Sáng ngày 16/12/2023, Ban Liên lạc TT eBB1(Đà Nẵng) – fBB2 – QK5 đã tổ chức lễ cúng linh anh hùng liệt sĩ ( Binh trận ) năm 1972̀ tại Đài tưởng niệm – thuộc tỉnh Kon Tum.
Toàn cảnh buổi lễ cúng linh
Về dự buổi lễ có Đại tá Trịnh Ngọc Trọng, ủy viên thường vụ tỉnh uỷ – Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Kon Tum – nguyên et/eBB1. Thiếu tướng Nguyễn trọng Huy, nguyên Phó tư lệnh QK5 -Trưởng ban LLTT/eBB1/fBB2/qk5. Đồng chủ lễ cúng linh tại Đài tưởng niệm – KonTum.
Đảng uỷ-Chỉ huy BCHQS tỉnh Kon Tum – Chủ tịch Hội CCB và các thành viên Ban chấp Hội CCB tỉnh Kon Tum – Lãnh đạo – Chỉ huy và thủ trưởng 4 cơ quan Bộ CHQS tỉnh Kon Tum. Lãnh đạo – Chỉ huy Cơ quan quân sự thành phố Kon Tum – Lãnh đạo Đảng, HĐND, UBND, MTTQVN phường Duy Tân, thành phố Kon Tum – Các thành viên và phu nhân Ban LLTT/eBB1- Đà Nẵng – Cựu cán bộ sĩ quan, cựu quân nhân và phu nhân thuộc eBB1/fBB2, đại diện các thế hệ tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng. Cùng đại diện nhân dân các dân tộc thuộc tỉnh nhà và tuổi trẻ đoàn viên – thanh niên Bộ CHQS tỉnh Kon Tum.
Mâm lễ cúng linh anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm liệt sĩ eBB1 ở Kon Tum.
Nay đất nước thái bình, quốc gia thịnh vượng, chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu vết còn in đậm trong trái tim của muôn dân nước Việt. Chiến dịch Bắc Tây Nguyên tháng 5 /1972 tiến công đột phá vào tuyến phòng thủ kiên cố dày đặc quân địch, trải dài Kon Tum – Đắc Tô – Tân Cảnh do Bộ tư lệnh Mặt trận B3 chỉ huy. Sư đoàn BB2 (eBB1 và eBB141) được giao trên một số mục tiêu trọng yếu. Trong đó tập trung sức giải phóng thị xã Kon Tum, trước mắt tiến công cụm cứ điểm Biệt khu 24. Kết thúc chiến dịch đã làm thay đổi cục diện chiến trường, người lính may mắn sống sót trở về. Nhưng rất nhiều đồng đội đã ngã xuống, linh hồn lưu trú ở nơi đây vì số đông mộ phần đang còn thất lạc. Tấm bia ghi danh tưởng niệm anh hùng liệt sỹ trận vong, còn thiếu quá nhiều họ tên, phiên hiệu đơn vị.
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Huy – nguyên chính ủy fBB2 – QK5, Nguyên Phó Tư lệnh QK5 ,Trưởng ban LLTT e BB1 – chủ Lễ buổi cúng linh.
Các anh vắng xa trần thế lâu lắm rồi, không thấy âm dung. Nhưng vang vọng mãi khí phách hào hùng, hình ảnh các anh dũng mãnh xông lên rồi quỵ ngã quanh Biệt khu 24, hy sinh cho nước nhà vẹn toàn độc lập, cho thế hệ sau này được ngẩng cao đầu sánh vai cùng Năm Châu – Bốn Bể. Dân tộc Việt Nam đời đời ghi ơn, con cháu đời đời ghi nhớ và phụng thờ. Ân nghĩa của các anh, chính là thứ mà cả đời không bao giờ trả được.
