Một số nhận xét của đoàn công tác tại Nghệ An và Hà Tĩnh
Nguyễn Văn Thuận
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Căn cứ nội dung Chương trình số 4836/CTr-BLĐTBXH-MTTQ ngày 05/12/2013 và Hướng dẫn số 684/HD-BLĐTBXH-MTTQ ngày 12/3/2014 thực hiện chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014 – 2015) của Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; căn cứ tiến độ thực hiện và sự chuẩn bị của các địa phương, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) Việt Nam thành lập đoàn công tác do đồng chí Phó Trưởng ban Gia đình và xã hội Hội LHPN Việt Nam và đồng chí Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội HTGĐLS Việt Nam dẫn đầu đi kiểm tra, giám sát tại một số xã, phường làm điểm thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong các ngày từ 11 đến 14 tháng 5 năm 2014.
Theo nhiệm vụ được phân công trong Chương trình Tổng rà soát, đoàn kiểm tra tập trung chủ yếu vào 2 nhóm đối tượng được rà soát là: Liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thời gian và nội dung kiểm tra, giám sát diễn ra chủ yếu ở xã, phường; ở xóm, tổ dân phố, tiếp xúc trực tiếp với một số đối tượng được rà soát. Phương pháp làm việc của đoàn: nghe Ban rà soát (xã, phường), tổ rà soát (xóm, tổ dân phố) báo cáo; trực tiếp kiểm tra phiếu rà soát, bảng tổng hợp; đối thoại, trao đổi với cán bộ địa phương và đối tượng chính sách; tuyên truyền chính sách, giải đáp thắc mắc, rút kinh nghiệm kịp thời, cụ thể, tại chỗ.
Kết quả đoàn công tác đã đến được bốn xã, phường, bốn xóm, tổ dân phố, tiếp xúc trực tiếp tại gia đình với 10 đối tượng chính sách.
Đây là đợt đầu Hội HTGĐLS Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình Tổng rà soát diễn ra ở một số Cụm dân cư và cấp xã, phường thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Được sự giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ của Lãnh đạo Hội LHPN hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, các cấp hội phụ nữ và Ban rà soát các địa phương đoàn đến, bước đầu chúng tôi rút ra một số nhận xét và kinh nghiệm chỉ đạo như sau:
Một là: Chủ trương của Chính phủ và nội dung biện pháp triển khai Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng là hợp lòng dân, được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, thông suốt từ Trung ương tới khu dân cư, huy động được cả hệ thống chính trị ở địa phương vào triển khai nhiệm vụ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội đã làm đúng chức năng nhiệm vụ được phân công.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, cấp phường đã có các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện như sau (kiểm tra tại phường Tân Giang – thành phố Hà Tĩnh): chỉ thị của tỉnh ủy; kế hoạch triển khai của UBND tỉnh; hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh; kế hoạch triển khai của UBND thành phố Hà Tĩnh; kế hoạch triển khai của UBND phường; hướng dẫn của Hội Phụ nữ phường; quyết định thành lập Ban Rà soát của phường; quyết định thành lập Tổ Rà soát ở các tổ dân phố; thông báo phân công nhiệm vụ của Ban Rà soát phường.v.v..
Hai là: Trên cơ sở các quy trình và biện pháp thực hiện được hướng dẫn từ Trung ương, ở địa phương, nhất là cấp cơ sở khi triển khai đã có nhiều công việc sáng tạo linh hoạt để đạt được mục đích.
Ở hầu hết khu dân cư, xã phường nơi đoàn công tác đến trực tiếp hoặc nghe báo cáo đều thấy nổi lên những kinh nghiệm tốt sau đây:
+ Nhất thiết cán bộ làm công tác chỉ đạo hoặc trực tiếp thực hành rà soát phải được tập huấn. Nội dung tập huấn ngoài quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của Tổng Rà soát, phương pháp hỏi và ghi chép nội dung phiếu rà soát.v.v.. thì cán bộ cũng phải được bồi dưỡng những hiểu biết căn bản về chủ trương, chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công. Nếu không nắm vững vấn đề này cán bộ đi rà soát không giải thích được hoặc giải thích không chuẩn xác những câu hỏi của đối tượng, không phát hiện đúng những trường hợp hưởng chưa đầy đủ hoặc hưởng sai chế độ, chính sách.
Bồi dưỡng kiến thức về chính sách ưu đãi người có công cho cán bộ thực hành rà soát ở cơ sở là khó khăn và điểm yếu có tính phổ biến hiện nay.
+ Công tác tuyên truyền trong nhân dân được chú trọng làm bằng nhiều hình thức: đọc tài liệu qua hệ thống truyền thanh của thôn, xóm, tổ dân phố; quán triệt qua sinh hoạt chi bộ, các tổ chức đoàn thể, sinh hoạt nhân dân.
Tuy vậy hạn chế lớn nhất và cũng là khó khăn lớn nhất của công tác tuyên truyền là làm sao cho người dân nói chung và gia đình người có công nói riêng hiểu được chế độ chính sách để họ tham gia vào cuộc Tổng Rà soát này một cách hiệu quả, nhất là những kiến nghị, phát hiện của họ. Hơn ai hết cán bộ chính sách ở cơ sở phải hiểu và tận tâm với công việc này.
+ Việc đồng chí Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận ở hầu hết các khu dân cư được cử làm tổ trưởng rà soát là việc làm có nhiều tác dụng. Trước hết là tăng cường vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của chi bộ, của các đồng chí đảng viên với nhiệm vụ này. Lực lượng đảng viên thông suốt về nhiệm vụ, gương mẫu thực hiện tuyên truyền, nói chung có hiểu biết về chế độ, chính sách sẽ góp phần tích cực cho kết quả rà soát ở khu dân cư.
Ba là: Những kiến nghị từ địa phương sẽ phản ảnh sau khi tổng hợp tình hình ở nhiều nơi. Tuy vậy, vấn đề kinh phí bảo đảm cũng cần được giải quyết sớm. Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, các địa phương đã chủ động cho ứng tiền để giải quyết những nhiệm vụ phải làm ngay như: in ấn tài liệu, tập huấn, tuyên truyền. Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm sớm thông báo và làm thủ tục để giải quyết kinh phí cho địa phương.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của đoàn công tác :
Đoàn làm việc tại xóm xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An
Đoàn thăm gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại xóm Đông Xuân, xã Đông Hiếu
Đoàn trao đổi với ông Đào Hữu Sung – Bí thư chi bộ, trưởng ban rà soát xóm Đông Xuân
Trao đổi công việc tại xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn, Nghệ An
Thăm và trò chuyện với cụ Lê Thị Thư (vợ LS) tại tổ 3 phường Tân Giang, Tp Hà Tĩnh
Đoàn thảo luận công tác tại xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh phát biểu