Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, điệp viên Nguyễn Thanh Điềm (J2, D104) cũng có đóng góp một phần công sức vào chiến thắng chung của dân tộc. Theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, điệp viên J2, D104 đã thu thập thông tin cung cấp kịp thời cho cách mạng, nhờ vậy quân ta đã đánh phá tan “Cánh cửa thép Xuân Lộc” tháng 4/1975, nở toang cánh của để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Chân dung điệp viên J2, D104 – Nguyễn Thanh Điềm
I- Góp phần phá tan“Cánh cửa thép Xuân Lộc”
Trước sự tiến công như vũ bão của quân và dân ta, Nguyễn Văn Thiệu chủ trương triệt thoái quân nguỵ ở miền Trung và Tây Nguyên về lập 3 tuyến phòng thủ để bảo vệ Thủ đô Sài Gòn là: Tây Ninh, Phan Rang và tuyến phòng thủ Xuân Lộc. Trong đó Xuân Lộc có một vị trí quan trọng, là ngã ba của quốc lộ 1 và quốc lộ 20, là cửa ngõ từ miền Trung, Tây Nguyên tiến về Sài Gòn chỉ cách nhau khoảng 80km. Xuân Lộc được coi là vành đai phòng thủ bảo vệ sân sau của Sân bay Biên Hoà và Sài Gòn. Do vậy Nguyễn Văn Thiệu chỉ đạo tập trung lực lượng, vũ khí và giao cho Sư đoàn 18 bộ binh nguỵ do Tướng Lê Minh Đảo trấn giữ.
Tướng ngụy Lê Minh Đảo tuyên bố sẽ tử thủ tại “Cánh cửa thép Xuân Lộc”. Trận phá “Cánh cửa thép Xuân Lộc” được ví như trận “Điện Biên Phủ của quân giải phóng tại miền Nam”, kéo dài 12 ngày đêm, từ 19 đến 21/4/1975, với sự đụng độ ác liệt giữa Quân đoàn 4 của quân ta và Sư đoàn 18 bộ binh nguỵ cùng các binh chủng phối hợp của nguỵ, tổ chức thành 3 chiến đoàn do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy.
Với vỏ bọc là con nuôi Tướng ngụy Lê Minh Đảo, Nguyễn Thanh Điềm (J2, D104) là cơ sở tình báo của ta, người của Quân báo Bến Tre, An ninh T4 đã lấy được kế hoạch bố trí phòng thủ của quân ngụy (Bộ tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh nguỵ) kịp thời báo cáo với cách mạng để quân ta có kế hoạch tấn công phù hợp. Sáng ngày 09/4/1975, quân giải phóng bắt đầu tiến công bằng hàng ngàn quả pháo, sau đó, đồng loạt các mũi bộ binh tiến công, sau 4 ngày ta và địch quần nhau gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, địch tiếp tục tăng viện lực lượng, lên đến gần 50% tổng lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và toàn bộ lực lượng thiết giáp của Quân đoàn 3 và lực lượng dự bị chiến lược tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc; trận chiến trở nên ác liệt hơn, địch tập trung phòng thủ nội ô thị xã Xuân Lộc, ta thay đổi chiến thuật, không đánh vào nội ô mà giãn ra, nghi binh, chặn các đường tiếp viện của địch cho Xuân Lộc. Bọn Ngụy tưởng quân ta rút lui, nhưng không ngờ quân ta đã tạo thành thế gọng kìm để tiêu diệt chúng. Nhờ lúc nào cũng sát cánh Lê Minh Đảo, nên J2, D104 đã tiếp cận với tin tức báo cáo hàng ngày, hàng giờ của các chốt cho Lê Minh Đảo, rồi anh kịp thời báo cáo với