Sau khi vừa hoàn thành nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo phục vụ Z32, Lữ đoàn 316 đánh chiếm trại Phù đổng – căn cứ Thiết giáp ngụy và thành Cổ Loa – căn cứ pháo binh ngụy, lãnh đạo cơ quan quân báo Bến Tre đã liên hệ và yêu cầu J2, D104 về ngay Bến Tre để phục vụ cho giải phóng tỉnh lỵ Bến Tre.
Điệp viên J2, D104 – Nguyễn Thanh Điềm (trong ảnh) người ngồi ngoài cùng bên phải cùng đồng chí, đồng đội.
Cung cấp thông tin giúp giải phóng tỉnh lỵ Kiến Hoà
Sau khi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Lữ đoàn 316 đánh chiếm Thành Cổ Loa – Căn cứ Pháo binh và Trại Hoa Lư – Căn cứ Thiết giáp vào sáng ngày 30/4/1945 thì khoảng xế chiều cùng ngày đồng chí Võ Ngọc Bé (Quân báo Bến Tre) qua đường dây liên lạc của cơ sở đã gặp J2.
Đồng chí Võ Ngọc Bé thông tin tình hình Bến Tre, tên Đại tá Tỉnh trưởng Phạm Chí Kim đã tuyên bố tử thủ, lực lượng Việt Nam cộng hoà nhiều nơi vẫn ngoan cố chưa chịu buông súng đầu hàng. Còn tên Đại uý Chương, Đại đội pháo binh Sân bay Tân Thành, dù cơ sở binh vận có vận động gia đình mang thơ đến cho tên Đại uý Chương, kêu gọi quay về với cách mạng với nhân dân, nhưng hắn vẫn chưa chịu đầu hàng, còn tiếp tục bắn ca – non vào vùng giải phóng. Đồng chí Võ Ngọc Bé, nói: Các anh lãnh đạo Quân báo tỉnh (Thiên Lý Nhân, Tư Định) lệnh đồng chí về Bến Tre gấp trong ngày để phối hợp kêu gọi tên Đại uý Chương đầu hàng.
10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, nhưng ở nhiều nơi nguỵ quân vẫn không chịu buông súng đầu hàng. Do vậy, chiến sự vẫn còn nổ ra ở một số nơi, dọc quốc lộ, quân nguỵ xen lẫn người dân di tản ngược, xuôi, xe cộ, cướp bóc vô cùng hỗn loạn. Nhận lệnh quá khẩn cấp và bất ngờ nhưng với trách nhiệm với Đảng, với quê hương, J2 và đồng chí Võ Ngọc Bé tức tốc về Bến Tre, len lõi trong dòng người tấp nập, hỗn loạn, về đến gặp Ban Chỉ huy đóng ở Châu Thành, ngay trong đêm 30/4/1975, gặp trực tiếp đồng chí Thiên Lý Nhân, Trưởng ban Quân 8 báo Tỉnh đội Bến Tre và đồng chí Phan Định (Phan Văn Thậm), Tham mưu Trưởng, Phó chỉ huy Trưởng Tỉnh đội Bến Tre phụ trách cánh quân hướng Châu Thành về giải phóng Sân bay Tân Thành và tỉnh lỵ Kiến Hoà. Đồng chí, đồng đội lâu ngày gặp lại nhau trong thời khắc lịch sử, chuẩn bị giải phóng quê hương, tay bắt, mặt mừng, ôm nhau thắm thiết. Đồng chí Tư Định và đồng chí Thiên Lý Nhân biết J2, D104 có quen biết tên Đại uý Chương thông qua Tướng Lê Minh Đảo, nên mới gọi về và giao nhiệm vụ cho J2, D104 phối hợp với Binh vận liên lạc kêu gọi tên Đại uý Chương đầu hàng để được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng. Với danh nghĩa là con nuôi tướng Lê Minh Đảo là bạn bè cùng “ăn chơi, nhảy đầm” với tên Đại tá Phạm Chí Kim và Đại uý Chương, J2, D.104 liên lạc với tên Đại uý Chương, yêu cầu đầu hàng và J2 cũng thông tin cho Đại uý Chương biết là sau khi “cánh cửa thép Xuân Lộc” thất thủ, Lê Minh Đảo về Cần Thơ định phối hợp với Tướng Nguyễn Khoa Nam, chiến đấu để giữ vững Vùng 4 Chiến thuật, nhưng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát, còn Đại tá Kim sẽ về trốn ở Biên Hoà, Đồng Nai, theo thông tin của Tướng Lê Minh Đảo cho biết và Tướng Lê Minh Đảo cũng sẽ ra trình diện với cách mạng. Tên Đại uý Chương vẫn chưa chịu đầu hàng, ngoan cố cho rằng do có nợ máu với nhân dân và cách mạng nên sợ ra hàng sẽ bị giết, dù J2, D.104 đã giải thích chính sách khoan hồng của cách mạng và ngay đêm 30/4 hắn vẫn còn bắn hàng trăm quả pháo xuống khu vực Đồng Gò để cản đường tiến quân của ta. Sau nhiều lần trao đổi, thuyết phục và sau đó răn đe, Nguyễn Thanh Điềm nhớ lại “Khoảng hơn 2 giờ sáng ngày 01/5 qua bộ đàm, tôi nói nếu anh không đầu hàng, anh sẽ bị huỷ diệt tức khắc ngay bây giờ”. Cuối cùng, tên Đại uý Chương chấp nhận đầu hàng. Sáng hôm sau nhày 01/5, như đã hẹn, tên Đại uý Chương cho xe GMC qua Châu Thành đón đồng chí Tư Định và lực lượng ta về tiếp quản Toà hành chính tỉnh và cho xe GMC xuống cầu Chẹt Sậy đón Ban Chỉ huy chiến dịch về tiếp quản Thị xã lúc 9 giờ ngày 01/5/1975. Thế nhưng, sau giải phóng có người đề nghị xác nhận cho tên Đại uý Chương là cơ sở binh vận của ta, J2, D.104 và một số đồng chí lãnh đạo kịch liệt phản đối với đồng chí Tư Định, cho rằng nó là thằng nguỵ buông súng đầu hàng tại mặt trận, không thể là cơ sở binh vận, khi ngay trong đêm 30/4/1975 ta kêu gọi đầu hàng, hắn còn bắn hàng trăm quả đạn pháo vào đội hình tiến quân của ta ở Đồng Gò. Sau đó, tên Đại uý Chương bị ta đưa đi cải tạo ở Đồng Tháp và bệnh chết trong trại cải tạo.
