Phần I. Bước đầu tham gia Đề án 150
Ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định sô 150 QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” (sau đây gọi là Đề án 150) với các mục tiêu:
Đến năm 2015:
a) Xây dựng và hoàn thiện quy trình xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng trung tâm lưu giữ nguồn gen đã được giám định để phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin;
b) Điều tra tại 63 tỉnh, thành phố để thu thập, tổng hợp, cập nhật, bổ sung thông tin về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin, thông tin về mộ và nghĩa trang liệt sĩ;
c) Thực hiện việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định gen;
d) Xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định gen khoảng 10.000 hài cốt liệt sĩ (khoảng 5% số hài cốt hiện chưa có thông tin).
Đến năm 2020:
a) Xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin;
b) Xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin đạt 7.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định gen đạt 70.000 hài cốt liệt sĩ (khoảng 20% số hài cốt hiện chưa có thông tin).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các Bộ, ngành các cơ quan hữu quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này.
Để từng bước thực hiện đề án có chất lượng và hiệu quả cao, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai bước đầu xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin thuộc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam chiến đấu ở mặt trận 31 Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, CHDCND Lào (gọi tắt là MT31), đã được quy tập về Nghĩa trang Quốc gia Anh Sơn tỉnh Nghê An.
Ngày 4 tháng 4 năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn số 330/NCC-LTHS giao cho Hội HTGĐLS Việt Nam xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện việc lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ MT31 (gọi tắt là MSP-TNLS-MT31).
Hội HTGĐLS Việt Nam coi hoạt động thu thập MSP-TNLS-MT31 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm có ý nghĩa tri ân và đền ơn đáp nghĩa sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ. Kế hoạch của Hội trình Bộ LĐ-TB&XH (mà trực tiếp là Cục Người có công) đã nêu ra các mục đích, yêu cầu cơ bản sau:
Mục địch: Thu thập được trên 80% mẫu sinh phẩm của thân nhân các liệt sĩ thuộc MT 31 ở hơn 150 huyện thuộc hơn 30 tỉnh thành trên toàn quốc.
Yêu cầu: Bảo đảm đúng quy trình và kỹ thuật tiên tiến; bảo đảm thời gian và chất lượng mẫu sinh phẩm,
Phương châm: Tăng cường xã hội hóa, tiết kiệm chi phí với mức thấp nhất bằng cách sử dụng tối đa mạng lưới Hội viên và các tình nguyện viên của Hội ở các huyện, tỉnh; phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng các địa phương, Ban liên lạc MT31 để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ.
Phương pháp: Lấy mẫu trực tiếp từ thân nhân của liệt sĩ thuộc dòng me; kết hợp tổ chức lấy mẫu tại tuyến tỉnh và tuyến huyện một cách hợp lý. Trong trường hợp đặc biệt, có thể tới tận gia đình TNLS để lấy mẫu; người lấy mẫu là giám định viên hoặc kỹ thuật viên chuyên môn để bảo đảm chất lượng MSP.
Quy trình kỹ thuật: theo định hướng lấy MSP có chuẩn bị để giảm tối đa tỷ lệ nhiễm ADN; loại mẫu cần lấy là mẫu máu; móng chân, móng tay; tóc của TNLS (do viện Pháp y quân đội thực hiện).
Theo đó là các nội dung, bước đi cụ thể để thực hiện mục tiêu trên. Hội sẽ tổ chức thí điểm lấy MSP-TNLS-MT31 khu vực Hà Nội trước để rút kinh nghiệm nhằm đạt được kết quả tốt nhất của hoạt động này.
Phần II: Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Công tác chuẩn bị: Thời gian 01 tháng, từ 25/4 đến 25/5/2013 .
Các tài liệu :
– Quy trình kỹ thuật lấy MSP (Viện Pháp y Quân đội thực hiện).
– Các văn bản thông báo tới gia đình, thân nhân liệt sĩ mục đích, ý nghĩa và nội dung thu thập MSP.
– Các văn bản gửi tới các cơ quan chức năng các cấp ở địa phương: UBND, LĐ-TB&XH, Bộ CHQS …để phối hợp thực hiện lấy MSP.
– Phiếu thu thập MSP (Viện PYQĐ chuẩn bị).
Về tổ chức và nhân lực.
– Hội thành lập Trung tâm điều hành hoạt động lấy MSP-TNLS-MT31.
– Chủ tịch Hội ra Quyết định thành lập các tổ công tác lấy MSP, mỗi tổ phụ trách 4-6 tỉnh.
Thành phần mỗi tổ gồm:
+ Tổ trưởng, tổ phó là Lãnh đạo hoặc chuyên viên Văn phòng hoặc các Ban chuyên môn của Hội.
+ 01 kỹ thuật viên của viện Pháp y Quân đội trực tiếp lấy MSP.
+ Cộng tác viên ở địa phương (là đại diện các cơ quan LĐTBXH, Bộ CHQS, Hội HTGĐLS, Hội CCB địa phương, Ban liên lạc MT31).
Hội nghị, Hội thảo kế hoạch lấy MSP.
