Nghĩa tình đồng đội
Nguyễn Văn Thuận
Được tin 21 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hy sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu trên chiếc máy bay Mi 171, ngày 7 tháng 7 năm 2014, lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã đến viếng, dự lễ truy điệu các đồng chí hy sinh tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng và thăm hỏi động viên các đồng chí bị thương và gia đình tại Viên Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.
Với nghĩa tình đồng đội sâu nặng, trong tháng cao điểm hoạt động tri ân liệt sĩ, ngày 22 tháng 7 năm 2014, đoàn cán bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam do ông Nguyễn Hùng Phong – Phó Chủ tịch Hôi làm trưởng đoàn đã đến thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ một số liệt sĩ tại quê nhà.
Đoàn đã tìm đến gia đình của Thượng úy, liệt sĩ Đặng Hùng Quang – Chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô tại xã Tản Hồng , Ba Vì Hà Nội.
Đoàn thăp hương tưởng nhớ liệt sĩ Đặng Hùng Quang
Từ đầu làng, khi chúng tôi hỏi thăm liệt sĩ Đặng Hùng Quang. Bà con lối xóm ai cũng tỏ lòng tiếc thương về sự ra đi đột ngột của anh. Tiếp chúng tôi là mẹ đẻ của liệt sĩ và vợ anh – Chị Lê Thị Nhung. Câu chuyện luôn bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào của bà mẹ và người vợ liệt sĩ khi nhắc về anh. Chúng tôi không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cháu trai hai tuổi (con thứ hai liệt sĩ Quang) vẫn chưa ý thức được sự ra đi vĩnh viến của bố. Cháu chỉ lên ảnh bố trên bàn thờ mà bi bô : “Bố sắp về”.
Đoàn chia sẻ nỗi đau mất mát với thân nhân liệt sĩ
Hoàn cảnh của vợ con liệt sĩ Quang hiện rất khó khăn. Chị Nhung chưa có việc làm ổn định. Ba mẹ con sống trong căn nhà cấp 4 do ông bà để cho. Hàng ngày họ vẫn dựa vào sự chăm lo của bà nội (mẹ anh Quang).
Chị Nhung (vợ LS Quang) bế con nhỏ trước căn nhà đơn sơ
Trong khi tiếp chuyện, chị Nhung cho biết : cảm thông với hoàn cảnh của mẹ con em, thủ trưởng đơn vị anh Quang đã báo cáo cấp trên làm thủ tục để em được vào làm việc tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ba Vì (Chị Nhung có bằng tốt nghiệp Trung cấp Dược). Chúng tôi thành tâm mong mong muốn chị Nhung sớm có việc làm ổn định để có điều kiện nuôi dạy các cháu khôn lớn, trưởng thành, bớt đi thiệt thòi vì mất bố quá sớm.
Rời Tản Hồng Ba Vì, đoàn chúng tôi tới khu gia đình của Trung đoàn 916 ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh ( Thiếu tá cơ giới trên không, phi đội 1 Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân)
Tiếp chúng tôi trong gian nhà cấp 4(Trung đoàn cấp cho vợ chồng anh Thanh) là mẹ vợ và vợ anh – Chị Nguyễn Thị Chính. Chị Chính là giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Mẹ vợ anh Thanh kể : từ hôm anh Thanh mất, gia đình hai bên nội ngoại luôn có người ở đây để trông nom, giúp đỡ 4 mẹ con chị Chính vượt qua tổn thất quá lớn này.
Đoàn thăp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh
Do chúng tôi đến vào buổi trưa nên chị Chính và 3 cháu đều ở nhà. Trong khi bà mẹ kể về những kỷ niệm, những mất mát, đau buồn khi anh Thanh ra đi, tôi hỏi cháu gái 12 tuổi (con lớn của liệt sĩ) : Cháu nói với các bác một điều gì đó về người bố của mình đi? Cháu chỉ nhòa nước mắt không nói nên lời.
Chị Chính bế cháu thứ 3 mới 2 tuổi trong lòng. Chị áp mặt lên đầu con để che đi đôi mắt lệ nhòa. Lát sau chi xoa đầu con và nói với chúng tôi : Em thương cháu út này hơn cả vì cháu chưa biết được bố đã ra đi mãi mãi. Mấy hôm nay, mỗi khi được bà hoặc mẹ gội đầu, cháu vẫn nhắc sao bố không về ôm con để khen đầu con thơm.
Chúng tôi cùng lặng đi trước câu nói của con trẻ và cầu mong ở cõi vĩnh hằng anh Thanh sẽ phù hộ cho gia đình bình an, các cháu không lớn, trưởng thành.
Một ngày bình dị, đoàn chúng tôi tiếp tục đi để nối tiếp hành trình trọn vẹn nghĩa tình đồng đội.