Ông Phan Ngọc Huân, sinh năm 1948, quê ở xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hiện cư trú tại xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ tại Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, rồi cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền nam tham gia chiến đấu. Từng là lính pháo binh, rồi lính bộ binh, trải qua nhiều trận đánh, nhiều lần bị thương, nhiều lần cận kề cái chết, ông đã chứng kiến và tự tay chôn cất nhiều đồng đội. Ông Huân xúc động chia sẻ: “Tôi nhớ trong một lần cùng đồng đội đánh chiếm trận địa ở quận 10 (Sài Gòn) thì bất ngờ gặp quân địch phục kích, trúng đạn khiến tôi và nhiều đồng chí bị thương. Đồng chí Huỳnh, tiểu đội trưởng nằm cạnh tôi bị thương rất nặng. Trước khi mất, anh ấy nắm tay tôi và nói: Thế là tao không đợi đến ngày giải phóng được rồi… Nếu còn sống, hãy đưa tao về với đất mẹ quê hương nhé. Lời căn dặn trước khi chết của anh tôi không thể nào quên”.
Dù chiến tranh đã qua đi mấy chục năm nhưng ký ức về những đồng đội đã hy sinh vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí ông. Nhiều năm qua, ông day dứt khôn nguôi vì những người đồng đội của mình vẫn còn nằm lại trên đất nước bạn Cam-pu-chia, chưa được trở về trong lòng đất mẹ quê hương. Ông đã viết thư gửi Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) các tỉnh đề nghị hỗ trợ, tổ chức tìm kiếm, hồi hương hài cốt những liệt sĩ đã hy sinh tại Cam-pu-chia. Năm 2009, dù tuổi đã cao, sức yếu, lại bị thương tật ở chân, song ông Huân vẫn tình nguyện dẫn Đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) băng rừng, đi dọc biên giới Cam-pu-chia để tìm đồng đội. Ông Huân nhớ lại: “Hồi đó là tháng 3-2009, sau một ngày dài đi bộ, cả đội dừng lại nghỉ đêm thì tôi phát hiện ra căn hầm trinh sát trước đây chúng tôi đã ở bị sập xuống cạnh một cây đa gần con suối, thuộc xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng. Tôi rất mừng vì đã tìm thấy dấu tích của Viện K20 năm xưa đóng quân. Tuy nhiên, sáng hôm sau, anh em đào tìm không được hài cốt nào. Do lương thực đã cạn, thời tiết lại chuyển sang mùa mưa nên cả đội quyết định trở về. Mùa khô năm sau, Đội K52 đã tìm được bốn hài cốt chỉ cách vị trí căn hầm chừng 1,5 m. Mở rộng tìm kiếm, đội đã cất bốc được 97 hài cốt nữa”. Sau khi các HCLS hy sinh tại Viện K20 được tìm thấy, cất bốc và đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai), ông Huân lại viết thư gửi chương trình Đi tìm đồng đội (Truyền hình Quân đội) đề nghị tìm kiếm thân nhân các liệt sĩ, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức giám định ADN xác định danh tính, tìm lại tên tuổi, quê quán các liệt sĩ. Không chỉ dẫn đường cho Đội K52, tìm kiếm HCLS, ông còn phối hợp Đội K51 (Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk) tìm được 25 HCLS an táng ban đầu trên một ngọn núi ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Sau đó, ông tiếp tục chỉ dẫn cho Đội K51 tìm được thêm hai HCLS ở khu vực gần đó.
Những ngày ăn ở đi lại nơi rừng thiêng, nước độc, ông Huân và đội quy tập không chỉ trải qua nhiều gian nan, vất vả mà còn bị cái đói khát và sốt rét rừng hành hạ. Hầu hết anh em trong đội đều bị sốt rét phải đưa ra cửa rừng điều trị, còn ông cũng phải cấp cứu hai lần. Sau chuyến đi tìm đồng đội kéo dài một tháng đó, sức khỏe ông yếu đi nhiều, không thể tiếp tục cùng đội quy tập lên đường. Ông Huân đã chọn cách lục tìm trong ký ức về các sự kiện, trận đánh, các vị trí đơn vị quân y đóng quân để vẽ sơ đồ vị trí chôn cất đồng đội gửi các cơ quan chức năng đề nghị tìm kiếm, quy tập.
Trước khi dự lễ mở mộ, khai quật lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính 99 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ hồi tháng 1 vừa qua, đại diện thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 (thuộc xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia) đã đến thăm và bày tỏ lòng tri ân đến cựu chiến binh Phan Ngọc Huân, người hơn 10 năm trước dẫn đường cho Đội K52 băng rừng sang nước bạn Cam-pu-chia để tìm hài cốt đồng đội, giờ trở thành ân nhân của các gia đình.
(Theo Báo Nhân Dân)