– Hội thảo với các cơ quan hữu quan: các Viện, ban liên lạc MT31, Cục Người có công để hoàn thiện kế hoạch tổ chức lấy MSP.
– Các Hội nghị triển khai hoạt động.
Trang thiết bị cho lấy MSP.
– Túi đựng MSP (cho từng cá nhân TNLS)
– Hòm đựng mẫu sinh phẩm (cho mỗi tỉnh, vùng),
– Bộ dụng cụ: Bấm móng tay, kéo, găng tay, hộp đựng.
– Kít lấy máu . . .
Các dụng cụ chuyên môn và kít lấy máu, Bộ LĐ-TB&XH giao cho Viện KTHS Bộ Công An chịu trách nhiệm cung cấp.
Tra cứu và hoàn thiện thông tin về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Đây là khâu cơ bản quyết định đến kết quả lấy MSP, nên cần xác định chính xác:
– Tên thôn/bản, xã/phường, quận/huyện là nguyên quán của liệt sĩ;
– Tên thôn/bản, xã/phường, quận/huyện là nguyên quán của TNLS;
– Tên thôn/bản, xã/phường, quận/huyện nơi cư trú hiện nay của TNLS;
– Họ, tên, địa chỉ, điện thoại, quan hệ huyết thống theo dòng mẹ của TNLS;
– Liên hệ, đăng ký với TNLS qua điện thoại, thư phát nhanh;
– Hoàn thiện và hiệu đính đầy đủ thông tin về LS và TNLS trước khi triển khai lấy MSP.
Tổ chức lấy MSP khu vực Hà Nội
Hội sẽ tổ chức lấy MSP khu vực Hà Nội trong 2 ngày 28-29/5/2013 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, số 8 Nguyễn Tri Phương Hà Nội để rút kinh nghiệm trước khi tổ chức triển khai cuốn chiếu theo lịch.
Căn cứ vào sự phân công trên, các tổ chủ động liên hệ và phối hợp với các địa phương để triển khai cho phù hợp với thực tế về số MSP cần lấy và điều kiện cụ thể của từng tỉnh.
Thời gian đi thực địa lấy MSP từ 17/6 đến 05/7/2013.
Phần III: Kết quả và kiến nghị.
Sáng 21/8/2013, tại trụ sở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (Hội), số 8 Nguyễn Tri Phương quận Ba Đình Hà Nội, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội chủ trì hội nghị Đánh giá kết quả lấy mẫu sinh phẩm (MSP) thân nhân liệt sĩ (TNLS) mặt trận 31 (MT31)
Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên đại diện Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH, Cục Chính sách Bộ Quốc Phòng, các Viện: Pháp Y Quân đội (PYQĐ); Công nghệ sinh học (CNSH) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam; Kỹ thuật Hóa sinh (KTHS) Bộ Công An. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo, các trưởng, phó Ban của Hội HTGĐLS Việt Nam, các đồng chí tổ trưởng, tổ phó tổ công tác lấy MSP của Hội ở các địa phương
Báo cáo tổng kết của Hội nêu rõ kết quả đợt lấy MSP-TNLS-MT31 từ 28/5 đến 5/7/2013 ở hơn 30 tỉnh, thành trên toàn quốc:
– Có 1.085 liệt sĩ theo danh sách ban đầu.
– Thực tế sau khi rà soát đã loại trùng lặp; tăng, giảm do thay đổi nơi cư trú của TNLS ở mỗi tỉnh; tổng số liệt sĩ cần lấy MSP của thân nhân còn lại 1.055.
– Số MSP đã lấy được 907 đạt 86% so với số liệt sĩ thực tế cần lấy MSP (trong đó có 27 mẫu do TNLS cấp tại Viện PYQĐ hoặc gửi qua bưu điện).
– 7 tỉnh đạt 100% gồm: Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Hưng Yên và Quảng Bình.
– 5 tỉnh đạt dưới 80%: Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Nội, Ninh Bình và Nghệ An.
– Một số tỉnh có ít liệt sĩ MT31 như Quảng Ninh, Bắc Cạn, Đắk Lắk, Gia Lai đã được huy động lấy MSP ở các tỉnh: Hà Giang, Hải Phòng và Thanh Hóa theo cư trú của TNLS hoặc TNLS được hướng dẫn gửi trực tiếp MSP về Viện PYQĐ.
– Số chưa lấy được MSP của TNLS là 148 chiếm 14% so với tổng số LS.
Đánh giá chung:
– Về số lượng MSP đạt gần 90%, vượt mục tiêu mong đợi của kế hoạch.
– Về chất lượng: 100% MSP được lấy, đảm bảo tuyệt đối về kỹ thuật và chất lượng theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn.
– Đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ: từ khâu tập trung TNLS, thực hành lấy MSP đến các mặt bảo đảm . . . Một số tỉnh đã tổ chức đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ cho gia đình LS chu đáo như: Sơn La, Điện Biên, tuyên Quang . . .
– Thời gian: nhanh, gọn, tập trung, hoàn thành đúng kế hoạch.
