Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sáng 12/5, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI. Sự kiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ.

Cùng dự có: nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư thứ Nhất, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Thành phố Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; các hiệp hội, doanh nghiệp và đông đảo sinh viên các cơ sở giáo dục, đào tạo trên toàn quốc.

* Đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới

Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 được phát động từ tháng 8/2023, có 707 bài dự thi, trong đó có 80 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng bình chọn và chung kết. Dự án của khối sinh viên các cơ sở đào tạo tại Cuộc thi lần này mang tính ứng dụng công nghệ mới như IOT, Big Data và AI. Nhiều dự án đã triển khai và bước đầu thành công, có dự án đã thu được lãi, chỉ số doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng khá ấn tượng.

Ngày Hội gồm nhiều hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng; Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI; hoạt động giao lưu, trình diễn công nghệ cao giữa các đoàn tham dự Ngày hội…

Sau khi tham quan các gian trưng bày, giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; phát biểu ở chương trình khai mạc Ngày hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công.

Bày tỏ vui mừng vì cảm nhận rõ niềm đam mê, khát vọng, lòng quyết tâm và sự kiên trì, dũng cảm để khởi nghiệp, cống hiến của học sinh, sinh viên tại Ngày hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với quan điểm “dân giàu thì nước mạnh”, tinh thần khởi nghiệp trong Thư gửi các giới Công Thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ngày 30/10/2017, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên diễn ra hằng năm từ năm 2018 đến nay đã thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ. Đây cũng là môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sau 6 năm thực hiện Đề án 1665, đến nay, 100% các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Có 90% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; thu hút được gần hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Có 110 không gian làm việc chung dành cho khởi nghiệp trong các trường đại học; hơn 120 trường đại học đã đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn; có 10 cơ sở đào tạo đã bố trí được các Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Đoàn Thanh niên các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng.

Việc kết nối các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn hệ sinh thái đã có chuyển biến cơ bản; đã xây dựng được Mạng lưới Kết nối Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Thủ tướng bày tỏ niềm tự hào có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam giành thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các Tập đoàn, Công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora…

“Tinh thần khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp và kết quả khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã và đang đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới – thời đại Hồ Chí Minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế. Đó là hệ sinh thái khởi nghiệp còn hạn chế, thiếu sự gắn kết; còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực, thế giới. Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên triển khai còn chậm; hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đi vào chiều sâu. Hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp còn ít…

Phân tích bối cảnh, tình hình và các định hướng, mục tiêu phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên phát triển đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ của nhân dân, doanh nghiệp với những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, thiết thực, hiệu quả trước mắt và lâu dài.

* Kết nối, đầu tư, tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 đẩy mạnh; 2 tăng cường; 3 kết nối; 4 tập trung; 5 khuyến khích” trong hoạt động khởi nghiệp.

Trong đó, có đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

“Hai tăng cường” gồm: Tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp học sinh, sinh viên có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, điều phối viên; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên

“Ba kết nối” là: Kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với Trung tâm khởi nghiệp tại địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia; kết nối địa phương với trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương; kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện “bốn tập trung”. Đó là tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên; tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó là tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, thanh niên với các doanh nghiệp; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.

Theo Thủ tướng, “năm khuyến khích” gồm: Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị sử dụng sản phẩm được hình thành từ dự án khởi nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp. Tiếp đó là khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, sáng tạo khởi nghiệp dùng chung; khuyến khích học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Bên cạnh đó là khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có cách nghĩ mới, cách làm mới; tham gia hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

 Thủ tướng Phạm Minh trao đổi, hỏi thăm sinh viên tại gian hàng khởi nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đoàn Thanh niên triển khai sâu rộng chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, nhất là khởi nghiệp sáng tạo. Trọng tâm là phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Cùng với đó, Đoàn Thanh niên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp, trong đó tập trung đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, học sinh, sinh viên. Đặc biệt thúc đẩy các phong trào học ngoại ngữ, học tin học, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, vì những phong trào này vừa mang lại lợi ích chung và cho từng con người cụ thể.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục phổ thông, Thủ tướng yêu cầu tổ chức triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đã ban hành; chủ động bố trí nguồn lực sớm xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ cán bộ, giảng viên đăng ký sở hữu bằng độc quyền sáng chế. Cùng với đó là thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tư vấn hỗ trợ các khóa huấn luyện, đào tạo, các tổ chức thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, quỹ hỗ trợ vốn đầu tư mạo hiểm; kết nối với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn; cung cấp cho giáo viên, học sinh, sinh viên thông tin về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; chủ động ban hành, tham mưu ban hành các cơ chế phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó là tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên gắn với nội dung, chương trình được định hướng cụ thể thông qua việc học, trải nghiệm ngay tại doanh nghiêp, tại nhà máy, xí nghiệp, bảo đảm học đi đôi với hành.

Thủ tướng đề nghị học sinh, sinh viên noi theo tấm gương sáng của các thế hệ đi trước; luôn chăm chỉ, chuyên cần, cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt; giữ vững niềm tin, làm tròn trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội; hãy sống một cuộc sống tràn đầy đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp.

Học sinh, sinh viên hãy luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm: “Nuôi dưỡng ý tưởng; thổi bùng đam mê; quyết tâm, kiên trì; đương đầu thách thức, chấp nhận rủi ro, lập nghiệp thành công”, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng những đam mê, ước mơ, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và trở thành hiện thực, để đất nước ta có những chủ nhân thực sự siêng năng, tài giỏi, luôn sống, học tập, làm việc cống hiến hết mình, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc; sớm hiện thực hóa sứ mệnh đưa dân tộc bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.

Theo Phạm Tiếp/TTXVN