Trong những ngày này cả nước hướng đến Tết quân đội 22/12, bộ đội ta hân hoan chào đón 79 năm ngày thành lập QĐNDVN. Nhận thức sâu xa về lòng biết ơn các bậc anh hùng liệt sỹ. Ban Liên CCB eBB1 từ thành phố Đà Nẵng dốc lòng lên đây, phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum. Nhất tâm sắm sửa hương hoa lễ vật, đứng trước án tọa tôn thần, cùng chư vị uy linh và anh hùng liệt sĩ. Kính cẩn tấu trình về lòng thành tâm vô hạn của đồng đội trong cả nước, gửi ý nguyện về đây và ngay vào lúc này.
Các cấp lãnh đạo, đại biểu tiến về đài tưởng niệm liệt sĩ dâng hương.
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên đã qua hơn nửa thế kỷ, chiến địa Biệt khu 24 năm xưa đã là một thành phố lớn, nhưng vẫn chưa đủ để người lính Sư đoàn BB2 còn đang sống vơi đi nỗi lòng. Thời gian có thể nào bôi xoá được trong tâm khảm của họ về khoảnh khắc … mặt đất, bầu trời rung chuyển, tiếng bom đạn rền vang, thịt nát xương tan vì xả thân báo quốc. Bỗng chốc gặp nhau ở đây, cùng xung phong ở đây, rồi ra đi cũng ở quanh đây… ! Cuộc chiến diễn ra như gió đạn, mưa bom, lấy thân người làm thành lũy. Vây hãm đêm ngày một mất một còn, máu của cả hai bên chiến tuyến đổ loang chiến trận, xác người nằm phơi nắng rồi đến mưa trong tình cảnh “nhồi da xáo thịt”.
Những ngày lịch sử ấy eBB1 và eBB141 chiến đấu lộ thiên trước tuyến phòng thủ kiên cố của quân địch, vận động tiến công nhanh, không kịp đào công sự. Mùa mưa Tây Nguyên như trút nước, kéo dài rét mướt. Đợi chờ tiếp tế đạn dược, thuốc men cũng chỉ là trông ngóng đợi chờ, bữa ăn chắt chiu từng trái chuối luộc. Đánh thì dễ nhưng giữ được và chọn thời cơ tiến công làm chủ, là chuyện quyền năng của “binh pháp”. Trung đoàn BB66 nhận mệnh lệnh ứng viện nhưng không vào được bên trong, đang bị quân địch chặn ở vòng ngoài tiêu hao sinh lực. Thế trận nhanh chóng hình thành bao vây ngược, trên nhiều tầng lớp của nhau, tạo ra cách đánh linh hoạt vừa công, vừa thủ.
Những đợt đột kích bằng xe tăng của quân ta rời rạc mỏng yếu không đủ sức, bộ đội phải bò lên “dọn” xác tử sĩ để vượt qua nhưng vẫn còn sót lại rất bi thương. Công binh không đủ lượng thuốc nổ để mở rào vật cản trên những hướng tiến công. Những ổ đề kháng của quân địch tại đây, phát huy ưu thế “tận diệt”. Xe tăng xuất kích của ta không thể làm thay đổi lỉch sử của trận đánh, và cuối cùng bị trúng đạn, những kíp xe không còn ai sống sót. Các đường dây thông tin bị bom pháo đánh phá trên từng mũi hướng, phía trước, phía sau chia cắt; mất liên lạc cục bộ. Quân địch tăng viện ngày càng đông, phản công quyết liệt, mà ta thì vơi dần tay súng! Thương binh nằm dưới mưa, thiếu người chăm sóc, lần lượt ra đi không thể đợi chờ đưa về tuyến sau cứu chữa. Máy bay địch rải thảm B52 huỷ diệt, các loại đạn pháo trút xuống bao trùm trận địa, trong đó có pháo hoá học. Bộ đội ta ngạt khí độc nằm dài thở hô hấp, một ngày chịu đựng sự tàn khốc nơi đây bằng cả năm gian khổ ác liệt trên chiến trường. Vậy mà các anh vẫn đánh, vẫn giữ, chiến đấu kiên cường cho đến hồi tàn rút quân; ruột thắt từng cơn đành lòng gửi lại tử sĩ nơi trận địa của quân thù!!
