Không chỉ tặng quà, tặng nhà tình nghĩa tri ân thân nhân gia đình liệt sĩ, từ đầu năm đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam còn tích cực tìm kiếm, kết nối thông tin liệt sĩ, đưa liệt sĩ về với quê hương. Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.
– Ông có thể chia sẻ đôi điều về kết quả hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thời gian qua nhằm tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, đồng thời, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính bằng thực chứng và giám định ADN?
– Trên cơ sở nguồn thu từ việc vận động nhắn tin tri ân liệt sĩ năm 2022, từ đầu năm đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã thực hiện công tác tri ân liệt sĩ tại nhiều tỉnh, thành như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái… Trung bình, với mỗi tỉnh, thành, chúng tôi dành từ 220 triệu đồng đến 180 triệu đồng để thực hiện công tác tri ân. Đã có 20 gia đình được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa theo mức hỗ trợ từ 60 đến 80 triệu đồng/căn; 120 gia đình được tặng quà bằng tiền mặt, trung bình 3 triệu đồng/gia đình thân nhân liệt sĩ… Trước đó, tính đến hết tháng 12-2022, Hội đã trao tặng tiền hỗ trợ trên 1.100 nhà tình nghĩa (mỗi nhà trị giá 60 triệu đồng); tặng trên 2.700 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng), 581 suất học bổng, 92 xe đạp cho các con, cháu liệt sĩ nghèo vượt khó và hơn 38.000 suất quà cho các thân nhân gia đình liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Hội cũng đã tặng 277 xe lăn, tổ chức khám chữa bệnh cho gần 24.000 lượt đối tượng chính sách; phụng dưỡng 101 Mẹ Việt Nam anh hùng. Tổng kinh phí hỗ trợ tri ân liệt sĩ 12 năm qua đạt hơn 170 tỷ đồng.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng trong một lần trao tặng nhà tình nghĩa
Từ đầu năm đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, với sự vào cuộc tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm của các hội viên, đã đưa được thêm 7 liệt sĩ về với quê hương đất mẹ. Có những liệt sĩ nằm ở nghĩa trang Thanh Sơn (Nghệ An) suốt 61 năm qua, nay được xác minh thông tin, đưa về quê hương Phú Cát (Bình Định). Có liệt sĩ nằm ở miền Nam suốt 51 năm, vừa rồi được “trả lại tên”, đưa về quê nhà tại Mê Linh (Hà Nội)… Mới nhất, sáng 27-4, nhờ kết quả của công tác thu thập, xác minh thông tin, chúng tôi đã thực hiện nghi thức đưa hài cốt một liệt sĩ từ Lâm Đồng về quê hương Bắc Giang. Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đưa thêm 4 liệt sĩ về với quê hương để gia đình thân nhân liệt sĩ tiện bề chăm sóc, bao gồm 2 liệt sĩ đã có đầy đủ thông tin, 2 liệt sĩ được đính chính thông tin.
Trước đó, tính đến hết năm 2022, Hội đã phân tích, tư vấn định hướng cho trên 6.000 gia đình liệt sĩ, giúp tìm kiếm được 200 liệt sĩ đúng tên bằng phương pháp thực chứng, đồng thời, tăng cường hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ, góp phần “trả lại tên” cho hơn 700 liệt sĩ. Hoạt động này đã thực sự đem lại niềm tin, hy vọng cho các gia đình liệt sĩ, góp phần giảm thiểu nạn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ theo mê tín dị đoan.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng (thứ hai từ trái qua) trong một lần tặng quà
Mới đây, trong tháng 3-2023, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nhận được thông tin về 15 ngôi mộ tại Hiệp Đức (Quảng Nam) nhiều khả năng là mộ liệt sĩ chưa được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ. Chúng tôi đã và đang hiệp đồng cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam, báo cáo Bộ Quốc phòng và Quân khu 5, thực hiện các thủ tục theo quy định để có thể triển khai tiến hành quy trình khai quật 15 ngôi mộ này, lấy mẫu sinh phẩm, đối soát, xác minh thông tin trong thời gian tới.
– Qua thực tiễn hoạt động, theo ông, đâu là cái khó nhất của công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính?
– Hiện tại, số liệt sĩ đã được quy tập tại các nghĩa trang chưa xác định được danh tính còn hơn 300.000 người, chưa kể gần 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Nơi chôn cất ban đầu của các liệt sĩ, qua thời gian đã thay đổi, thông tin về các liệt sĩ ngày càng bị mai một vì các nhân chứng ít dần. Hài cốt liệt sĩ bị phân hủy, khó lấy mẫu ADN, dẫn đến việc thu thập thông tin tìm kiếm liệt sĩ gặp nhiều khó khăn. Nhiều hài cốt liệt sĩ đã nằm trong 3.000 nghĩa trang còn sai lệch thông tin, vì vậy nhiều gia đình vẫn chưa xác định được cụ thể thân nhân của mình đang nằm ở nghĩa trang nào để hằng năm đến hương khói. Nguyện vọng đưa hài cốt người thân về với đất mẹ ngày càng nhiều. Nhưng thực tế là nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ rất khó tiếp cận hệ thống thông tin tìm kiếm liệt sĩ do phải qua nhiều các cơ quan, ban ngành chức năng các cấp, chưa kể những ràng buộc về “cơm, áo, gạo, tiền” thường nhật khiến họ khó có đủ nguồn lực để tìm kiếm. Thực tế đó càng thôi thúc chúng tôi vào cuộc, tăng cường kết nối thông tin từ các hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trên khắp cả nước đến với thân nhân gia đình liệt sĩ trong từng địa phương.
– Từ nay đến cuối năm, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẽ triển khai các đầu việc quan trọng nào nhằm đẩy mạnh công tác tri ân liệt sĩ, thưa ông?
– Chúng tôi tiếp tục mở rộng mạng lưới tổ chức của Hội để có thêm nhiều “cánh tay nối dài”, chung sức hỗ trợ, kết nối thông tin hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ. Qua 13 năm hoạt động, hiện nay, chúng tôi đã có 13 Hội và 24 Chi hội trực thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (trong đó có 6 chỉ hội cấp tỉnh), 96 Chi hội cấp huyện và tương đương (gọi chung là các tổ chức Hội) với trên 10.000 hội viên đã được cấp thẻ ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Mới nhất, ngày 26-4, Chi hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ của huyện Ba Vì (Hà Nội) đã được ra mắt.
Trong thời gian tới, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẽ cắt băng khánh thành, bàn giao 1 cầu dân sinh ở Bến Tre; đính chính lại thông tin cho 7 liệt sĩ ở Long An, Tây Ninh, đón các anh về quê hương đất mẹ… Đặc biệt, hướng tới dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7, chúng tôi sẽ triển khai chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ như thông lệ nhằm tiếp tục huy động nguồn lực từ xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
Cùng với đó, hoạt động hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh. Trước đó, trong tháng 3-2023, hội viên Trần Thị Tươi cũng đã tài trợ 300 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho 1 anh hùng quân đội của Lào. Thời gian tới, chúng tôi cũng chuẩn bị xin ý kiến các cơ quan hữu quan tổ chức hội thảo tìm kiếm hài cốt liệt sĩ với Viện Hoà bình Mỹ…
Thông qua hoạt động, chúng tôi mong muốn phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta; truyền lửa, truyền tấm lòng tri ân tới toàn thể xã hội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm dịu nỗi đau do chiến tranh để lại.
– Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện./.
Mai Hoa thực hiện