cách mạng đề quân giải phóng kịp thời điều chỉnh chiến thuật tấn công chiến đoàn 52 ở ngã ba Dầu Giây, tiêu diệt gọn chiến đoàn này. Quá hốt trong quân đội ngụy loan tin Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút lui khỏi Xuân Lộc, tuỳ nghi di tản về lập tuyến phòng thủ ở Biên Hoà. Quá bực tức, tướng Lê Minh Đảo đã gọi điện thuyết phục Tổng thống và Bộ Tổng tham mưu cho sử dụng khẩn cấp “hai mũi tên gãy” để cứu vãn tình thế (hai mũi tên gãy là tiếng lóng chỉ hai quả bom CBU-55 – còn gọi là bom tiểu nguyên tử, loại bom này khi nổ đốt cháy không khí trong bán kính 400m2 , gây ngạt thở chết). Nghe tin này, J2, D104 đã tức tốc báo cáo cho lãnh đạo biết để tránh tổn thất cho ta. Với lý do ra ngoài nắm tình hình, J2, D104, xin Lê Minh Đảo rời núi Cốc Rang – Trung tâm chỉ huy của Tướng Đảo và được chấp nhận. Thế là J2, D104, tức tốc rời Trung tâm chỉ huy ra ngoài liên lạc với KA – trinh sát liên lạc An ninh Bà Rịa – Long Khánh, yêu cầu tức tốc báo ngay cho đồng chí Trần Đệ, Phó ban An ninh Bà Rịa – Long Khánh và đồng chí Trần Công Khánh (Trần Nguyên Soái) lãnh đạo B2, An ninh Bà Rịa – Long Khánh bằng mọi cách phải báo cáo ngay cho Ban Chỉ huy Mặt trận phải nhanh chóng di chuyển lực lượng ta ra khỏi khu vực Dầu Giây.
Sau đó, Lê Minh Đảo về Cần Thơ, đến sáng ngày 30/4 – Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát, Lê Minh Đảo quay trở lại Sài Gòn, J2 gặp và khuyên Lê Minh Đảo nên ra trình diện để hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng và Lê Minh Đảo nghe theo lời khuyên của J2, D.104 – sau đó trình diện đi cải tạo.
Ở lại Xuân Lộc, J2, D104 báo cáo cho lãnh đạo Bà Rịa – Long Khánh nơi trốn của tên Đại tá Lê Xuân Hiếu, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 43, Sư đoàn 18 và 2 Tiểu đoàn của Sư đoàn 18, lực lượng ta bao vây, diệt gọn bọn này. Sau đó, J2, D104 được lệnh lãnh đạo An ninh T4 gọi gấp về Sài Gòn nhận nhiệm vụ đặc biệt.
II- Cung cấp thông tin giúp Z32, Lữ đoàn 316 đánh chiếm căn cứ Thiết Giáp và căn cứ Pháo binh
Sau khi đánh tan “cánh cửa thép Xuân Lộc”, quân ta tiến thẳng vào để giải phóng Sài Gòn, thì lãnh đạo An ninh T4 yêu cầu J2, D104 về nhận nhiệm vụ đặc biệt khẩn cấp theo yêu cầu của Lữ đoàn 316. Ngay lập tức, J2, D104 tức tốc cùng cơ sở về Sài Gòn, tại điểm họp đã có các đồng chí lãnh đạo chờ sẵn. J2, D104 được lãnh đạo giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải xâm nhập thành Cổ Loa – căn cứ pháo binh và trại Phù Đổng – căn cứ thiết giáp ngụy. Tư lệnh chiến dịch chỉ dạo, phải thi hành mệnh lệnh ngay. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Kế lãnh đạo Z32, điệp viên J1, D104 đã khẩn trương bắt tay thực hiện nhiệm vụ xâm nhập mục tiêu nắm tình hình; vẽ sơ đồ phòng thủ, tác chiến của địch, phục vụ cho Lữ đoàn 316 đánh chiếm để đưa quân giải phóng vào đánh chiếm Sài Gòn.