Dẫu cho vật đổi sao dời, những đồng đội đang sống nặng lòng nghĩ đến âm phần ở nơi hoang vắng và ghi danh đến các anh. Họ kể cho chúng ta nghe về sự giày xéo của các trận đánh cày đi xới lại, hàng ngàn tấn bom đạn dội xuống công phá trong mỗi ngày, các anh phải chịu đựng và hy sinh, người đã chết bị pháo dập nhiều lần, nhiều lượt còn đâu thân xác. Hôm nay những đồng đội còn sống sót đã già và mỗi khi hoài niệm ký ức của một thời 18 đôi mươi, họ đau đáu tâm can về tình đồng chí, họ gửi gắm chúng ta đến đây đốt hương, cúng viếng và bày tỏ nỗi niềm trắc ẩn của năm tháng nào.
Nước mắt của chúng ta thay những cựu binh ngoài 70 tuổi đời, từng là bạn chiến đấu, trong cùng đơn vị. Chúng ta thay cho những người mẹ, người vợ, người con và cháu, người thân của gia đình liệt sĩ. Tất cả … xin chuyển bằng lời thì thầm hòa trong tiếng vọng xa xăm…. mong các anh hãy nghe thấy, hiểu được sự thương tiếc của họ đến vô cùng ! Chiến tranh vốn nó là như vậy, người chết không có thứ gì trên cõi đời này bù dắp cho được. Người còn được sống đau hoài thể xác khôn nguôi, nhớ thương da diết. Những bước chân hạnh phúc của chúng ta hôm nay đây, đi qua nơi này; dẫm lên nền đất, bước qua lòng đường. Dẫu có nhẹ đến đâu cũng xót xa nỗi niềm bi tráng, bởi dưới lòng đất kia là chỗ của các anh nằm và luôn đợi chờ phép màu khai quật!!
Ngày nay trong mỗi kỳ đồng đội tựu tề sum họp, dù ở bất cứ nơi đâu, họ đều mang theo cảm xúc tưởng nhớ đến người đã hy sinh. Mỗi câu chuyện kể lại của trận đánh còn văng vẳng đâu đây tiếng thét của bạn mình, có cả khẩu lệnh “tiến lên” của cán bộ bậc trưởng, bậc phó. Thế hệ đi sau như anh em chúng tôi một thời chạm đến lằn ranh sinh tử, nếm trải chiến tranh, từng đào hàng trăm cái “huyệt” phòng khi tổn thất. Đằng đẵng 10 năm trận mạc trong đội quân tình nguyện, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Nhưng không tàn khốc như thời của các anh ra trận, xuân đến hay đi, hoa tàn hay nở, tuổi đời dài hay ngắn không làm bận rộn âu lo. Lớp lớp người dốc sức xông lên để đổi lấy ngày toàn thắng.
Quân địch dù có mạnh hơn gấp nhiều lần, nhưng không thể lớn hơn khát vọng giải phóng nhân dân của anh lính Cụ Hồ. Ngày ra trận đơn vị làm lễ truy điệu người sống, có cả hoa rừng tươi thắm trên bàn đợi sẵn, có mấy ai đoán biết từng người được chôn cất ở nơi đâu…! Vậy mà không hề nao núng tinh thần, không giảm sút hào khí tiến công. Các anh dám chiến đấu, biết chấp nhận một đi, một đánh là không trở về; chuẩn bị sự hy sinh nhẹ tựa lông hồng chỉ để giành giật thời cơ trong từng khoảnh khắc. Thể xác các anh đã hòa vào đất, không tủi hờn khi xương cốt vãi rơi, thanh thản ra đi không cầu kỳ mồ yên mả đẹp. Linh hồn các anh tự tìm đến nhau, an yên nằm nghỉ bên cạnh bạn mình như giấc ngủ nghìn thu ly biệt.