Điệp viên J2, D104 – Nguyễn Thanh Điềm (trong ảnh) người đúng chinh giữa.
Đưa lực lượng ta bắt tên Đại tá Tỉnh trưởng – Phạm Chí Kim
Dù tuyên bố và kêu gọi cấp dưới tử thủ, nhưng đến 3 giờ sáng ngày 01/5/1975 tên Đại tá Phạm Chí Kim đã trốn khỏi Kiến Hoà. Chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Ban Quân quản bằng mọi giá phải truy bắt cho bằng được tên Đại tá Phạm Chí Kim về cải tạo. Lúc này, Ban Quân quản hoàn toàn không biết tên Đại tá Phạm Chí Kim trốn ở đâu, còn trong nước hay đã ra nước ngoài? Quân báo Bến Tre giao nhiệm vụ cho J2, D104 phải gấp rút tìm nơi ẩn trốn của tên Phạm Chí Kim.
Nhờ trước đó Phạm Chí Kim có liên lạc với Tướng Lê Minh Đảo, Ba nuôi của J2 hẹn sẽ cùng về Biên Hoà để bàn tính chuyện hậu chiến. Nhờ thông tin từ Tướng Lê Minh Đảo nên J2, D104 biết được Phạm Chí Kim chạy về trốn ở nhà vợ bé ở ấp Cầu Hang. J2 liền báo cáo cho Quân báo Bến Tre và Ban Chỉ huy Tỉnh đội biết. Tỉnh đội Bến Tre phân công đồng chí Ba Trung, Tỉnh đội Phó, đồng chí Hai hành (Lê Thành Trung) cán bộ Quân báo tỉnh chỉ huy lực lượng đi cùng J2, D104 lên Biên Hoà bắt tên Phạm Chí Kim về Bến Tre. J2 dẫn lực lượng bất ngờ ập vào nhà vợ bé Phạm Chí Kim – gặp J2, y nói người quen cả mà, nhưng đồng chí Lê Thành Trung nghiêm giọng nói: Chúng tôi thừa lệnh Ban Quân quản tỉnh Bến Tre lên mời ông về Bến Tre để bàn giao. Phạm Chí Kim trả lời: Tôi chấp hành nhưng do tôi có nhiều nợ máu với nhân dân Kiến Hoà (Bến Tre), nên đề nghị để tối (ban đêm) – tôi đi về cùng các ông cho an toàn. Quân ta không đồng ý với đề nghị của Phạm Chí Kim, cuối cùng buộc hắn phải chấp hành, nhưng hắn đề nghị cho hắn đi tắm. Hắn vào nhà tắm hàng tiếng đồng hồ mới chịu a ngoài và tới gần 2 giờ sáng mới theo quân ta về tới Bến Tre. Sáng hôm sau, ta cho tên Kim ăn sáng, uống cà phê, trò chuyện nhẹ nhàng, động viên hắn khai báo thành khẩn, để được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng. Sau đó, Phạm Chí Kim bàn giao toàn bộ mạng lưới tình báo mà địch cài cấm và tích cực động viên nhiều đối tượng cấp dưới thật thà khai báo, cộng tác với cách mạng để được hưởng chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng. Tài liệu mà Phạm Chí Kim giao lại cho ta vô cùng quan trọng trong công tác chống kế hoạch hậu chiến của Mỹ – nguỵ, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho địa phương sau chiến tranh cũng như xác minh vấn đề chính trị phục vụ cho công tác xây dựng hệ thống chính trị các cấp.
Trong lịch sử chiến tranh, hiếm có điệp viên nào giống như Nguyễn Thanh Điềm J2, D104. Trong một thời khắc lịch sử của dân tộc, trong cuộc tiến quân thần tốc, táo bạo của quân giải phóng mà tham gia chiến đấu ở ba mặt trận với nhiệm vụ khác nhau và đầy khó khăn, thử thách, nhưng nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc. Mỗi một chiến công của anh là một bài ca ra trận, mỗi một chiến thắng của anh là một bản hùng ca – thể hiện tài trí, lòng dũng cảm và sự trung thành vô hạn của điệp viên Nguyễn Thanh Điềm – J2, D104 với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
Việt Phương (ghi theo lời kể của J2,D104 Nguyễn Thanh Điềm)