Hội của những tấm lòng tình nghĩa
Trung tướng Lê Văn Hân
QĐND – Cuộc trường chinh ba mươi năm gian khổ giải phóng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là thiên anh hùng ca vang vọng mãi trên non sông đất nước ta và được lưu truyền trong lịch sử dân tộc. Trong niềm tự hào đó, chúng ta không bao giờ được quên hơn một triệu anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc; hàng triệu thương binh sau chiến tranh mang trên mình thương tích; hàng chục nghìn trẻ thơ bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin. Trên mảnh đất này không có nơi nào không có đạn bom cày xới. Những người mẹ, người vợ, người con và những người thân đang mong mỏi tin tức người thân yêu sau chiến tranh không trở về…! Chiến tranh để lại sự mất mát đau thương quá lớn đối với dân tộc, đất nước, điều này không dễ gì ngày một, ngày hai có thể giải quyết được. Trong suốt mấy chục năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn – Đền ơn đáp nghĩa”, luôn quan tâm đến gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Bằng những chính sách, chế độ và các hoạt động xã hội cụ thể, cuộc sống của các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng từng bước được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đón hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào về nước tháng 5-2012. Ảnh: Trọng Hải |
Song công tác liệt sĩ đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều việc phải tập trung giải quyết và có những việc chắc phải giải quyết còn lâu dài như tiếp tục tìm kiếm hơn 20 vạn hài cốt liệt sĩ trên các chiến trường ba nước Đông Dương; xác định danh tính 300.000 liệt sĩ đang còn thiếu thông tin, tuy đã được quy tập trong 3000 nghĩa trang liệt sĩ của cả nước. Điều đáng quan tâm hơn chúng ta phải giải quyết hàng vạn hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh còn tồn đọng. Nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp mà là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức xã hội và của toàn dân.
Năm 2010, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đáp ứng sự mong mỏi của hàng chục vạn gia đình liệt sĩ, của toàn dân và của cả xã hội về công tác liệt sĩ.
Tôn chỉ, mục đích của Hội là hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần giúp các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính; tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước về các giải pháp thực hiện chế độ chính sách tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam là cầu nối giữa các gia đình liệt sĩ với Đảng, góp phần chăm lo một cách thiết thực đối với gia đình liệt sĩ, làm dịu nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Quá trình hoạt động, hội nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương là sự động viên, khích lệ đối với cán bộ, nhân viên cơ quan hội. Phương châm hoạt động của hội là ân tình và tự nguyện. Điều này thấm đậm trong tư tưởng, tình cảm và việc làm của mỗi cán bộ, nhân viên trong hội.
Nắm chắc tôn chỉ mục đích, phương châm hoạt động, Hội đã tập trung vào những vấn đề chủ yếu giúp các gia đình liệt sĩ tiếp cận với các chính sách mới của Đảng, Nhà nước; thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn trong đó thông tin về liệt sĩ từ các gia đình liệt sĩ, các Ban liên lạc cựu chiến binh, đồng đội cùng đơn vị chiến đấu và nhân dân địa phương nơi xảy ra chiến sự là rất quan trọng. Qua đó phân tích đối chiếu để cung cấp, tư vấn và hướng dẫn cho hàng nghìn gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ; nhận giám định gen ADN (Hội hỗ trợ 100% kinh phí) cho hàng trăm trường hợp, trả lại tên cho liệt sĩ trong niềm xúc động khôn tả của người thân. Tổ chức khảo sát thực trạng gia đình liệt sĩ để có cơ sở đề xuất lên Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi Người có công. Tích cực chuẩn bị tham gia thực hiện hai đề án lớn của Chính phủ: Đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và đề án xác định danh tính liệt sĩ. Hội đã tổ chức thành công các sự kiện, chương trình giao lưu nghệ thuật “Tri ân liệt sĩ” trong dịp kỷ niệm 27-7 và 22-12 năm 2011 được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm. Đồng chí Nguyễn Minh Triết khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã có thư gửi hội, hoan nghênh sáng kiến tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Tri ân liệt sĩ và yêu cầu các hoạt động của hội phải hỗ trợ thiết thực đối với các gia đình liệt sĩ. Đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước tích cực thực hiện phong trào đền ơn, đáp nghĩa.
Trong những năm qua, Hội đã nhận được sự giúp đỡ, đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp… vào Quỹ Hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Tính đến nay, hội đã tặng được gần 40 Nhà tình nghĩa, mỗi nhà trị giá 40 triệu đồng, gần 200 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng cho các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn nhiều khó khăn; hàng trăm suất quà, mỗi suất từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nhân ngày lễ, tết đối với gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng.
Cùng với các hoạt động tri ân, công tác xây dựng và phát triển hội cũng được chú trọng. Đến nay cơ quan Trung ương Hội được kiện toàn và từng bước xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy chế, quy định, hướng dẫn thực hiện Điều lệ hội… làm hành lang pháp lý cho các hoạt động của hội. Công tác phát triển hội viên đến 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh Phú Thọ đã tiến hành Đại hội thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ cấp tỉnh. Hội cũng đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đơn vị ở Trung ương và địa phương, trong đó có Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội thanh niên xung phong, Báo Quân đội nhân dân, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Thông tin truyền thông vì môi trường phát triển…
Với tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực, đóng góp mọi mặt của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên cơ quan, hội viên toàn hội, qua gần hai năm hoạt động, hội đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng.
Trong thời gian tới, hội tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Một là, thu thập, xác minh mọi nguồn thông tin về liệt sĩ; vận động, huy động được mọi lực lượng tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin về liệt sĩ; tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn giúp các gia đình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giám định gen ADN, xác định danh tính liệt sĩ theo yêu cầu của gia đình. Hai là, tham gia tích cực, chủ động triển khai các đề án của Chính phủ: Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ. Ba là, tổ chức các hoạt động tri ân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, xã hội hóa sâu rộng các hoạt động tri ân liệt sĩ đạt hiệu quả thiết thực. Bốn là, tiếp tục phát triển tổ chức hội, trước hết là Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ cấp tỉnh, thành phố và hội viên rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Tăng cường kiện toàn, củng cố về tổ chức, xây dựng cơ quan Trung ương hội.
Nhân Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Cục Người có công, thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các đồng chí rất hoan nghênh và gửi thư chúc mừng. Thông qua chương trình, đồng bào chiến sĩ trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài có thể tham dự trực tiếp hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, thiết thực thực hiện lời Bác dạy: “Máu đào của các chiến sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Cho nên đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.
Để giúp Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam làm được nhiều việc hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng và mong muốn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhất là hàng chục vạn gia đình liệt sĩ, Hội mong nhận được sự ủng hộ, động viên và giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các đơn vị, địa phương và đồng bào, chiến sĩ cả nước đồng hành với hội trong nhiệm vụ thiêng liêng này.