Đất nước đã im tiếng súng gần nửa thế kỷ, nhưng biết bao gia đình vẫn đau đáu nỗi niềm khôn nguôi khi người thân vẫn nằm lại chiến trường, chưa được trở về với đất Mẹ. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thời gian qua, “những đôi chân vạn dặm” của cán bộ, chiến sĩ Đội K53, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã in khắp các nẻo rừng ở 3 tỉnh Nam Lào và tỉnh Rattanakiri (Campuchia), để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh tại Lào và Campuchia.
Chiều biên giới một ngày đầu tháng 6 mây xám giăng ngang trời, tại nhà chờ Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nơi đón nhận 12 hài cốt liệt sĩ từ nước bạn Lào và Campuchia trở về, để tổ chức lễ viếng, truy điệu và an táng các liệt sĩ vào sớm ngày hôm sau, cán bộ, chiến sĩ Đội K53 dâng những nén hương thơm, chắp tay, cầu mong các liệt sĩ phù hộ độ trì để anh em chân cứng đá mềm trong hành trình đi tìm đồng đội những mùa khô tới. Cuộc đời binh nghiệp của các anh hạnh phúc nhất là khi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này. Những kỷ niệm vui buồn cứ dài theo năm tháng, những cái tên xa lạ như đèo Âmpun, dốc Cổng trời, làng Mui, làng Két, làng Chong… bỗng trở nên gần gũi qua lời kể của Thượng tá Lê Công Khoa – Đội trưởng Đội K53.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đội gặp phải không ít những khó khăn, vất vả. Theo Thượng tá Lê Công Khoa, lý do bởi vì địa hình tìm kiếm thường là các vùng đồi, núi rộng lớn; địa bàn chiến tranh ác liệt, vật liệu nổ còn sót lại nhiều, nếu không tổ chức rà tìm cẩn thận thì rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn. Khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, nhất là phải cơ động sớm, trèo đèo, băng rừng, vượt suối hàng giờ đồng hồ, mà trên vai mỗi cán bộ, chiến sĩ cõng lương thực, dụng cụ đào bới trên 20kg. Đặc biệt, mùa khô, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, bộ đội phải tiết kiệm từng tí nước, hai đến ba hôm mới tắm một lần.
Chiến sĩ Đội K53 (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) dùng tay gạt nhẹ từng lớp đất, săm soi, thu nhặt từng di vật của các liệt sĩ, không bỏ sót bất cứ thứ gì, dù là nhỏ nhất. |
Cùng với đó, kinh tế-xã hội phát triển, địa hình thay đổi rất nhiều; thông tin về liệt sĩ hiếm hoi, ngày một ít dần, các nguồn tin chủ yếu từ tài liệu sơ đồ của đơn vị, đồng đội, cựu chiến binh, từ nhân dân địa phương phát hiện… Tuy nhiên, những người trực tiếp biết thông tin tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe về lại chiến trường xưa, trí nhớ không còn minh mẫn. Do đó, việc khảo sát, thu thập thông tin ngày một khó khăn; có những lúc đào tìm hàng tháng trời không có kết quả.
Để đảm bảo độ chính xác cao, khi tiếp nhận được thông tin về hài cốt liệt sĩ, dù ở nơi rừng núi hẻo lánh, xa xôi, cách hàng chục ki-lô-mét đường rừng, chỉ huy đội và thành viên tổ công tác của nước bạn phải đến tận nơi để rà soát, đối chiếu, kiểm chứng thông tin đảm bảo cho công tác tìm kiếm đạt hiệu quả, không uổng phí công sức bộ đội. “Muốn tìm kiếm được những thông tin, ngoài trách nhiệm, tâm huyết thì anh em phải thông thạo địa bàn, xây dựng được các mối quan hệ tốt với chính quyền, nhân dân và làm tốt công tác dân vận. Mỗi khi nghe được manh mối ở bất kỳ đâu, anh em cũng tìm đến cho bằng được, dù mất cả tuần băng rừng, lội suối, trèo đèo” – anh Khoa tâm niệm.
Thuận lợi cơ bản nhất, quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ, đó là ý thức trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đối với các chú, các anh đã hy sinh còn nằm lại trên các chiến trường. Anh, em thấu hiểu được những nỗi đau, niềm hy vọng của gia đình mong muốn có một ngày được gặp lại, được đưa người thân của mình trở về quê hương an nghỉ, dẫu đó chỉ là một ít hài cốt còn lại nhưng rất thiêng liêng. Niềm vui vỡ òa là khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ; giữa rừng thiêng nước độc, trong phút giây linh thiêng nâng niu di vật của các liệt sĩ, nước mắt mừng vui cứ chảy dài trên những khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng. Khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ, anh em dùng tay gạt nhẹ từng lớp đất, săm soi, thu nhặt từng di vật, không bỏ sót bất cứ thứ gì, dù là nhỏ nhất… Sau đó làm thủ tục khâm liệm đơn giản nhưng trang nghiêm và thành kính, hài cốt liệt sĩ luôn được các anh cẩn trọng mang theo bên mình. Trên đường trở về điểm tập kết, để đề phòng mưa lũ, thú rừng, anh em đều ôm chặt ba lô đựng hài cốt vào lòng…
Đại tá Đỗ Thanh Xuân – Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 5 cùng lãnh đạo địa phương đưa hài cốt liệt sĩ về nơi an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. |
“Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người, khi trở về Tổ quốc ai cũng nhẹ tênh. Mỗi người chỉ còn lại đôi ba cân xương, của người này trộn lẫn với người kia… Anh em tôi, dù có phải băng rừng, lội suối mà tìm cho được một mẩu hài cốt cũng thấy yên lòng”- giọng anh Khoa như nghẹn lại.
Từ nay, 12 liệt sĩ đã được trở về bên những đồng đội, yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất Mẹ Việt Nam với tình yêu thương vô hạn của đồng chí, đồng bào. Với cán bộ, chiến sĩ Đội K53 các anh lại chuẩn bị cho nhiệm vụ tìm kiếm mùa khô sắp tới. Dẫu biết rằng, càng về sau, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu, những người lính Đội K53 vẫn nỗ lực hết mình. “Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, chúng tôi sẽ còn tổ chức tìm kiếm, quy tập” – đó là mệnh lệnh và cũng là phương châm của cán bộ, chiến sĩ Đội K53 trong những hành trình tiếp theo.
Bài, ảnh: LÊ TÂY (qdnd.vn)