Thị trường vàng còn nhiều bất cập, thậm chí có lúc “nhảy múa” là vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng 13-5, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. |
Cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng
Thị trường vàng còn nhiều bất cập trong thời gian qua là vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại phiên họp.
Nêu ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dùng hai từ “nhảy múa” để nói về biến động thị trường vàng trong thời gian vừa qua. Nhấn mạnh giá cả mặt hàng này chưa bao giờ tăng đột biến như vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ nêu rõ cách quản lý đối với kim loại quý này trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và có sự chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước để quản lý thị trường vàng nhưng giá vàng vẫn ngày càng tăng, thậm chí lên mức tột đỉnh.
“Cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng, phải có “bàn tay” của nhà nước can thiệp vào thị trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhắc đến mức cao kỷ lục 92 triệu đồng/lượng của vàng miếng SJC, bày tỏ băn khoăn tại sao giá vàng lại cao như vậy và đề nghị cần có phân tích cũng như giải pháp cụ thể.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu mối quan hệ giữa giá vàng và lạm phát. Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, giá vàng đã leo lên mốc 92 triệu đồng/lượng – điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp và tác động đến lạm phát trong nước. Do đó, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ theo dõi sát sao diễn biến giá vàng trong nước và thế giới; có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, rà soát, đánh giá toàn diện, kịp thời và triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng, khắc phục tình trạng giá vàng miếng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. |
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế – xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có quản lý thị trường vàng. Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế nhận định: “Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp”.
Xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội
Ngoài ra, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phản ánh tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp); cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo; chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường trong những tháng đầu năm cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.
Quang cảnh phiên họp. |
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhắc đến tình trạng giá vé máy bay tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân; thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.
Do đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Theo: THẢO PHƯƠNG (qdnd.vn)