, hơn 300.000 liệt sĩ đang nằm tại 3.000 nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, hơn 560.000 gia đình chưa đưa được hài cốt liệt sĩ về quê hương. Cùng với đó là hàng vạn gia đình liệt sĩ đang từng ngày mong ngóng tìm được hài cốt người thân…
LLVT Lào bảo vệ Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 584, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tìm kiếm, quy tập tại bản Lạy Ka Thạ, huyện Atsaphangthong, tỉnh Savannakhet, Lào. Ảnh: HUY CƯỜNG |
Hoạt động tri ân sẽ hiệu quả hơn nữa nếu ngày càng có nhiều thêm sự đồng hành, chung tay, góp sức tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Trong đó, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác “đền ơn đáp nghĩa”; đa dạng hóa nguồn lực, bảo đảm cho thực hiện chính sách ưu đãi thương binh, liệt sĩ, NCC trong tình hình mới. Và một điều quan trọng nữa là phải giúp đỡ, khích lệ, động viên ý chí tự lực vươn lên của những đối tượng được thụ hưởng các chính sách ưu đãi NCC; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của NCC.
Theo: QDND.VN