Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh: TRẦN QUỐC) |
Để đạt được kết quả nêu trên, không thể không nhắc đến sự đóng góp của các hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, cũng như áp dụng nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Dấu hiệu hồi phục
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Đơn cử, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ghi nhận mức tăng 31,1%, ước đạt 3,01 tỷ USD. Nổi bật nhất trong nhóm này là xuất khẩu hàng rau quả tăng 160%, ước đạt 650 triệu USD; gạo tăng 80%, ước đạt 495 triệu USD; hạt tiêu tăng 22,7%; hạt điều tăng 39,6%;… Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng tăng 1,8%, ước đạt 26,65 tỷ USD.
Trong đó, các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ;… đều đạt mức tăng từ 2-10%. So với tháng trước, nhiều ngành hàng vẫn duy trì được sự khởi sắc như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 21,6%.
Nhìn chung, dù vẫn gặp nhiều khó khăn (tổng kim ngạch xuất khẩu chín tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ), nhưng hoạt động xuất khẩu cũng có những điểm sáng. Đó là tốc độ suy giảm xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước (giảm 5,7%) thấp hơn so với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (giảm 9,1%). Bên cạnh đó, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, bằng cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã dần được cải thiện qua các quý. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 giảm 11,9%; quý II giảm 11,8% nhưng đến quý III chỉ giảm 1,2% so với cùng kỳ. Từ những tín hiệu tích cực này, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương
Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu cho nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng (tăng 3,1%). Việt Nam cũng đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU đều giảm, nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á lại tăng.
Ngoài ra, hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới đã được triển khai hiệu quả, giúp hàng hóa cơ bản không bị ách tắc (kể cả lúc cao điểm thời vụ), góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam – đạt mức tăng trưởng dương (tăng 2,1%).
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương nhận định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã dần được cải thiện qua các quý. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 giảm 11,9%; quý II giảm 11,8% nhưng đến quý III chỉ giảm 1,2% so với cùng kỳ. Từ những tín hiệu tích cực này, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Tìm kiếm thêm các thị trường
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu,… tồn kho tại các nước đang giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng các tập đoàn đa quốc gia.
Thực tế là nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Trong chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) diễn ra tháng 9 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt tập đoàn lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico);… đã có mặt để khảo sát, làm việc với các nhà cung ứng, tham quan quy trình sản xuất các nhà máy, từ đó tìm kiếm thêm nhiều đối tác mua hàng uy tín từ Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu,… tồn kho tại các nước đang giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng các tập đoàn đa quốc gia.
Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam vẫn gặp khó khăn, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Theo đó, Bộ đã phối hợp với các nước ASEAN kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA). Hiện dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định AANZFTA đang được hoàn thiện, hướng tới mục tiêu cùng các nước ASEAN, Australia và New Zealand cùng ký Nghị định thư ngay trong năm 2023. Về việc đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh (UK); Bộ Công thương cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án, chuẩn bị nội dung và tham dự ba phiên họp chính thức cấp trưởng đoàn đàm phán, ba phiên họp cấp bộ trưởng CPTPP để thảo luận về vấn đề này.
Tại phiên họp Hội đồng CPTPP diễn ra trực tiếp tại New Zealand vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã cùng đại diện được ủy quyền của các nước ký văn kiện gia nhập của Vương quốc Anh.
Bộ Công thương hiện đang xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên năm 2024. Riêng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) vừa được ký kết, Bộ Công thương đang tiến hành các thủ tục nội bộ theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 để trình Chính phủ phê duyệt VIFTA, sớm đưa hiệp định này vào thực thi dự kiến từ đầu năm 2024. Song song với đó, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm phổ biến rộng rãi các cam kết của VIFTA tới cộng đồng doanh nghiệp.