Phát biểu khai mạc, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết, Chương trình “Sống mãi với non sông” nhằm tôn vinh và tri ân các Anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng; cũng như phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.
Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình cũng vinh danh các cơ quan, doanh nghiệp, doanh nhân, các tập thể, cá nhân đã giành những tình cảm sâu sắc, sự hỗ trợ, tài trợ quý báu, thiết thực tới các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, với mục tiêu tri ân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tích cực khai thác khớp nối các nguồn thông tin phục vụ cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giám định để phân tích gen, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Sau rất nhiều năm thực hiện, Hội đã gửi đi giám định trên 1.168 mẫu hài cốt liệt sĩ, đã giám định ADN xong hơn 685 mẫu gen, cho kết quả đúng danh tính liệt sĩ gần 500 mẫu hài cốt. Sau mỗi lần có kết quả giám định ADN và trao cho thân nhân liệt sĩ, ai nấy cũng mang nỗi xúc động khó diễn tả, bởi các anh hùng liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, sau mấy chục năm đã được về với gia đình, dòng họ và người thân.
Theo Ban tổ chức, chiến tranh đã qua đi, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại còn hết sức nặng nề. Chúng ta luôn ghi nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sĩ, của các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh để cho chúng ta được sống hạnh phúc trong hòa bình như ngày hôm nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Máu đào của các chiến sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Cho nên đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.
Cũng tại đây, Ban Tổ chức đã tặng hoa, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng: Nguyễn Thị Điểm, Nguyễn Thị Cứu và Phạm Thị Đen; trao kết quả giám định ADN của các liệt sĩ Phan Minh Nham, Nguyễn Chí Cường, Phạm Văn Thước, Nguyễn Xuân Lễ cho thân nhân; cũng như tặng quà 20 thân nhân liệt sĩ.
Thông qua Chương trình, Ban Tổ chức đã vận động các doanh nghiệp đồng hành tài trợ 03 căn nhà tình nghĩa tặng thân nhân gia đình liệt sĩ khó khăn về nhà ở (mỗi căn nhà trị giá 60 triệu đồng).
Tại Chương trình, các đại biểu và đông đảo khán giả xem truyền hình đã cùng ngược dòng thời gian và đến với những “Bài ca đi cùng năm tháng”, để nhớ về những giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, của dân tộc.
Đó là những ca khúc: “Linh thiêng Việt Nam” (sáng tác nhạc sĩ Lê Quang); biểu diễn NSND Quốc Hưng và các diễn viên múa Trống Đồng; “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” (sáng tác nhạc sĩ Chu Minh) do NSND Quang Thọ biểu diễn; “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (sáng tác nhạc sĩ An Thuyên) do nghệ sĩ Anh Thơ biểu diễn; “Đêm nay Anh ở đâu” (sáng tác nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) do NSƯT Phương Nga Biểu diễn; “Đất nước tình yêu” (sáng tác nhạc sĩ Trần Lệ Giang) do NSND Quốc Hưng và NSƯT Phương Nga biểu diễn; “Miền xa thẳm” (sáng tác nhạc sĩ Đức Trịnh) do ca sĩ Thảo Ly trình bày…/.
Theo: Hồng Minh (tapchilaodongxahoi.vn)