Trong tâm thức chúng ta, các anh còn rất trẻ nhưng đã vùi sâu dưới lòng đất đỏ, mang theo một phần đời của sự nghiệp cống hiến cho hoà bình…. và từ đó đất nước đi vào những trận đánh cuối cùng – kết thúc chiến tranh. Các anh không có một ngày được ăn no, mặc ấm, không kịp trở về gia đình, quê hương. Những người mẹ mòn mỏi đợi tin con, chờ đến tóc bạc răng long, cho đến lúc hơi tàn kiệt sức các anh còn mãi ở nơi này. Với các anh chúng ta không nên hứa bất cứ điều gì, tiếc chi một chút công sức để được đến đây. Thắp nén nhang, cúng cho các anh cái bánh, chén rượu đào, điếu thuốc thơm; và như vậy hương linh các anh đỡ tủi hờn lạnh lẽo.
Ban Liên lạc TT eBB1 của Đà Nẵng, bên hương linh đồng đội tại buổi lễ cúng linh ở Kon Tum
Được sống trong đất nước ngàn chiến công, không lý gì chúng ta quên công ơn của các anh đã xả thân mình để đổi lại: Dân yên – nước thịnh, nhà nhà ấm no hạnh phúc, người già ngủ yên, trẻ thơ được cắp sách đến trường, xóm làng không còn nghe tiếng súng. Thân phận của các anh hoá vào hồn thiên sông núi, những lời hẹn ước trong tình yêu chớm nở “hãy đợi anh về…” mãi mãi khắc ghi vào nơi anh ngã xuống cho đất nước đứng lên.
Chúng ta là người trần mắt thịt đang sống hạnh phúc trên trần gian, thấu hiểu rằng: vong hồn của các anh còn vương vấn trong những cánh rừng, núi đồi, sông suối. Người có hài cốt quy tập nơi Nghĩa trang, người đang còn thất lạc chưa tìm thấy đưa về; những nấm mồ không tên vùi chôn tập thể. Có cả xương cốt đang ở lẫn nơi nền nhà dân, ao vườn, đường đi, lối lại nào ai hay biết. Lần này chúng ta xin cúi đầu cung thỉnh tất cả những vong linh đang còn lẻ loi ở đâu đó, hãy về đây đông đủ và an vị nơi ngôi nhà chung để tránh nắng mưa, gió bão, siêu thoát nơi cõi lành. Cho dù có tên hay không có tên, các anh không hề trách cứ bất kể là điều gì. Tuy nhiên toàn xã hội sẽ phải gánh vác lo toan, tìm kiếm cho đến tận cùng để đem các anh về xếp chỗ nằm thẳng tắp với đồng đội, hoặc quê hương dòng tộc.
Hôm nay là ngày giỗ trận, một nghĩa cử cao đẹp của đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tri ân anh hùng liệt sĩ. Ngưỡng nguyện các anh linh hoan hỷ thọ dụng vật thực, lắng nghe lời nguyện cầu của chúng ta, phò trì cho những người đang sống làm được những điều tốt đẹp trong cơ đồ dựng xây và giữ gìn đất nước. Nguyện cho thế giới hòa bình, con người tiến bộ, nhà nhà no ấm, mưa thuận gió hòa, mọi sự bình an, vạn điều tốt đẹp.
Đây là giá trị tình cảm của thời khắc âm-dương giao lưu kết nối, là một cuộc diện kiến giữa những người đã mất và người đang sống, của các thế hệ đồng đội xưa và nay. Chúng ta rất tin các anh chị hiển linh về đông đủ, rất vui và vẫn hồn nhiên trẻ trung như mới hôm nào.
Bài, ảnh : Hồng Loan