Từng bán đến 5 mảnh đất có giá trị ở Hà Nội, đổi tới 8 lần xe ô tô, trung bình mỗi năm chi gần 700 triệu đồng… chỉ để làm thiện nguyện và tri ân liệt sĩ, hơn 20 năm qua, hàng trăm mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn được ông giúp đỡ, đùm bọc.
Day dứt chiến trường
Đến ngõ 12 đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi ông Đạt “tìm mộ”, chúng tôi được cô bán nước hồ hởi: “Chú Đạt ở đây ai chả biết. Cháu cứ đi thẳng đến căn nhà cấp 4 lợp mái tôn đầu tiên là nhà chú ấy đấy. Nhưng mà này, đã hẹn trước chưa kẻo không gặp được đâu vì chú ấy đi làm từ thiện suốt”. Quả đúng như dự đoán của cô, hôm đó chúng tôi không gặp được ông. Ở tuổi 75, trong khi nhiều người an hưởng tuổi già thì CCB Đỗ Tuấn Đạt (Ủy viên Thường trực Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam Quân khu Trị Thiên) vẫn đi “trên từng cây số”.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, vào một ngày trung tuần tháng 3-2023, ông mới thu xếp được khoảng 2 tiếng trò chuyện với chúng tôi trước khi lên đường vào Lâm Đồng đón hài cốt liệt sĩ. “Là người lính may mắn còn sống qua lửa đạn chiến tranh, chúng tôi hiểu hơn ai hết niềm mong mỏi, day dứt của những người mẹ, người vợ, thân nhân liệt sĩ khi chưa đón được người thân còn nằm lại trên các chiến trường. Nghĩ đến họ, đến đồng đội, chúng tôi cố gắng hết khả năng có thể để tìm kiếm, đưa thật nhiều liệt sĩ về với gia đình”-ông bắt đầu câu chuyện.
Sinh ra và lớn lên tại một làng quê ven bờ sông Đuống thuộc xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), ngày 26-7-1967 đang là lái xe của Công ty Vận tải hàng hóa Hà Nội, Đỗ Tuấn Đạt tình nguyện nhập ngũ. Khoảng một năm sau, ông lên đường đi B và được biên chế về trung đội hỏa lực của Đại đội 9, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 5, Quân khu Trị Thiên. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực định nhưng cũng không ít lần hút chết.
Cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt và chiếc xe thân thuộc trong hành trình kiếm tìm đồng đội. Ảnh: TUẤN TÚ |
Đang hăng say chiến đấu thì trên có quyết định thành lập Đại đội xe 69. Do có thời gian làm lái xe trước khi vào chiến trường nên Đỗ Tuấn Đạt được điều động về đây, phụ trách lái xe GAZ-69 phục vụ thủ trưởng Quân khu. Ông kể: “Năm 1971, đoàn xe chúng tôi đi đến đoạn đèo Bù Lạch (Quảng Trị), thì xe của đồng chí Trần Văn Thiết và Đào Quang Bình đi trước dẫn đường bị dính mìn. Cả hai hy sinh tại chỗ. Vì nhiệm vụ còn ở phía trước, chúng tôi vội an táng đồng đội gần đó để hành quân tiếp. Hòa bình lập lại, do chưa tìm được thân nhân nên chúng tôi đành đưa các anh về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị”.
Với mong muốn cho gia đình biết về sự dũng cảm và hoàn cảnh hy sinh của đồng đội, ông Đạt quyết định tìm kiếm gia đình liệt sĩ. Tưởng phải bỏ cuộc sau nhiều lần không thành vì thông tin quá ít ỏi nhưng trời đã không phụ lòng người, cuối cùng ông đã tìm được thân nhân của liệt sĩ Đào Quang Bình ở xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, rồi sau đó được biết gia đình liệt sĩ Thiết cũng ở cùng huyện. Theo nguyện vọng của gia đình, CCB Đỗ Tuấn Đạt tình nguyện đưa họ vào xã Hải Phú đón các liệt sĩ. Ông tâm sự: “Chứng kiến phút giây xúc động đón liệt sĩ về quê mẹ tôi không khỏi nhớ tới 8 năm ở chiến trường đã trực tiếp an táng hàng chục đồng đội. Chắc chắn những gia đình này cũng đang mong ngóng, trông tin. Nỗi day dứt ấy thôi thúc tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm đồng đội ngay sau khi nghỉ hưu”.