Vị trí thành Cổ Loa – căn cứ pháo binh, Trại Phù đổng – căn cứ Thiết giáp nằm án ngữ ở vị trí phòng thủ chiến lược Đông Bắc Sài Gòn (nay thuộc Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh). Hai căn cứ này nằm trong khu vực phòng thủ nội đô của địch, phía Đông Nam sân bay Tân Sơn Nhất để bảo vệ phía Bắc thủ đô Sài Gòn. Cuối năm 1974, đích thân Nguyễn Văn Thiệu đến thị sát và giao nhiệm vụ – khẳng định đây là hai quả đấm thép của quân lực Việt Nam cộng hòa, bằng mọi giá phải đập tan các cuộc tiến công của “Cộng quân” để bảo vệ Sài Gòn. Nếu hai căn cứ này thất thủ thì xem như Sài Gòn thất thủ. Do không nắm được cách bố trí phòng thủ, tác chiến của địch nên các đợt tấn công của ta trước đó đều bị địch đánh bật ra và tổn thất nặng nề. Trước đây, ta có cơ sở nội tuyến nhưng nay không liên lạc được. Các đồng chí lãnh đạo khẳng định trong thời khắc khẩn cấp này, chỉ có J2 là người duy nhất có khả năng xâm nhập công khai hai căn cứ này, vì có kinh nghiệm từng xâm nhập đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn với 5 vỏ bọc là thương phế binh, là con nuôi của Tướng Lê Minh Đảo.
“Điệp viên” J2, D104 – Nguyễn Thanh Điềm người đứng thứ ba từ trái sang.
Nhận nhiệm vụ cực kỳ hiểm nguy, J2, D104 suy nghĩ tìm cách xâm nhập, trong tình huống khẩn cấp, dầu sôi lửa bỏng này, không khéo địch bắn bỏ mạng nếu lãng vãng quanh căn cứ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Nguyễn Thanh Điềm dùng chiêu bài cũ, tập hợp lực lượng thương phế binh có số má đã quen biết để hành động. Sau đó, anh dẫn 15 thương phế binh ngụy đi xích lô đến thành Cổ Loa, đưa giấy công vụ “Sự vụ lệnh đặc biệt”, bất khả xâm phạm và giới thiệu mình là con nuôi của Tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh muốn vào gặp chỉ huy. Tên lính gác cổng nhấc ống nghe bộ đàm gọi cho tên sĩ quan chỉ huy Trực ban ra đón, dẫn vào trong căn cứ. Trong lúc các thương phế binh tiếp tục thăm hỏi tên sĩ quan và xin tiền thì J2, D104 quan sát cách bố trí phòng, tác chiến của căn cứ. Sau đó, anh tiếp tục xâm nhập trại Phù Đổng cũng cách tương tự, thị sát và nắm tình hình, về vẽ sơ đồ phòng thủ và đặc biệt là chỉ điểm bố trí các ổ hỏa lực của địch, chọn thời điểm tiến công, báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Lữ đoàn 316, Z32. Trên cơ sở thông tin mà J 2, D104 cung cấp, Ban chỉ huy Lữ đoàn đã xây dựng phương án tác chiến và thành lập Ban Chỉ huy trận đánh, do Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tăng, Phó Tư lệnh Lữ đoàn 316, kiêm Z Trưởng Z32 và đồng chí Tám Nam, Tham mưu trưởng Lữ đoàn chỉ huy trận đánh. Đúng 23 giờ, ngày 29/4/1975 ta đồng loại tấn công căn cứ Cổ Loa, địch bắn trả dữ dội, ta dùng hỏa lực mạnh bắn áp chế vào các mục tiêu đã định đến hơn 4 giờ sáng ngày 30/4/1975 ta hoàn toàn làm chủ trận địa, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh.
Tại căn cứ Phù Đổng cũng diễn biến theo phương án tác chiến và ý đồ chiến thuật của ta, 6 giờ sáng ngày 30/4/1975, Đại đội biệt động Z32 cải trang thành lực lượng ngụy bất ngờ tiến công tiêu diệt các chốt gác, mở đường các mũi tiến công, thọc sâu vào bên trong trực tiếp tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu toàn bộ vũ khí. Đến 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, ta làm chủ hoàn toàn trại Phù Đổng và thành Cổ Loa.
Theo nhận định của Ban chỉ huy Lữ đoàn 316, đây là trận quyết tử để giải phóng Sài Gòn ở hai trận đánh này nếu ta không nắm được sơ đồ phòng thủ, tác chiến của địch, chúng ta cũng sẽ chiếm được mục tiêu nhưng sẽ có thương vong rất lớn của lực lượng hai bên và dân thường.
Đại tá Nguyễn Văn Tăng nhận xét về J2, D104 như sau: “Đồng chí Nguyễn Thanh Điềm là một đồng chí chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường, không ngại gian khổ, không ngại hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ”.
(còn nữa)
Theo: Việt Phương