Sáng 16/12, tại Tokyo, tiếp tục chương trình hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái đi cùng, với mong muốn phát triển đột phá ngành bán dẫn của Việt Nam.
Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.
Tại cuộc làm việc, các tập đoàn như SBI Holdings, Renesas Electronics Corporation, Denso, Rapidus Corporation, Tokyo Electron Limited đã trình bày về phương hướng, các đề xuất hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái tại Việt Nam.
Các ý kiến đại diện các Tập đoàn đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam cũng như tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam – Nhật Bản trong ngành công nghiệp bán dẫn – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các ý kiến đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam cũng như tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam – Nhật Bản trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghệ cao khác. Đây là lĩnh vực quan trọng để tiếp tục cụ thể hóa, triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản vừa được thiết lập.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian trình bày về các yếu tố nền tảng phát triển của Việt Nam, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về một số lĩnh vực trụ cột (phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đối ngoại, quốc phòng-an ninh, văn hóa).
Theo đó, Việt Nam đang tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng: (1) Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; (2) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (3) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng quy luật khách quan nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết).
Việt Nam xác định rõ 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng. Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; coi thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Đẩy mạnh chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh là hai xu thế gắn bó chặt chẽ, mật thiết, có tác động qua lại lẫn nhau.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại về kinh tế-xã hội nói chung (như giao thông, y tế, giáo dục…), đồng thời cần phát triển hạ tầng số.
Việt Nam cũng đang chú trọng giáo dục đào tạo để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi nguồn nhân lực phù hợp, đặc biệt là ngành bán dẫn đòi hỏi đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Việt Nam đã có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cần đào tạo và đào tạo lại để đội ngũ này trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực bán dẫn.
Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình phát triển nói chung và lĩnh vực bán dẫn nói riêng, Việt Nam xác định lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Thủ tướng lấy ví dụ, nguồn lực từ Nhật Bản đã giúp Việt Nam có thêm nhiều công trình lớn như cầu Nhật Tân (Hà Nội), cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh)…
Theo Thủ tướng, việc thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, như Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng khẳng định, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là không có giới hạn.
Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn tăng cường hợp tác, đầu tư, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả 3 công đoạn là thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử. Từ đó, góp phần thúc đẩy, cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới vừa được Việt Nam và Nhật Bản thiết lập.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư hạ tầng, xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn và các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam; nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại…
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đột phá, mạnh mẽ hơn, có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam sẽ tiếp tục có các chính sách ưu tiên phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này về thuế, đất đai…
Việt Nam luôn luôn lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển, với mục tiêu cơ chế, chính sách thông thoáng, phát triển hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục bảo đảm các yếu tố nền tảng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, để các doanh nghiệp, tập đoàn yên tâm đầu tư tại Việt Nam và “nếu không đầu tư thì cũng yên tâm khi đến Việt Nam”.
“Có thể nói, Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão”, Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu. Ông cho biết thêm, đến nay trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút khoảng 30 tỷ USD vốn FDI đăng ký và đã giải ngân khoảng 20 tỷ USD.
Thủ tướng nhắc lại thông điệp “từ trái tim đến trái tim” của cố Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda khi công bố các nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN cách đây gần nửa thế kỷ. “Từ trái tim đến trái tim” cũng là quan điểm của Việt Nam khi xây dựng, phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như trong quan hệ với các bạn bè, đối tác quốc tế.
“Chúng ta không phải là những cỗ máy làm việc, mà phải luôn lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.
Theo: Hà Văn (Chinhphu.vn)