Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Phùng Văn Thám từng chiến đấu tại Mặt trận B3-Tây Nguyên. Trong thư, ông Thám chia sẻ, ông còn nhớ nơi an táng liệt sĩ Nguyễn Văn Khánh, quê ở Hải Phòng, hy sinh năm 1972 và trực tiếp an táng liệt sĩ Nguyễn Văn Bột, quê ở Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), hy sinh năm 1973. Cả hai đồng chí đều hy sinh khi đánh cứ điểm Măng Buk, tỉnh Kon Tum.
CCB Phùng Văn Thám kể: “Tháng 2-1972, tôi là Đại đội phó Đại đội 7 thuộc Trung đoàn 24-Mặt trận Tây Nguyên. Khi trung đoàn di chuyển đã để lại Đại đội 7 của chúng tôi về trực thuộc Tỉnh đội Kon Tum, lấy phiên hiệu là K94. Đơn vị tôi có nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm Măng Buk. Trong trận đánh này, đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Trung đội phó Trung đội 2, Đại đội 7 hy sinh. Trên cương vị Đại đội phó, tôi đã giao nhiệm vụ cho một số đồng chí trong đơn vị tiến hành an táng thi hài đồng chí Khánh tại chân đồi Tu Bành, vòng ngoài cứ điểm Măng Buk”.
Sau khi hoàn thành công tác tử sĩ và thu dọn chiến trường, Đại đội 7 tiếp tục hành quân, tham gia các trận chiến đấu theo yêu cầu của trên. Đến tháng 3-1973, ông Thám lúc này là Đại đội trưởng Đại đội 7 được lệnh chỉ huy đơn vị lần thứ hai đánh chiếm cứ điểm Măng Buk. Sau trận chiến đấu, đồng chí Nguyễn Văn Bột (khoảng 42-43 tuổi) trong khi làm nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế hậu cần phục vụ bộ đội chiến đấu thì bị địch phục kích và hy sinh. Đại đội trưởng Phùng Văn Thám đã trực tiếp chôn cất đồng chí Bột ở gần suối Nước Chờ, khu vực cách cứ điểm Măng Buk không xa và luôn tâm niệm nếu còn sống sẽ tìm cách báo cho gia đình đồng chí Bột biết. “Ngày ấy, địa chỉ quê anh Bột tôi đã lưu lại, nhưng do chiến tranh còn kéo dài, đơn vị lại di chuyển liên tục nên bị thất lạc lúc nào không hay. Thời gian lại trôi qua quá lâu, tôi không thể nhớ được xã, huyện mà chỉ nhớ anh Bột ở Hà Bắc và có con gái đầu là Nguyễn Thị Hoa (Ngọc)”-CCB Phùng Văn Thám cho biết.
Một thời gian sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, CCB Phùng Văn Thám đã tìm cách báo cho hai gia đình liệt sĩ, nhưng do không nhớ địa chỉ chính xác nên thư của ông gửi về trụ sở chính quyền các địa phương Hải Phòng, Hà Bắc đều không thấy hồi âm.
Sau khi nhận được thông tin, Chuyên mục “Tìm người thân và đồng đội” đã liên hệ và trò chuyện trực tiếp với CCB Phùng Văn Thám. Vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, ông khẳng định là người biết nơi an táng liệt sĩ Nguyễn Văn Khánh và trực tiếp chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Bột nên ông có thể vẽ lại sơ đồ mộ chí của hai liệt sĩ. Ông cũng bày tỏ nguyện vọng thông tin mình cung cấp được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng để sớm tìm được thân nhân các liệt sĩ, báo tin và sẵn sàng dành thời gian, công sức hỗ trợ thân nhân tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Từ những thông tin trên, đồng đội, bà con cô bác, ai biết thông tin về địa chỉ, thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Văn Bột, xin thông báo cho CCB Phùng Văn Thám, địa chỉ: Xóm Thanh Sơn, xã Phú Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; điện thoại: 0388.945.794; hoặc Chuyên mục “Tìm người thân và đồng đội” của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân, địa chỉ: Số 7 Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 0243.7333598-069.554743; email: skncbqd@gmail.com; Hoặc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Số 36, Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại 024.37349564, 069696573; gmail: hhtgdlsvn@gmail.com
(Theo QĐND)