Du khách và cựu chiến binh tham quan di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: MỸ HÀ) |
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Mường Phăng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn là nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch. Cũng tại đây, Đại tướng đã đưa ra những quyết sách, chiến lược tài tình để làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Về thăm Mường Phăng những ngày tháng lịch sử này để cảm nhận về một cuộc sống yên bình, no ấm đang hiện hữu nơi đây.
Đổi thay ở vùng đất lịch sử
Chọn cách đi theo tuyến đường bộ phía đông nam của thành phố Điện Biên Phủ đi qua xã Tà Lèng, men theo lòng hồ Pá Khoang, chúng tôi vào xã Mường Phăng. Tờ mờ sáng, sương đêm và hơi nước vẫn còn lẩn khuất trên đường, các hộ dân sống trong những căn nhà sàn trên lưng đồi đã gọi nhau thức giấc, chuẩn bị đi nương rẫy. Nằm ở vị trí “cửa ngõ” của vùng đất lịch sử Mường Phăng, bản Bua thật ấn tượng với vẻ đẹp yên bình của những nếp nhà sàn nằm san sát hai bên đường. Trên nóc nhà dân, biểu tượng Khau-cút của văn hóa Thái cũng được trang hoàng, sửa sang lại mới mẻ. Quang cảnh ruộng đồng xanh mướt một mầu, chạy dài vào tận thung lũng.
Nhớ lại những năm tháng còn khó khăn, ông Lò Văn Bình, 65 tuổi, bồi hồi: “Thời điểm đấy, Mường Phăng nghèo khổ lắm, khoai, sắn không có mà ăn. Nhà nào cũng phải vào rừng đào củ mài ăn chống đói. Canh tác 1 vụ, tập trung theo hợp tác xã, dành dụm được ít thóc, gạo trộn với ngô, mỳ để ăn thay củ mài nhưng mỗi năm vẫn thiếu đói từ 2 đến 3 tháng. Về sau này, diện tích khai hoang trồng lúa ở Mường Phăng mới được mở rộng. Tuy nhiên, phần lớn diện tích này đều chỉ sản xuất được 1 vụ vì thiếu nước. Bà con đơn thuần trông chờ vào nguồn nước từ các con suối trên địa bàn. Ruộng thiếu nước nên năng suất, sản lượng không cao”.
Đến năm 2004, trong lần cuối cùng trở lại thăm Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy người dân nơi đây phải sống trong cảnh khan hiếm nước sản xuất. Sau chuyến thăm, Đại tướng đã viết thư gửi Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về việc xây dựng hồ chứa thủy lợi Loọng Luông. Sau 2 năm thi công, năm 2013, hồ thủy lợi Loọng Luông hoàn thành và đưa vào khai thác, với tổng diện tích lưu vực 1,9 km2, dung tích hữu ích hơn 1 triệu m3, cấp nước tưới 150 ha đất trồng lúa trên địa bàn, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng.
Trước đây, các bản đồng bào dân tộc H’Mông như: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Co Mận, Loọng Háy, Loọng Nghịu luôn là “vùng lõm” phát triển kinh tế của xã Mường Phăng, bởi người dân ít đất sản xuất, đất đai cằn cỗi, chỉ sản xuất được một vụ vì thiếu nước. Từ khi có hồ chứa nước Loọng Luông, những hạn chế trong sản xuất đã được khắc phục.
Ông Cứ A Nông, bản Loọng Luông 1 cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có khoảng 2.000 m2, chỉ cấy được 1 vụ vì thiếu nước. Nhưng từ khi có hồ thủy lợi, 100% diện tích đều làm được 2 vụ, lúa sản xuất ra không những đủ ăn mà còn dư ra để bán. Mấy năm gần đây, tôi đã khai hoang thêm được 500 m2 đất sau nhà để đào ao nuôi cá cải thiện bữa ăn gia đình. Hầu hết các gia đình ở bản đều đào ao thả cá, năm nay tôi sẽ mở rộng diện tích ao để thả thêm cá và sẽ đem xuống chợ xã bán để tăng thu nhập cho gia đình”.
Không chỉ có 5 bản người H’Mông, hồ Loọng Luông còn cung cấp nước cho gần như toàn bộ 20 thôn, bản của xã Mường Phăng. Đủ nước sản xuất, diện tích đất lúa 2 vụ của xã liên tục tăng. Đến với Mường Phăng, một điều dễ nhận thấy là dường như mỗi công trình trên mảnh đất này đều gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhằm tri ân tình cảm, sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với nhân dân Mường Phăng, ngoài hồ thủy lợi Loọng Luông trên đỉnh Pú Huốt thường được bà con gọi thân mật là hồ Đại tướng, ba ngôi trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều mang tên Võ Nguyên Giáp.
