Với mong muốn may ra có ai là đồng đội của 5 liệt sĩ thuộc Sư đoàn 304 và Sư đoàn 325 lên tiếng để chúng ta cùng chung tay tiếp tục lần tìm tên, quê hương cho các anh.
Cách đây 59 năm, tôi được cùng nhiều người dân chứng kiến sự hy sinh của 5 anh bộ đội đóng quân tại thôn tôi: Phúc Tỉnh, Yên Thịnh, Yên Định, Thanh Hoá.
Hôm đó, ngày 18 tháng 10 năm 1953, tức 11 tháng 9 âm lịch, quê tôi đang vào mùa gặt, gần trưa, khi mọi người đang bận rộn ngoài đồng thì một tốp máy bay khu trục của Pháp bất ngờ bay tới ném bom, bắn phá làng tôi dữ dội
Trước đó mấy hôm, một đơn vị bộ đội trú quân, huấn luyện tại quê tôi vừa rút đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng tại một số nhà được mượn làm kho hậu cần vẫn có một số anh bộ đội được đơn vị phân công ở lại coi kho.
Thời đó, quê tôi thuộc vùng tự do Thanh Hoá, nên thường có các đơn vị bộ đội chủ lực đóng quân. Nghe một số cụ khi đó là cán bộ xã, thôn nói thường là Đại đoàn 304, 312, có khi là Đại đoàn 316. Hồi đó vùng Yên Định, Thọ Xuân, thường hay bị máy bay Pháp đánh phá.
Do đầu mùa gặt, đường làng, sân nhà dân phơi nhiều rơm rạ, vì thế lửa bom bắt bén cháy mù mịt.
Tại nhà ông Trịnh Đình Hiển (ông Lai), sát sau đình làng thôn tôi lửa bén vào rơm có nguy cơ cháy lan vào gian nhà là kho quân khí của đơn vị. Từ dưới hầm trú ẩn ở góc vườn, hai anh bộ đội lao lên dập lửa không để cháy lan vào nhà. Dập được lửa thì máy bay địch vòng lại tiếp tục bắn phá và cả hai anh bị trúng bom của địch, hy sinh giữa sân nhà.
Gần đó, tại nhà cụ Trịnh Hữu Tô, đơn vị mượn làm kho quân trang, lương thực bị bắt lửa cháy, mấy anh bộ đội đang cố dập lửa thì một loạt đạn 20 li của địch bắn xối xả làm hai anh bị trúng đạn hy sinh.
Trận tàn phá của máy bay địch đã làm 4 anh bộ đội, 5 dân làng bị chết. Hôm đó, tôi mới 6 tuổi, theo mẹ đi chơi nhà bà con vừa về đến cổng nhà, thì bom địch ầm ầm, may mà kịp xuống căn hầm trú ẩn khoét hàm ếch dưới khóm tre đầu ngõ nên thoát chết.
Sau trận bom, 4 anh bộ đội hy sinh được mấy anh bộ đội bộ phận coi kho cùng dân làng tôi mai táng chu đáo tại nghĩa địa của làng.
Là nạn nhân của trận bom, lại được tận mắt chứng kiến những cái chết của các anh, cảnh tượng làng mạc bị tàn phá, đến nay những hình ảnh ấn tượng đó không thể phai mờ trong ký ức tôi.
Một trường hợp khác, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc không lâu khoảng tháng 6-7 năm 1954, làng tôi lại có đơn vị bộ đội về đóng quân. Tại nhà ông Trịnh Bá Thuộc trong xóm, cách đình làng 200m, do trời nóng, mấy anh bộ đội trải chiếu nằm trên nền nhà, không may, một anh bị con rắn lục ngoài vườn bò vào cắn và không kip cấp cứu, bị chết và cũng được chôn cất gần 4 ngôi mộ nói trên.
Khoảng năm 1958, Uỷ ban hành chính xã tôi tổ chức cất bốc 5 ngôi mộ về nghĩa trang liệt sĩ xã tại cạnh núi đá thôn Xuân Châu. Đáng tiếc, cả 5 ngôi mộ đều không có tên liệt sĩ, có lẽ lý do chính là do nhận thức, trách nhiệm của người sống.
Khi tôi lớn lên và đi bộ đội vào chiến trường Quảng Trị, rồi sau này vẫn trong quân ngũ, mỗi lần về thăm nhà, đi qua mấy ngôi mộ, tôi lại rẽ vào viếng các anh.
Đã trực tiếp chôn cất những đồng đội hy sinh tại chiến trường, nhận thức được nỗi đau của những ngôi mộ liệt sĩ chưa rõ tên, mỗi lần viếng mộ các anh mà sự ra đi của các anh tôi từng được chứng kiến, tôi lại tự hỏi “có cách nào lần ra tên các anh được không”? Vì thế, tôi viết bài này kể lại thời gian xảy ra sự việc hy vọng nếu bác cựu chiến binh nào cùng đơn vị với các liệt sĩ biết sự việc, lên tiếng may có cơ lần tiếp thông tin các liệt sĩ trên.
Hiện 5 ngôi mộ này đã được quy tập gọn một cụm tại nghĩa trang Liệt sĩ Thiệu Yên (thuộc xã Thiệu Phú, Thiệu Hoá, Thanh Hoá).
Sở dĩ các anh về đây vì thời kỳ 1970, huyện Yên Định nhập với phần các xã của huyện Thiệu Hoá ở bắc sông Chu thành huyện Thiệu Yên. Đến năm 1988, số mộ liệt sĩ tại nghĩa trang các xã của Yên Định đều được di về chung nghĩa trang của huyện Thiệu Yên. Trong 660 ngôi mộ của nghĩa trang, 5 ngôi mộ liệt sĩ nói trên được đưa từ nghĩa trang xã tôi về đây từ 1988 được đặt nằm sát nhau và trong sổ danh sách liệt sĩ an táng tại nghĩa trang được ghi “từ nghĩa trang xã Yên Thịnh, Yên Định di về”./.
Mọi liên hệ xin thông tin về Hoặc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Số 36, Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại 024.37349564, 069696573; gmail: hhtgdlsvn@gmail.com; hoặc Đại tá Trinh Thanh Phi, Số 2/38A Lý Nam Đế, Hà Nội ĐT: 0989136410;
(Trianlietsi.vn)