Kết quả lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ MT31
Nguyễn Đình Thường, PCT-TTK Hội
Lấy thông tin liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ tại Hải Dương
Ngày 4 tháng 4 năm 2013 Bộ LĐ-TB&XH có công văn số 330/NCC-LTHS giao cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan và các ban, ngành ở các địa phương chịu trách nhiệm lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ mặt trận 31 để phục vụ cho việc giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ.
Thực hiện Kế hoạch số 1716 /KH-BCĐXĐHCLS ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Ban chỉ đạo thực hiện xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang Việt Lào về việc lấy mẫu sinh phẩm (MSP) của thân nhân liệt sĩ (TNLS) mặt trận 31 (MT31), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam phối hợp với Viện Pháp y quân đội (PYQĐ) thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Công nghệ sinh học (CNSH) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Kỹ thuật Hóa sinh (KTHS) thuộc Bộ Công An và Ban liên lạc toàn quốc mặt trận 31 (BLLMT31) đã tổ chức lấy MSP thân nhân liệt sĩ MT31 ở 35 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Kết quả thí điểm tại Hà Nội:
Để rút kinh nghiệm, Hội HTGĐLS Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan nói trên tổ chức thí điểm lấy MSP-MT31 khu vực Hà Nội trong 2 ngày: 28 và sáng 29/5/2013.
Kết quả thí điểm tại Hà Nội cho thấy:
- Có 96 MSP đã được lấy trên tổng số 120 liệt sĩ theo danh sách ở Hà Nội, đạt tỷ lệ 80%. Nếu trừ 10 gia đình đã chuyển hài cốt liệt sĩ về quê (gia đình không có nhu cầu xác định danh tính hài cốt liệt sĩ nữa) thì tỷ lệ đạt trên 87%.
- 100% số người lấy MSP đúng đối tượng thuộc dòng mẹ theo hướng dẫn của Viện PYQĐ.
- 100% trường hợp MSP được lấy gồm 2 loại mẫu là mẫu máu và mẫu tóc; có một vài trường hợp có thêm mẫu móng. Tất cả MSP được các kỹ thuật viên có nghiệp vụ thuộc Viện PYQĐ trực tiếp thực hiện.
Bước đầu có thể nói về số lượng và chất lượng MSP bảo đảm yêu cầu. Hội đã cùng các cơ quan hữu quan rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai lấy MSP đồng loạt trên các tỉnh, thành phố từ 17/6 đên 5/7/2013 với kế hoạch thực hiện hết sức bài bản và chặt chẽ.
Kết quả trên phạm vi toàn quốc.
– Có 1.085 liệt sĩ theo danh sách ban đầu.
– Thực tế sau khi rà soát đã loại trùng lặp; tăng, giảm do thay đổi nơi cư trú của TN liệt sĩ ở mỗi tỉnh. Tổng số liệt sĩ cần lấy MSP của thân nhân còn là 1.035.
– Số MSP đã lấy được 911 đạt 88% so với số liệt sĩ thực tế cần lấy MSP. Nếu không tính 11 LS đã được gia đình đưa hài cốt về quê, không cấp MSP thì tỷ lệ đạt 89%.
Thực hành lấy mẫu mẹ liệt sĩ ở Điện Biên
– Có 11 tỉnh đạt 100%.
– Có 5 tỉnh đạt dưới 80% (mục tiêu đề ra 80%) là Lai Châu (64%), Ninh Bình (73,7%), Nghệ An (72,6%), Yên Bái (79,2%) và Bắc Giang (79,5%).
– Một liệt sĩ ở các tỉnh lẻ như Quảng Ninh, Bắc Cạn, Đắk Lắk, Gia Lai … đã được huy động lấy MSP ở các tỉnh: Hà Giang, Hải Phòng và Thanh Hóa theo cư trú của TNLS hoặc gửi trực tiếp MSP về Viện PYQĐ.
– Đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ: từ khâu tập trung thân nhân liệt sĩ, thực hành lấy MSP đến các mặt bảo đảm, phục vụ. . . Một số tỉnh đã tổ đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ cho gia đình LS chu đáo như: Sơn La, Điện Biên . . .
– Số chưa lấy được MSP của thân nhân là: 116, chiếm 11,2% so với tổng số LS.
Đánh giá chung:
- Về số lượng, kết quả lấy MSP thân nhân liệt sĩ MT31 đạt gần 90%, vượt mục tiêu mong đợi của kế hoạch.
- Về chất lượng: 100% MSP được lấy, đảm bảo tuyệt đối về kỹ thuật và chất lượng theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn.
- Công tác bảo đảm được chuẩn bị chu đáo, an toàn.
- Thời gian: nhanh, gọn, tập trung, hoàn thành đúng kế hoạch.