Gian nan hành trình đưa đồng đội về quê mẹ
Nghĩ là làm, CCB Đỗ Tuấn Đạt lần hồi thu thập thông tin và tự tìm đến từng gia đình liệt sĩ để thông báo, sẵn sàng giúp đỡ việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Sau đó, với mong muốn giúp được nhiều gia đình liệt sĩ hơn, ông vận động bạn bè là các doanh nhân, CCB thành đạt, thành lập Câu lạc bộ Nghĩa tình đồng đội (nay là Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ) thuộc Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên cùng thực hiện hoạt động tri ân. Hơn 20 năm qua, gần 400 hài cốt liệt sĩ đã được CCB Đỗ Tuấn Đạt và các cộng sự trực tiếp tìm kiếm, xác minh thông tin, tổ chức cất bốc đưa về quê nhà. “Không chỉ tâm huyết giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, anh Đạt còn tích cực cùng Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khắp mọi miền Tổ quốc. Mùa mưa lũ đến, năm nào anh cũng ủng hộ lương thực, thực phẩm và vật chất cho bà con các tỉnh miền Trung với tổng giá trị đến nay lên đến hàng tỷ đồng”-Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, thành viên Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên cho chúng tôi biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Bích Liên, con dâu liệt sĩ Đỗ Văn Tạc-một trong số các liệt sĩ được CCB Đỗ Tuấn Đạt giúp đỡ đón hài cốt về địa phương tháng 11-2013 xúc động kể: “Đã 6 lần gia đình vào các tỉnh miền Trung tìm phần mộ của bố chồng tôi mà không được. Giữa lúc chúng tôi không còn hy vọng, thì có người mách nên đến Ban liên lạc nhờ giúp đỡ. Biết bố tôi thuộc Trung đoàn 324, hy sinh ngày 26-9-1972 trên cao điểm 490, thế là bác Đỗ Tuấn Đạt-Thường trực Ban liên lạc và các bác Nguyễn Đình Cự, Lê Anh Khái, Nguyễn Văn Chính-đều gần 70 tuổi, từng chiến đấu ở đây cùng gia đình tôi vượt gần 700km về tận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm kiếm. Bác Đạt lấy xe riêng của gia đình cùng bác Cự thay nhau lái, tự túc mọi chi phí trên đường. Cả đoàn còn trèo đèo, lội suối mắc tăng, võng ngủ qua đêm trong rừng để leo lên điểm cao 490 xác định vị trí. May mắn là chuyến đi thành công, đoàn đã tìm được hài cốt bố tôi, sau đó phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ông về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội”.
Ngoài chị Liên, chúng tôi còn được nghe thân nhân của các liệt sĩ: Vũ Văn Nấm-hy sinh năm 1972 tại Thăng Bình, Quảng Nam (đã đưa về quê Giang Biên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng); Lê Văn Ninh-hy sinh năm 1978 tại An Giang (đã đưa về quê Hậu Lộc, Thanh Hóa); Bùi Văn Khắc-hy sinh năm 1970 tại Lâm Đồng (đã đưa về quê Mê Linh, Hà Nội)… kể về sự giúp đỡ cả vật chất và tinh thần một cách vô điều kiện của CCB Đỗ Tuấn Đạt cùng đồng đội. Không chỉ tài trợ chi phí các chuyến đi, ông còn tự lái xe xuyên suốt hành trình dài chở người thân liệt sĩ đưa hài cốt các anh về quê mẹ. Chỉ tính riêng trong năm 2022, ông cùng Chi hội đã tài trợ các hoạt động tri ân với số tiền gần 800 triệu đồng, đưa được 11 liệt sĩ về với đất mẹ. Quý I-2023, 3 liệt sĩ cũng đã được ông trực tiếp lái xe đón về.