Hành trình vươn tới tương lai
Sau 70 năm quân đội ta nổ súng khai hỏa, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, nay từng đoàn xe nối nhau đưa khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc đến Mường Phăng, tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch năm xưa. Ai cũng công nhận Mường Phăng đẹp, yên bình, xứng danh vùng đất lịch sử anh hùng.
Cựu chiến binh Ngô Văn Toàn, 77 tuổi, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Sau hơn 10 năm, tôi mới có dịp trở lại Mường Phăng. Mường Phăng hôm nay đẹp hơn hẳn. Đây là điều đáng mừng và rất cần thiết đối với một địa danh lịch sử quan trọng của quốc gia”.
Ông Lò Văn Bình chia sẻ: “Đất nước rồi sẽ đổi thay nhưng tôi không nghĩ chỉ trong 10 năm mà Mường Phăng thay đổi nhanh đến như vậy. Thay cho con đường mấp mô đá cuội, chi chít ổ gà ngày trước, giờ đây từ thành phố Điện Biên Phủ đã có 2 tuyến đường, 1 tỉnh lộ và 1 quốc lộ to, đẹp đến Mường Phăng.
Dọc trung tâm xã có đường đôi với 4 làn xe, vỉa hè ghép đá, hệ thống chiếu sáng, biển báo đầy đủ. Những bản nhà sàn mái ngói đỏ au. Giao thông đi lại trong các bản đều bằng đường bê-tông. Văn hóa truyền thống của dân bản được gìn giữ từ mỗi nếp nhà. Cách đây 2 năm xã đã được xóa khỏi danh sách của Chương trình 135. Từ 1 trường học cho cả 3 bậc học bây giờ có 4 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, việc đi học của các cháu rất thuận tiện. Tôi cảm thấy rất tự hào về sự đổi thay của quê hương”.
70 năm sau giải phóng, mảnh đất căn cứ địa cách mạng Mường Phăng vươn mình, “thay da đổi thịt” từng ngày. Mường Phăng ngày nào, giờ đây đã khoác lên mình diện mạo khởi sắc của xã nông thôn mới. Năm 2011, Mường Phăng bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với khó khăn, thử thách chồng chất, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Phăng luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đồng lòng cống hiến công sức, dựng xây quê hương.
Xây dựng nông thôn mới, xã Mường Phăng được quy hoạch vừa mang yếu tố hiện đại, văn minh nhưng vẫn gìn giữ và phát huy tốt giá trị truyền thống các dân tộc. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Các trục đường liên xã được mở rộng, trải nhựa; 100% tuyến đường nội bản, liên bản được bê-tông hóa kiên cố. Các công trình thủy lợi liên tiếp được đầu tư xây dựng với hàng trăm km kênh mương được cứng hóa. Hệ thống trường học 3 cấp đầu tư khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học; 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia… Công trình được Nhà nước hỗ trợ vật liệu thì người dân góp công sức thực hiện. Công trình Nhà nước cấp kinh phí thì nhân dân hiến đất, hiến ruộng để thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Lò Văn Hợp cho biết: Năm 2013, xã Mường Phăng được chia tách thành hai đơn vị hành chính là xã Mường Phăng và xã Pá Khoang. Tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Điện Biên khóa 14, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua Nghị quyết số 123/NQ-HĐND, ngày 26/8/2019 về việc thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh, theo đó xã Mường Phăng sáp nhập về thành phố Điện Biên Phủ.
Hiện nay dân số của xã gần 5.000 người, có 20 thôn, bản, gồm ba dân tộc Thái, H’Mông, Kinh. Ngay sau khi được sáp nhập, trên cơ sở phát huy những thành tích đạt được, Đảng bộ, HĐND, UBND, nhân dân nơi đây ổn định và tập trung nguồn lực, nhân lực để xây dựng xã trở thành xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới với những việc làm cụ thể: từ các đồng chí đảng viên, các vị đại biểu HĐND xã gương mẫu tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện mở hướng thoát nghèo, vươn lên no ấm giàu có. Họ là tấm gương cụ thể, thiết thực để dân bản làm theo, qua đó đã giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ nhận thức thành hành động cụ thể.
Chặng đường phía trước chưa phải hết khó khăn, thách thức. Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, xứng danh Mường Phăng lịch sử, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong xã nguyện đoàn kết, chung sức đồng lòng, dựng xây Mường Phăng no ấm, giàu đẹp, nghĩa tình, đậm đà bản sắc dân tộc; vững vàng trên hành trình vươn tới tương lai.