May mắn trở về từ chiến trường khốc liệt, thương binh Phạm Ngọc Sơn (xã Phú Châu, Đông Hưng Thái Bình) dốc hết tâm sức, tấm lòng để tri ân đồng đội. Ông luôn đau đáu nỗi niềm là làm sao đưa được thật nhiều đồng đội của mình về yên nghỉ tại quê hương.
Biệt danh “Sơn cháy”
Năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở vào giai đoạn quyết liệt, cam go nhất, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Sơn bấy giờ mới 17 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ. Ông kể: Khi ấy, tôi chỉ nặng có 38kg. Sau thời gian tham gia khóa huấn luyện cấp tốc tại Trường lái xe Quân khu 3, tôi được bổ sung vào Binh trạm 42, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn, hoạt động trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiệm vụ chở vũ khí, đạn, gạo, quân trang, quân dụng phục vụ chiến trường miền Nam.
“Sơn cháy” đưa đồng đội của mình là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh (xã Nguyên Xá, Đông Hưng Thái Bình) về yên nghỉ tại quê nhà.
Vì thân hình lúc ấy nhỏ bé nên ông Sơn phải đệm thêm chăn chiên để ngồi mới vừa ghế lái của chiếc xe tải ba cầu. Bé nhỏ nhưng nhanh nhẹn, lái xe giỏi nên ông thường chạy vượt chỉ tiêu cấp trên giao. Các đoàn xe vận tải thời đó luôn là mục tiêu số một của máy bay địch, đường Trường Sơn lại hiểm trở, mặt đường bị bom đạn của địch cày xới nên rất khó đi. Nhưng bằng sự dũng cảm, kiên cường và không ngừng sáng tạo, ông Sơn đã cùng đồng đội vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù để vận chuyển hàng hóa đến điểm tập kết an toàn.
Ngày 26/6/1972, ông dẫn đầu đoàn xe 42 chiếc vận chuyển vũ khí và lương thực, thực phẩm để tiếp ứng cho mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Khi tới trọng điểm dốc Con Mèo, xe của ông bất ngờ trúng bom Napan của địch và bốc cháy dữ dội. Dù toàn thân bị bỏng nhưng ông vẫn bình tĩnh lái xe vượt dốc và cho xe lao xuống vực, bảo đảm an toàn cho đồng đội cùng hàng trăm tấn hàng đi sau. Sau lần chết hụt ấy, Phạm Ngọc Sơn được đồng đội đặt cho biệt danh “Sơn cháy”.
Nặng tình với đồng đội
May mắn trở về với cuộc sống đời thường, ông vận động nhiều đồng đội là thương binh, cựu chiến binh cùng góp vốn thành lập Hợp tác xã vận tải thủy bộ Đông Hưng (nay là Xí nghiệp vận tải 27/7 huyện Đông Hưng). Hiện nay, Xí nghiệp đã có hàng chục đầu xe các loại, phục vụ vận tải khách và hàng hóa đến các tỉnh, thành phố trên cả nước với gần 200 lao động là con em của các cựu chiến binh và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Thành công trên thương trường, thương binh Phạm Ngọc Sơn luôn đau đáu nỗi niềm làm sao quan tâm, chăm lo cho những đồng đội, thân nhân người có công với cách mạng để cuộc sống của họ ngày một tốt đẹp hơn.
Những năm qua, thương binh Phạm Ngọc Sơn và gia đình đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa tặng đồng đội. Cùng với đó, ông luôn tích cực vận động các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương. Đặc biệt, năm 2018 ông đầu tư tiền mua một chiếc xe U – oát, sau đó cải hoán thành xe chuyên chở các liệt sĩ về yên nghỉ tại quê hương. Ông chia sẻ: Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khi vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Trực tiếp chứng kiến những đồng đội của mình hy sinh nên tôi hiểu được nỗi đau, hiểu được sự mất mát đó là quá lớn. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều đồng đội của tôi nằm lại nơi chiến trường. Đa số họ đều không còn người thân, có trường hợp còn người thân nhưng hoàn cảnh lại rất khó khăn nên nhiều khi có nguyện vọng muốn đưa hài cốt liệt sĩ về không phải đơn giản. Xuất phát từ thực tế ấy và cũng từ nghĩa tình với đồng đội, thương binh Phạm Ngọc Sơn đã tổ chức những chuyến xe “0 đồng” để đưa hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại quê nhà. Tính đến nay, “Sơn cháy” đã tổ chức hàng chục chuyến xe đưa rước hài cốt liệt sĩ. Có chuyến ông giúp đỡ gia đình liệt sĩ đưa rước tận từ chiến trường miền Nam. Có chuyến ông lại đưa đồng đội từ nơi tổ chức lễ truy điệu ra đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Bằng tất cả tình cảm, tấm lòng của mình, ông đã có những chuyến xe đầy trách nhiệm, nghĩa tình với đồng đội và thân nhân của họ.
Mẹ Trần Thị Nghệ (xã Minh Phú, Đông Hưng Thái Bình) hoàn thành tâm nguyện khi con trai mình được đưa về an táng tại quê nhà.
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn tâm sự: Hôm vừa rồi, người nhà một liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị có đến đặt vấn đề việc đưa rước hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà. Ông đã nhanh chóng nhận lời giúp đỡ và hứa rằng sẽ lo toàn bộ chi phí để giúp thân nhân đồng đội của mình. Ông khẳng định sẽ cố gắng làm tất cả những gì tốt nhất có thể và việc làm ấy hoàn toàn xuất phát từ trái tim của mình.
Thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ biết bao khi người cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn một thời “vào sinh ra tử” đã cống hiến tuổi thanh xuân, máu xương của mình cho Tổ quốc. Nay trở về với những vết thương không bao giờ lành nhưng ông luôn dốc hết tâm sức của mình để làm ấm lòng những đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường.
Bài, ảnh: Đỗ Hồng Anh