Đầu năm 2021, chúng tôi nhận được lá thư từ Quảng Ninh: ‘Tôi là nữ cựu chiến binh Hải quân. Em trai tôi là liệt sĩ Biên phòng, hy sinh lúc 19 tuổi ở biên giới Kiên Giang. 43 năm nay, không biết em nằm đâu’…
2 chị em cùng nhập ngũ
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ông Vũ Trọng (sinh năm 1911) phục viên về khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) làm cán bộ thuộc Sở Giao thông và Bưu điện (nay là Sở GTVT). Sau khi kết hôn với bà Nguyễn Thị Sừ (sinh năm 1921), ông bà sinh con gái đầu là Vũ Thị Kim Liên (sinh năm 1956) và mấy năm sau là con trai út Vũ Hữu Quân (sinh ngày 23.9.1959).
Tháng 8.1974, ông Trọng cho con gái Kim Liên nhập ngũ vào Tiểu đoàn 2 thông tin thuộc Bộ Tham mưu Hải quân (nay là Lữ đoàn 602 Hải quân), đóng quân tại xã Minh Tân (H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng).
Tháng 7.1976, cậu con trai Vũ Hữu Quân được gọi nhập học Trường trung cấp nông – lâm – ngư nghiệp Quảng Ninh (trường này được bàn giao cho Đại học Ngoại thương tháng 9.2009) ở TX.Uông Bí. Mới học được 3 tháng, cuối tháng 10.1976, ông Trọng đạp xe lên trường, nói con trai dọn đồ, về quê nhập ngũ. Người thân trong gia đình thắc mắc: “Con chị đã đi bộ đội, sao không để thằng em học nghề?”, ông Trọng trả lời: “Vào quân ngũ cho cứng cáp. Đất nước hết chiến tranh rồi, đừng lo”.
Đầu tháng 11.1976, từ xã Nam Hòa, H.Yên Hưng, Quảng Ninh (nay là P.Nam Hòa, TX.Quảng Yên), chiến sĩ Vũ Hữu Quân nhập ngũ vào Công an nhân dân vũ trang (CANDVT, nay là bộ đội biên phòng – BĐBP) tỉnh Quảng Ninh và vào huấn luyện tân binh tại Quang Hanh (Cẩm Phả).
Từ tháng 5.1977, Bộ Tư lệnh CANDVT tăng cường gấp quân số từ các tỉnh phía bắc vào biên giới Tây Nam. Đầu tháng 6.1977, chiến sĩ Vũ Hữu Quân và hơn 100 cán bộ chiến sĩ CANDVT Quảng Ninh được chở sang cảng Chùa Vẽ (TP.Hải Phòng) xuống tàu vận tải quân sự, hành quân đường thủy vào TP.HCM và theo đoàn đi chi viện cho CANDVT tỉnh Kiên Giang. Xuống tới Rạch Giá, anh Quân và gần chục đồng hương Quảng Ninh khác được phân công về đồn CANDVT Vĩnh Điều, vừa được thành lập tại xã Vĩnh Điều, H.Hà Tiên (nay là xã Vĩnh Điều, H.Giang Thành).
|
Trước khi lên tàu thủy vào Nam chiến đấu, chiến sĩ Vũ Hữu Quân xin tranh thủ ghé qua TP.Hải Phòng thăm chị gái Vũ Thị Kim Liên (khi đó 21 tuổi, chiến sĩ báo vụ thuộc Tiểu đoàn 2 thông tin, Bộ Tham mưu Hải quân) đang trực thông tin ở Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân.
“Em Quân qua thăm được vài tiếng. Hồi trước em ấy gầy yếu vì đói ăn, vào bộ đội được ăn no nên khỏe mạnh, đen sạm. Tôi cứ loanh quanh không tìm ra thứ gì cho em trước khi ra chiến trường. Mình là lính chẳng có tiền mua. Định tặng quân trang nhưng toàn đồ nữ. Thấy tôi cứ loanh quanh, em cười: Khi nào em về, chị em mình đi ăn bát xôi”, bà Liên nhớ vậy và khóc: “Có ai ngờ đó là lần cuối cùng mình gặp em?”…
Ngã xuống giữa vòng vây
Cuối tháng 7.1977, hạ sĩ Vũ Hữu Quân và gần 10 chiến sĩ quê Quảng Ninh về đồn CANDVT Vĩnh Điều. Thời điểm này, chiến sự đã nổ ra ác liệt dọc biên giới. Không chỉ tăng cường pháo kích, phía Khmer Đỏ còn cho các đơn vị nhỏ vượt biên giới, tấn công vào doanh trại đồn CANDVT Vĩnh Điều (cách biên giới khoảng 1,5 km) và các khu dân cư trong địa bàn.
