Sau 51 năm yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, sáng 12/7/ 2023, liệt sĩ Nguyễn Đức Luân – Người con ưu tú của xã Trung Lương, của dòng họ Nguyễn tại thôn Vị Thượng đã trở về quê hương. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân địa phương và gia đình, dòng họ đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu và an táng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Trung Lương.
Liệt sĩ Nguyễn Đức Luân, sinh năm 1945, tại thôn Vị Thượng, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, là con trai thứ 6 của cụ ông Nguyễn Sĩ Tắc và cụ bà Đặng Thị Ổn. Hai cụ đều xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, giản dị, giàu lòng yêu nước, yêu quê hương. Gia đình có nếp sống nhân hậu, cần cù trong lao động. Các cụ giành tình cảm, truyền thống của gia đình, quê hương nuôi dạy 7 người con trưởng thành và đã có những cống hiến lớn lao trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Hai người con trai (Nguyễn Đức Luân và Nguyễn Sỹ Thường) hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Với những cống hiến, hy sinh vô cùng lớn lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Nhà nước, cụ Đặng Thị Ổn đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Đại tá Đặng Danh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức-Chính sách (Hội HTGĐLS Việt Nam) phát biểu tại buổi lễ.
Được biết, ngay từ thủa ấu thơ, chàng trai Nguyễn Đức Luân đã thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương có truyền thống cách mạng. Tuổi trưởng thành, anh tích cực tham gia các phong trào của địa phương để góp phần xây dựng quê hương, giàu đẹp. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tháng 1 năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng, hàng triệu thanh niên cả nước nô nức tình nguyện lên đường nhập ngũ đi chiến đấu, giải phóng Miền nam thống nhất đất nước, trong đó có Nguyễn Đức Luân. Sau thời gian huấn luyện, anh được cử đi học lái xe và trở thành lái xe ở trường. Cuối năm 1967, được bổ sung vào đơn vị Phòng Hậu cần Sư đoàn 325 với cấp bậc, chức vụ là Trung sĩ – lái xe. Năm 1972, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới, anh được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình và kết hôn cùng chị Đặng Thị Tiến. Sau thời gian ngắn ngủi, anh tạm biệt gia đình, người vợ hiền và tạm biệt quê hương trở lại đơn vị.
Ngày mồng 15 tháng 5 năm 1972 trong một trận chiến đấu ác liệt tại mặt trận phía Nam, Quân khu 4; trên cương vị là Trung sỹ, anh đã anh dũng hy sinh khi tuổi thanh xuân tròn 27 tuổi. Liệt sĩ Nguyễn Đức Luân được đồng đội và Nhân dân địa phương an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Đặng Danh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức-Chính sách (Hội HTGĐLS Việt Nam) nhấn mạnh: Việc đưa liệt sĩ Nguyễn Đức Luân trở về quê hương là sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm; trong đó phải kể đến sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của Đảng bộ, Nhân dân xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và các thành viên Hội nghĩa tình Trị Thiên ở Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động thiết thực mà Hội HTGĐLS Việt nam hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương Binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023).
Ông Trần Hồng Thắng, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Lương phát biểu.
Về phía địa phương, ông Trần Hồng Thắng, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Lương xúc động nói: Đồng chí Nguyễn Đức Luân đã anh dũng hy sinh quên mình cho Tổ quốc quyết sinh, máu của đồng chí đã tô thắm, làm đẹp thêm cho màu cờ của Tổ quốc và ý chí kiên cường, anh dũng của dân tộc Việt Nam. Trước anh linh của đồng chí Nguyễn Đức Luân, Đảng bộ và nhân dân xã Trung Lương chúng tôi nguyện tiếp bước các Anh hùng liệt sĩ, đoàn kết một lòng cùng nhân dân xã nhà, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài và ảnh: PHẠM VĂN THỌ