Nguyên nhân:
Thứ nhất: Đây là việc làm hợp ý Đảng lòng dân, đáp ứng được niềm khao khát của hàng ngàn gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt người thân từ nhiều năm nay. Do vậy mặc cho đường xá xa xôi, cách trở, mặc cho tuổi cao sức yếu, đã có trên 90% TNLS đến cấp MSP để mong tìm được hài cốt LS của gia đình mình.
Thứ hai : Công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo mà thường trực là Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH với các Sở LĐ-TB&XH, các tổ chức xã hội như Hội HTGĐLS Việt Nam, Ban liên lạc MT31 và các cơ quan chuyên môn kỹ thuật: Viện PYQĐ, viện CNSH, viện KTHS nhìn chung là chặt chẽ, có hiệu quả cao. Sự phối hợp tốt giữa chỉ đạo và tổ chức thực hiện; giữa công tác tổ chức và công tác kỹ thuật, công tác bảo đảm …
Thứ ba: Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch có tính khả thi cao để tổ chức lấy MSP theo 5 vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, ĐB Sông Hồng, Bắc Trung bộ và Khu vực phía Nam. Đặc biệt là các tổ công tác của Hội đã chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh và BLLMT31 rà soát, hiệu đính rồi liên hệ trực tiếp với TNLS xác định cụ thể TNLS thuộc dòng mẹ để triệu tập lấy MSP. Đồng thời các tổ đã phối hợp chặt chẽ với các Sở LĐ-TB&XH để tổ chức lấy MSP trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư: Viện PYQĐ với tinh thần trách nhiệm cao, đã có hướng dẫn chuyên môn kịp thời. Viện đã cử 4 KTV chuyên ngành trực tiếp cùng 4 tổ công tác đi lấy mẫu và khai thác thông tin về LS và TNLS. Viện KTHS Bộ Công An đã đảm bảo cung cấp vật tư, dụng cụ lấy MSP đầy đủ chu đáo.
Thứ năm: Chính quyền và ngành LĐ-TB&XH địa phương rất quan tâm tới chính sách liệt sĩ và việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Điển hình là Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa . . . đã trực tiếp chăm lo tới các GĐLS khi tập trung về tỉnh để cấp MSP, từ nơi ăn chốn ở đến việc động viên thăm hỏi hết sức tận tình, chu đáo.
Thứ sáu: Các cán bộ, hội viên là thành viên các tổ công tác lấy MSP của Hội với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy vì việc nghĩa không ngại tuổi cao, khó khăn vất vả đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Một số khó khăn, hạn chế.
a) Một vài tỉnh tỷ lệ TNLS cấp MSP chưa đạt so với yêu cầu. Nguyên nhân:
– Địa hình và hoàn cảnh thân nhân LS ở vùng sâu vùng xa có nhiều khó khăn.
– Một vài dân tộc thiểu số có tập tục “bỏ mả”, một số gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ về quê bằng đường tâm linh nên TNLS không quan tâm tới việc cấp MSP nữa.
– Cơ quan quản lý thân nhân liệt sĩ ở một số tỉnh chưa thực sự quan tâm tới việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
– Công tác tuyên truyền vận động TNLS cấp mẫu còn hạn chế do chưa có thời gian chuẩn bị chu đáo hoạt động này.
b) Việc tổng hợp kết quả và bàn giao MSP-TNLS còn nhiều lúng túng cần được khắc phục.
Một số kiến nghị.
Từ kết quả lấy MSP-TNLS-MT31, Hội HTGĐLS Việt Nam có một số kiến nghị với Ban chỉ đạo Đề án 150 và Ban chỉ đạo Đề án 1237 như sau:
- Khẩn trương triển khai Quyết định 150 QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
- Sớm lập Ngân hàng gene thân nhân liệt sĩ và Ngân hàng gene hài cốt liệt sĩ.
- Sớm cho triển khai lấy MSP-TNLS của tất cả các liệt sĩ còn thiếu thông tin vì nếu để chậm, nguồn gen sẽ cạn dần, rất khó thu thập được MSP.
- Đồng thời từng bước có kế hoạch lấy MSP từ hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ở các nghĩa trang liệt sĩ.
- Chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các địa phương tổ chức việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thất lạc danh tính trước khi mai táng để đưa vào Ngân hàng gen liệt sĩ, tránh tình trạng sau này phải khai quật mộ liệt sĩ để lấy MSP.
Các đại biểu phát biểu đều đánh giá cao kết quả lấy MSP-TNLS-MT31 và đồng tình với những kiến nghị của Hội.
Đại diện Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH và Cục Chính sách Bộ Quốc phòng đánh gia cao kết quả hoạt động của Hội và coi đây là việc làm nghĩa tình của Hội HTGĐLS Việt Nam. Đại biểu hai Bộ đã ghi nhận những kiến nghị trên của Hội để báo cáo với các Ban chỉ đạo Đề án 150 và 1237 tiếp tục hoàn thiện các Qui trình tìm kiếm, qui tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ và Qui trình khai quật giám định ADN nhằm trả lại danh tính cho các anh hùng liệt sĩ còn thiếu thông tin.