Liệt sĩ Cao Xuân Lộc, sinh ngày 05-01-1928, nguyên quán: huyện Vạn Yên (Vạn Ninh), tỉnh Sơn La; trú quán: số 176 phố Bà Triệu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 1945, với tuổi đời còn rất trẻ, là thanh niên Hà Nội, đồng chí tham gia quân đội hoạt động tại vùng Thuận Châu, Sơn La, theo yêu cầu nhiệm vụ lúc đó, đồng chí được giao làm “chính trị viên trung đội đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam” (theo Giấy báo tử số 1780 ngày 03/6/1959 của Cục Quân lực-Bộ Tổng Tham mưu).
Ngày 05-3-1946, trong khi chiến đấu với quân địch tại xã Chiềng Pấc, Thuận Châu, Sơn La, đồng chí Cao Xuân Lộc bị địch bắt, bắn chết ngay gần lô cốt địch, rồi chôn ngay tại chân đồi hang Bưu điện bản Chiệng Pấc, xã Chiệng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Sau khi được Chính phủ cấp “Bảng gia đình vẻ vang” và “Bằng Tổ quốc ghi công”, gia đình đã có tâm nguyện tìm mộ liệt sĩ Cao Xuân Lộc, thể hiện qua bức thư của mẹ liệt sĩ để lại khi cụ qua đời năm 1958… nhưng lúc đó hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Cục Chính sách-Tổng cục Chính trị; Cục Người có công Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Tp Hà Nội; Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam và Hội HTGĐLS tỉnh Sơn La, gia đình đã có được nhiều giấy tờ quan trọng. Đặc biệt năm 2021, theo búc thư của mẹ liệt sĩ do gia đình cung cấp, chị Nguyễn Thị Ngọc Tú, hội viên Hội HTGĐLS, cán bộ bảo tàng tỉnh Sơn La đã kết nối tìm được Cụ Tun, người dân tộc Thái chỉ cho khu vực địch chôn bộ đôi ta bị bắt, bị bắn gần tảng đá phía sau đồn giặc.
Nhận được đơn đề nghị của gia đình, Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, sau đó giao nhiệm vụ cho Ban CHQS huyện Thuận Châu tham mưu cho lãnh đạo huyện lập kế hoạch đào tìm, cất bốc, quy tập, bàn giao hài cốt liệt sĩ. Ngày 10/10/2022, bản Kế hoạch được Chủ tịch UBND huyện ký duyệt; ngày 13/10/2022 Trung đội dân quân xã Chiệng Pấc bắt đầu đào tìm tại chân đồi hang bưu điện bản Chiềng Pấc… Sau một ngày rưỡi, 28 dân quân luân phiên tích cực đào tìm, với sự tham dự của đại biểu Quân khu 2, Bộ CHQS tỉnh Sơn La, đại biểu UBND, Ban CHQS huyện Thuận Châu, đại diện Hội HTGĐLS Việt Nam, Hội HTGĐLS Bắc Sơn La và đại biểu gia đình liệt sĩ Cao Xuân Lộc đã xác định được dấu tích, mẫu phẩm gồm 2 mảnh răng nanh, một số mẩu xương nhỏ lẫn với đất đen (rất ít ỏi vì liệt sĩ đã hy sinh 76 năm) . Ban CHQS huyện Thuận Châu đã làm thủ tục bàn giao sang ngành Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, tỉnh đề nghị giám định AND xác định chắc chắn danh tính liệt sĩ rồi mới bàn giao cho gia đình.
Phạm Văn Phủng (HHTGĐLS Việt Nam)