Đó cũng là tâm sự chung của các gia đình có thân nhân hy sinh khi đến dự lễ truy điệu và an táng 24 hài cốt liệt sĩ (HCLS) được Ban Chỉ đạo 1237 và Bộ CHQS tỉnh Thái Bình quy tập cuối tháng 12-2017, tại xã Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình).
Hơn 65 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, sau thất bại nặng nề ở Chiến dịch Biên Giới (1950), Pháp quay trở lại bình định Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có tỉnh Thái Bình). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của trên, để tiêu diệt và phá tan âm mưu càn quét của địch, đêm 25-3-1952, Trung đoàn 48 bí mật vượt sông Diêm Hội phối hợp với quân và dân huyện Thái Ninh (huyện cũ của Thái Bình) để chuẩn bị chiến đấu chống địch càn quét. Phát hiện bộ đội ta tại đây, địch huy động lực lượng lớn với sự chi viện của máy bay, pháo binh và tàu chiến từ biển bắn vào hòng tiêu diệt lực lượng ta. Do bom đạn của địch quá ác liệt, nhiều đồng chí đã hy sinh, bị đất vùi lấp không tìm thấy thi thể. Các đồng chí còn lại vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, sau 3 ngày 3 đêm giao tranh quyết liệt, địch không càn được làng, lại bị tổn thất nặng nề, buộc phải rút lui.
Trận chống càn của Trung đoàn 48 và quân, dân xã Thái Thượng góp phần quan trọng đập tan cuộc hành binh Méc-quya và âm mưu quay trở lại bình định, chiếm đóng Đồng bằng Bắc Bộ của thực dân Pháp. Tỉnh Thái Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”. Người cũng gửi thư khen và tặng danh hiệu “Trung đoàn giúp dân đánh giặc” cho Trung đoàn 48. Trò chuyện với Trung tá Lương Đình Dư, Phụ trách Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, chúng tôi được biết, để quy tập được 24 HCLS, trong nhiều tháng qua, Ban Chỉ đạo 1237 và Bộ CHQS tỉnh Thái Bình đã đi gặp các nhân chứng, thu thập thông tin, lên kế hoạch, xác định vị trí tìm kiếm. Khi mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, ngày 12-12-2017, 200 cán bộ, chiến sĩ LLVT đã được huy động và trong hơn 10 ngày, các lực lượng tìm kiếm đã đào gần 4.000m2 đất ở xã Thái Thượng. Các anh đã đào bới, kiểm tra từng viên đất, gốc cây, bụi cỏ với quyết tâm tìm và quy tập bằng được các HCLS. Trung tá Phạm Văn Diên, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Thái Thụy-người chỉ huy trực tiếp quá trình tìm kiếm tại hiện trường, khẳng định: “Sau khi có kế hoạch của cấp trên, cơ quan xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2017. Từ đó, đơn vị tổ chức giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên hôm nay đối với thế hệ đi trước”. Có lẽ vì thế mà trong những ngày mưa rét, cái ấm áp của tình đồng đội, tình quân dân vẫn lan tỏa và tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ hôm nay. Bà Phạm Thị Chắt ở thôn Bạch Đằng (xã Thái Thượng) bộc bạch: “Thấy các anh bộ đội ngày đêm dầm mưa đào đất tìm kiếm HCLS, tôi và gia đình cũng ra giúp sức. Đưa các bác về với gia đình và đồng đội là nguyện vọng chung của nhân dân, chính quyền địa phương và các anh bộ đội”. Ôm di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệp, anh Nguyễn Văn Huân, cháu nội liệt sĩ (ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội), không giấu được xúc động: “Hơn 65 năm qua, gia đình chúng tôi luôn đau đáu tìm ông về, nhưng không biết ông hy sinh ở đâu, thời điểm nào. Giờ được biết ông đã cùng với đồng đội, nhân dân tỉnh Thái Bình đập tan cuộc hành quân Méc-quya và anh dũng hy sinh thì gia đình tự hào lắm. Chúng tôi sẽ noi gương ông sống tốt, làm nhiều việc có ích cho xã hội”. Đọc điếu văn tại lễ truy điệu 24 liệt sĩ, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, khẳng định: “Chiến tranh đã lùi xa, duy nhất chỉ có những giá trị tinh thần và tiếng thơm của các anh hùng liệt sĩ muôn đời lưu truyền trong hiện tại và những thế hệ mai sau. Sông có thể cạn, đá có thể mòn, song công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân vẫn trường tồn cùng dân tộc”. Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN (QĐND) |