Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và công tác “Tri ân liệt sĩ”
Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thương bnh liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2013, nhóm PV báo Nông thôn ngày nay phỏng vấn ông Nguyễn Đình Thường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam về hoạt động của Hội hơn hai năm qua.
Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và đế quốc Mỹ xâm lược, chúng ta có hơn một triệu liệt sĩ. Hiện đã quy tập được khoảng trên 900.000 hài cốt, nhưng có 1/3 trong số đó là liệt sĩ chưa biết tên. Gần 300.000 liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó chưa quy tập được. Điều này có nghĩa là còn hàng vạn gia đình liệt sĩ đang đau đáu với công việc tìm kiếm hài cốt người thân.
- Hàng năm, cứ tới ngày 27/7, rất nhiều hoạt động rầm rộ để tri ân liệt sĩ và người có công, ông đánh giá thế nào về hoạt động này?
Ông Thường: Đền ơn đáp nghĩa và tri ân các anh hùng liệt sĩ là vấn đề của toàn xã hội, theo tôi, ai có đóng góp gì thì quý cái đó. Các hoạt động mấy ngày này thể hiện được một điều: lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ luôn hiện diện ở mọi nơi. Các công ty, đơn vị tổ chức giao lưu, tri ân bằng nhiều hình thức khác nhau, tôi thấy điều đó là rất tốt bởi hoạt động theo cách nào đi nữa thì lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ cũng được thể hiện chân thành nhất
- Dẫu vậy, đó cũng chỉ là các hoạt động kỷ niệm, ông có ý kiến gì về chính sách dài hạn của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề liệt sĩ hiện nay?
Ông Thường: Bộ Chính trị vừa có Chỉ thị số 24 CT-TW ngày 21/5/2013 về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” Theo đó Đảng ta kêu gọi tòan Đảng, toàn quân và toàn dân ta chung tay chung sức để tìm kiếm, cất bốc, qui tập hài cốt liệt sĩ còn nằm đâu đó trên các chiến trường nhằm xoa dịu nỗi đau còn tồn đọng sau chiến tranh đối với hàng vạn gia đình liệt sĩ. Đồng thời ngày 14/01/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 150 QĐ-TTg phê duyệt đề án “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” với mục tiêu đến 2020 có 20% liệt sĩ “không biết tên” được trả lại danh tính bằng giám định ADN và khoảng 7.000 hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm bằng phương pháp thực chứng. Đây là đường lối nhất quán và là những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về công tác liệt sĩ. Tôi hy vọng rằng các chính sách đó sớm được thực hiệm một cách hiệu quả nhất.
- Thưa ông, sau hơn hai năm hoạt động, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã đạt được những kết quả như thế nào ?
Ông Thường. Hội HTGĐLS Việt Nam ra đời tháng 10/2010. Đến tháng 10/2013 tròn 3 năm Hôi đã tập trung vào các hoạt động: Hỗ trợ việc thu thập và khai thác thông tin cho hàng ngàn gia đình liệt sĩ; cung cấp hơn 100.000 thông tin liệt sĩ đã quy tập trong các nghĩa trang lên Website của Hội; tiếp nhận và xử lý gần 2.000 hồ sơ liệt sĩ; Hỗ trợ miễn phí giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ được gần 400 mẫu; đã xét nghiệm xong 350 mẫu, kết quả đúng 76%. Tổ chức 20 đợt trao kết quả cho các GĐLS. Hỗ trợ tìm kiếm, qui tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ. Hỗ trợ các GĐLS có hoàn cảnh khó khăn hơn 60 nhà tình nghĩa (mỗi nhà trị giá 50-60 triệu đồng), hơn 300 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng). Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho gia đình liệt sĩ hơn 2 năm qua lên gần 10 tỷ đồng.
- Ông có thể nói rõ hơn về hỗ trợ miễn phí cho gia đình liệt sĩ để giám định ADN của Hội ?
Ông Thường. Ngay sau khi thành lập, Hội đã ký hợp đồng với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam và Viện Pháp Y Quân đội để làm giám định ADN theo phương pháp gen ty thể để xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Theo thẩm định giá của Bộ Tài chính thì mỗi trường hợp giám định gen ty thể cần chi phí hết 10.040.000 đồng.
Hội đã và đang hỗ trợ miễn phí việc giám định ADN cho gia đình liệt sĩ bằng hai cách, một là Hội thanh toán với hai viện sau mỗi đợt trả kết quả giám định từ Quĩ tri ân liệt sĩ của Hội (qua kết quả vận động tài trợ có được). Hai là vận động các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ cho gia đình liệt sĩ bằng cách trực tiếp thanh toán cho các Viện thông qua hồ sơ và danh sách giám định ADN cho liệt sĩ như Tập đoàn Dầu khi Việt Nam đã hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 100 mẫu giám định ADN hay 370 triệu đồng thu được từ cước nhắn tin cổng thông tin điện tử nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuyển trực tiếp cho Viện Công nghệ sinh học để thanh toán 37 mẫu giám định ADN tháng 8/2012 . . .
- Trong số các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, theo ông, hoạt động nào hiện đang được các gia đình liệt sĩ quan tâm nhất?
Ông Thường. Đó chính là việc hỗ trợ thông tin để tìm kiếm, qui tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hơn hai năm qua, trung bình mỗi ngày Hội đã tiếp từ 20 đến 30 gia đình tới để được tư vấn về phương pháp tìm mộ liệt sĩ và giám định ADN.
Xin cảm ơn ông
Lê Huyền (thực hiện)
Nguồn : Báo NTNN