Trò chuyện với chúng tôi, CCB Đỗ Tuấn Đạt không nhớ hết bao nhiêu con đường, địa danh đã đi qua cùng với những khó khăn, vất vả gặp phải trong hành trình đưa đồng đội về quê mẹ. “Chỉ cần Hội thông báo hoặc gia đình liệt sĩ trực tiếp liên hệ nhờ là tôi sẵn sàng lên đường. Đó đều là những chuyến đi dài ngày mà không ai lường hết được những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình hành quân. Song có lẽ được anh linh các liệt sĩ phù hộ mà dù gặp phải sự cố, thậm chí là tai nạn trên đường, xe cộ “tan tành” vậy mà người cùng hài cốt liệt sĩ đều không sao!”-CCB Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ. Một trong những tình huống như thế đã xảy ra vào tháng 8-2022 khi ông cùng đồng chí Minh Phương vào nghĩa trang Tây Ninh để cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thành Vũ, quê ở Vị Xuyên, Hà Giang và liệt sĩ Vũ Văn Tùng, quê ở Gia Viễn, Ninh Bình. “Xuất phát lúc 4 giờ ngày 28-8 thì 3 giờ ngày 29-8 xe bị gãy trục sau ở Gia Lai. Khắc phục xong tiếp tục hành trình thì sáng 2-9 về đến Như Xuân, Thanh Hóa do bị gãy rotuyn, xe mất lái lao xuống rãnh thoát nước trên Đường Hồ Chí Minh tan nát phần đầu. Anh Đạt bị va đập đau phần ngực trái, môi bị sây sát, rất may đều vào phần mềm. Sau tai nạn, các bạn hội lái xe của Thanh Hóa giúp đưa hài cốt liệt sĩ Vũ Văn Tùng về Ninh Bình. Trung ương Hội thì điều xe hội viên từ Hà Nội vào đón hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thành Vũ về Hà Giang”-Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết.
Còn sức khỏe, còn đi
Khi những chiếc xe già cỗi không thể khắc phục được nữa, ông mới đổi xe khác. Cho đến nay đã thay đến 8 “đời” xe, đôi lần có các mạnh thường quân giúp đỡ 50 triệu hoặc 100 triệu còn hầu hết ông đều dùng tiền cá nhân để mua. Ông kể với chúng tôi, các xe đã dùng để chở hài cốt liệt sĩ ông vẫn giữ lại hoặc cho bạn bè thân thiết sử dụng để chạy cung đường ngắn. “Nghĩ cũng lạ các cháu ạ. Chú bị tiểu đường nặng, do biến chứng nên chân trái bị liệt nhẹ nhưng cứ làm việc thiện và đi tìm đồng đội là lại chẳng thấy đau ốm gì. Chạy xe liên tục nhiều ngày cũng không thấy mệt. Chẳng đâu xa, vừa qua gần 4 ngày chạy xe cả đi và về từ Hà Nội vào Lâm Đồng, hôm nay tiếp chuyện các cháu rồi chiều chú lại lên đường”-ông cười vui nói.
Nhìn khuôn mặt đôn hậu, giọng nói sang sảng của người CCB đang ngồi trước mặt chúng tôi không khỏi khâm phục. Ngôi nhà của vợ chồng ông rộng chừng 40m2 vừa là nơi ở vừa là nơi làm việc, chẳng có thứ gì quý giá. Hoàn cảnh gia đình cũng không dư dả nhưng tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đón đưa hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ thì luôn cháy bỏng trong trái tim người CCB. Ủng hộ chồng, vợ ông là bà Nguyễn Thị Mão bị bệnh viêm gan, có lần phải vào viện cấp cứu nhưng biết kế hoạch đi tìm đồng đội không thể thiếu chồng mình bởi ông thuộc địa hình, gia đình lại có xe riêng, bà đã chủ động bảo ông yên tâm lên đường, ở nhà đã có các con.
Gia đình CCB Đỗ Tuấn Đạt-Nguyễn Thị Mão còn tham gia nhiều chương trình từ thiện xã hội. “Tôi may mắn trong mọi công việc đều có vợ con đồng hành, hỗ trợ. Dù không hề lên tiếng kêu gọi nhưng chính những gia đình liệt sĩ từng đồng hành với tôi đã lan tỏa mà sau này chúng tôi cũng được nhiều người giúp đỡ. Ít hay nhiều tôi đều báo cáo cụ thể, công khai trong Ban liên lạc và Chi hội. Sự chung tay ấy đã thêm động lực cho tôi tiếp tục công việc đang chọn. Chỉ cần còn sức khỏe, tôi còn đi!”-ông nói.
SONG THANH (QĐND)