Sinh năm 1942 và tháng 4/1966 chàng thanh niên Trần Xuân Mịch, rời quê hương (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lên đường nhập ngũ. Ngày 4/1/1968, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, khi đến địa phận xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, đơn vị anh bị máy bay Mỹ tấn công. Tổn thất đã xảy ra, một số thương vong và hy sinh, trong đó có Trần Xuân Mịch hy sinh.
Ngày ấy, giấy báo tử gửi về gia đình lại ghi: Hy sinh ở mặt trận phía Nam, thế nên người thân đi tìm kiếm khắp nơi, thậm chí nhờ cả các nhà ngoại cảm vào tận Khánh Hoà tìm mộ, nhưng không thấy. Được Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam hướng dẫn, giúp đỡ người thân của liệt sĩ đã tìm thấy mộ phần của anh tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Suốt 55 năm qua, chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Sơn đã chăm lo hương khói liệt sĩ. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Thọ sinh 1911, đã qua đời tháng 11/1989. Mẹ không sinh ra, nhưng lại có công nuôi anh từ lúc còn bé đến khi anh trưởng thành đi bộ đội. Anh là người con duy nhất của mẹ đã hiến dâng cho Tổ Quốc, nên được Đảng, Nhà nước truy tặng mẹ Việt Nam anh hùng.
Các đại biểu thực hiện nghi thức trong lễ truy điệu
Gần đây, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã giúp đỡ, bố trí xe anh Đỗ Tuấn Đạt (hội viên của Hội) cùng gia đình vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Sơn, khai quật, cất bốc hài cốt đưa về với quê hương. Ngày 26/10/2023, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã đến bàn giao hài cốt liệt sĩ cho chính quyền địa phương xã và gia đình để tổ chức lễ truy điệu và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, phát biểu tại buổi lễ truy điệu
Tới dự buổi lễ có Trường Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Tường, Ban CHQS huyện, Đảng Uỷ, Uỷ ban nhân dân xã Lý Nhân, các cơ quan chức năng của địa phương, cựu chiến binh xã và đông đảo Nhân dân đến dự.
Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ Trần Xuân Mịch diễn ra trang nghiêm, góp phần làm vơi đi nỗi đau mất người thân của gia đình liệt sĩ và xoa dịu bớt nỗi đau của chiến tranh để lại. Quan trong hơn đã giáo dục ý thức “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, quý trọng xương máu của các Anh hùng liệt sĩ cho thế hệ trẻ ở địa phương./.
Tin và ảnh : Hoàng Khánh