Lấy mẫu thân nhân liệt sĩ tại Hòa Bình
Nguyên nhân:
Thứ nhất: Đây là việc làm hợp ý Đảng lòng dân, đáp ứng được niềm khao khát của hàng ngàn, hàng vạn gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt người thân từ nhiều năm nay. Do vậy mặc cho đường sá xa xôi, cách trở, mặc cho tuổi cao sức yếu, đã có trên 90% thân nhân liệt sĩ đến cấp MSP để mong tìm được hài cốt LS của gia đình mình.
Thứ hai : Công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo mà thường trực là Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH với các Sở LĐ-TB&XH, các tổ chức xã hội như Hội HTGĐLS Việt Nam, BLL-MT31 và các cơ quan chuyên môn kỹ thuật: Viện PYQĐ, viện CNSH, viện KTHS nhìn chung là chặt chẽ, có hiệu quả cao. Có sự phối hợp tốt giữa chỉ đạo và tổ chức thực hiện; giữa công tác tổ chức và công tác kỹ thuật, công tác bảo đảm …
Thứ ba: Hội HTGĐLS Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch có tính khả thi cao để tổ chức lấy MSP ở 35 tỉnh, thành , theo 5 vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, ĐB Sông Hồng, Bắc Trung bộ và Khu vực phía Nam. Chủ động phối hợp với BLLMT31, các Sở LĐ-TB&XH để rà soát, hiệu đính và liên hệ trực tiếp với TNLS xác định cụ thể TNLS thuộc dòng mẹ để mời về lấy mẫu. Đặc biệt, các Tổ công tác của Hội đã phối hợp chặt chẽ với các Sở LĐ-TB&XH để tổ chức lấy MSP trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư: Công tác thống kê, liên hệ với địa phương và gia đình liệt sĩ là cực kỳ quan trọng. Việc lập danh sách thân nhân liệt sĩ đã theo sát được những diễn biến và di trú của TNLS. Vai trò của BLL toàn quốc MT31 giữ vị trí rất quan trọng.
Thứ năm: Viện PYQĐ với tinh thần trách nhiệm cao, đã có hướng dẫn chuyên môn kịp thời. Viện đã cử 4 KTV chuyên ngành trực tiếp cùng 4 tổ công tác đi lấy mẫu và khai thác thông tin về LS và TNLS. Viện Kỹ thuật Hóa sinh Bộ Công An đã đảm bảo cung cấp vật tư, dụng cụ lấy MSP đầy đủ chu đáo.
Thứ sáu: Chính quyền và ngành LĐ-TB&XH địa phương rất quan tâm tới chính sách liệt sĩ và việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Điển hình là Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa . . . đã trực tiếp chăm lo tới các GĐLS khi tập trung về tỉnh để cấp MSP, từ nơi ăn chốn ở đến việc động viên thăm hỏi hết sức tận tình, chu đáo.
Thứ bảy: Các cán bộ, hội viên là thành viên của các tổ công tác lấy MSP thân nhân liệt sĩ MT31 với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy vì việc nghĩa không ngại tuổi cao, khó khăn vất vả đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Một vài hạn chế.
Có 5 tỉnh tỷ lệ thân nhân liệt sĩ cấp MSP chưa đạt so với yêu cầu như Lai Châu, Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang và Yên Bái. Có 2 nguyên nhân:
– Chính quyền và ngành LĐ-TB&XH ở 5 tỉnh nói trên chưa thực sự quan tâm tới việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
– Công tác tuyên truyền vận động TNLS cấp mẫu còn hạn chế do chưa có thời gian chuẩn bị chu đáo hoạt động này.
Những bài học kinh nghiệm.
Một là: Việc chỉ đạo nhất quán, kịp thời từ Bộ LĐ-TB&XH mà trực tiếp là Cục Người có công đối với các cơ quan có liên quan và các sở LĐ-TB&XH tỉnh/thành phố để thực thi nhiệm vụ là cực kỳ quan trọng.
Hai là: Việc phối kết hợp giữa Hội HTGĐLS Việt Nam với Sở LĐ-TB&XH, BLLMT31 và các Ban ngành ở địa phương để rà soát, hiệu đính, liên lạc với TNLS, gửi thư mời… giữ vị trí trung tâm trong công tác chuẩn bị.
Ba là: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình liệt sĩ hiểu biết về phương pháp khoa học xét nghiệm ADN để thân nhân liệt sĩ tự nguyện đến cấp mẫu đúng đối tượng, đúng kỹ thuật là cực kỳ quan trọng.
Bốn là: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực thi nhiệm vụ cần phối hợp với nhau trên cơ sở kế hoạch chung của Bộ LĐ-TB&XH để hiệp đồng. Cụ thể: việc lập các tổ công tác đi địa phương đã đề cập các yếu tố: lực lượng, nhiệm vụ, địa bàn, thời gian, chuẩn bị vật tư nghiệp vụ, bảo đảm hậu cần… các cơ quan hữu quan cùng phối hợp thực hiện tốt nhất.