“Địch liên tục pháo kích vào đồn khiến nhà tạm cháy hết. Sau đó, chúng tôi phải ăn ngủ, sinh hoạt trong hầm hào. Quân ở đội vũ trang, đánh nhau rất lì nên thường được chỉ huy cử đi làm nhiệm vụ trinh sát, chốt chặn, cảnh giới”, ông Nguyễn Văn Cường (hiện đang sống ở TP.Uông Bí, Quảng Ninh), nguyên chiến sĩ Đội địa bàn, đồn CANDVT Vĩnh Điều giai đoạn 1977 – 1981 nhớ lại vậy và kể: “Anh em rất quý vì Quân là con trai độc nhất trong nhà, đích tôn của dòng họ và chị gái đang làm bộ đội Hải quân. Quân biết võ thuật do bố là cựu binh trinh sát dạy cho”.
|
Rạng sáng 18.1.1978, súng nổ ran phía đồn CANDVT Phú Mỹ (cách Vĩnh Điều khoảng 14 km). Đầu giờ chiều, nghe tiếng súng lắng xuống, chỉ huy đồn phân công 2 chiến sĩ Bùi Văn Lũy (sinh ngày 20.5.1958, quê ở Hồng Phong, Đông Triều, Quảng Ninh) và Vũ Hữu Quân đi xuôi theo kênh Vĩnh Tế về phía Giang Thành – Phú Mỹ xem “có chuyện gì mà súng nổ nhiều thế”. Đến giữa cánh đồng ấp Cống Cả (xã Vĩnh Điều), lính Khmer Đỏ đã phục sẵn nổ súng, khiến 2 chiến sĩ Lũy và Quân hy sinh ngay tại chỗ.
Đến lúc ấy, chỉ huy Đồn CANDVT Vĩnh Điều mới té ngửa: Đêm 17, rạng sáng 18.1.1978, cả 2 tiểu đoàn bộ binh của Khmer Đỏ đã bất ngờ tấn công vào trận địa của Đại đội 1 cơ động (thuộc CANDVT Kiên Giang) và Đồn CANDVT Phú Mỹ. Ý đồ của địch là đánh bật đại đội cơ động, tiêu diệt Đồn CANDVT Phú Mỹ và UBND xã, kiểm soát kinh Hà Giang và sông Giang Thành, cắt đứt đường chi viện của ta từ Hà Tiên lên, đẩy các đơn vị khác ra xa, chiếm vùng này làm bàn đạp đứng chân tiến sâu vào nội địa ta.
Loạt đạn bắn thẳng vào 2 chiến sĩ Vũ Hữu Quân và Bùi Văn Lũy cũng là tín hiệu cho các loại súng pháo của địch điên cuồng nã vào doanh trại Đồn CANDVT Vĩnh Điều. “Thì ra đêm hôm trước (17.1.1978), lính bộ binh Khmer Đỏ thuộc Trung đoàn 401, Sư đoàn 230 đã vượt qua đường biên, vào gần đồn”, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Bảng (66 tuổi, đang ở TX.Sầm Sơn, Thanh Hóa, nguyên nhân viên quản lý Đồn CANDVT Vĩnh Điều 1977 – 1983) nói vậy và nhớ lại: “Đạn pháo địch bắn liên tục, nên không thể ra ngoài tìm 2 chiến sĩ đã hy sinh”... (còn tiếp)
… Trận chiến đấu ngày 18.1.1978 mở đầu cho cuộc chiến dài ngày dọc biên giới Kiên Giang. Ở ấp Cả Ngay, Đại đội 1 cơ động thiệt hại nặng, phải rút. Đồn CANDVT Phú Mỹ bị lính Khmer Đỏ bao vây liên tục 7 ngày đêm, nên ngày 24.1.1978, cũng rút.
6 chiến sĩ Đồn CANDVT Phú Mỹ đã hy sinh, tất cả đều quê Hà Tĩnh và chưa tìm thấy phần mộ (trong đó có 3 liệt sĩ hy sinh cùng ngày 18.1.1979 với liệt sĩ Quân và Lũy ở Đồn CANDVT Vĩnh Điều). Hai ngày sau khi Đồn CANDVT Phú Mỹ rút về tuyến sau, ngày 26.1.1978, bộ binh Khmer Đỏ tràn qua biên giới vây đánh Đồn CANDVT Vĩnh Điều. Chiều 28.1.1978, chỉ huy đồn CANDVT Vĩnh Điều đã cho cả đồn rút về Kiên Lương…
Ông Nguyễn Hữu Thành (nguyên Đồn phó CANDVT Vĩnh Điều)