Về Cao nguyên đá Đồng Văn tặng nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ
Nguyễn Văn Thuận
Tiếp tục những hoạt động kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, cuối tháng 7 năm 2014, đoàn cán bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Oanh – Phó Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn đã về Hà Giang làm công tác “Tri ân liệt sĩ”.
Đoàn đã dự lễ thắp nến Tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Mèo Vạc, Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, phối hợp trao nhà tình nghĩa cho một gia đình liệt sĩ thuộc xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc. Trong những hoạt động tri ân liệt sĩ nói trên, ấn tượng sâu đậm nhất của chúng tôi là được tới thăm và trao nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ Vừ Thị Dính.
Từ Thành phố Hà Giang đoàn chúng tôi đi khoảng 160km theo con đường nằm trong “Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn”. Mặt đường hẹp, gồ ghề, liên tục gặp những “cua tay áo”, bên này là vách núi đá, bên kia là vực sâu.
Từ huyện lỵ Mèo Vạc đi chừng 20km mới đến được xã Lũng Pù. Đường đi có những đoạn xe bò trên mặt đá gồ ghề xám ngắt, cắt qua những vạt ngô đang mùa thu hoạch.
Đâu đâu cũng chỉ thấy có ngô, ngô trồng xen cùng cây bí, cây đậu trên nền đá lởm chởm, mênh mông.
Tận mắt quan sát phương thức canh tác của đồng bào và cây chủ lực của nền nông nghiệp ở đây mới thấu hiểu cuộc sống của người dân còn vô cùng khó khăn. Người dân nơi đây khái quát hoàn cảnh của mình bằng câu “Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Món mèn mén (được chế biến từ hạt ngô) là món ăn chính quanh năm của đồng bào, cơm gạo là thứ quá hiếm.
Cụ Vừ Thị Dính(90 tuổi), mẹ của liệt sĩ Giàng Mí Chứ hy sinh năm 1979 trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Biên giới phía Bắc. Cụ Vừ Thị Dính có 6 người con, liệt sĩ Giàng Mí Chứ là con cả. Hiện nay cụ đang sống cùng với người con út.
Tôi quan sát khá kỹ và chụp vài kiểu ảnh về ngôi nhà và chỗ nghỉ của người mẹ liệt sĩ những tháng năm dài đằng đẵng vừa qua.
Toàn cảnh ngôi nhà cũ của mẹ Dính
Đó là ngôi nhà xiêu vẹo với diện tích nền cỡ 25m2, trong đó vừa là nhà ở, là bếp và là nơi dựng những dụng cụ sinh hoạt, sản xuất của gia đình. Nhà được ngăn bằng vách tre thành 3 nơi làm chỗ ngủ cho 8 con người (cụ Dính, 2 vợ chồng người con út và 5 đứa cháu). Ngày đông lạnh giá cho đến ngày hè nắng nóng, cụ Dính và các con cháu phải sống trong không gian của căn nhà chật hẹp, ẩm thấp, ô nhiễm…
Một góc trong ngôi nhà cũ của mẹ Dính
Nhìn trong nhà không có cái gì để chứng tỏ các cháu của cụ đang đi học …Ở tuổi 90 cụ Dính vẫn đi nương làm rẫy với con, cháu. Có đến tận nơi thì mới thấy trồng ngô, trồng đậu ở cao nguyên đá vất vả đến chừng nào. Phải bốc đất bỏ vào từng hốc đá để tra hạt, người dân trèo trên những sườn núi đá cheo leo, chênh vênh.
Ngày Ủy ban nhân dân xã tổ chức lễ bàn giao căn nhà Tình nghĩa cho cụ Vừ Thị Dính, cả xã, cả bản đều vui coi như một sự kiện quan trọng.
Mẹ Dính với Lãnh đạo Hội HTGĐLS Việt Nam và địa phương trong ngôi nhà mới
Ông Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Trần Kim Ngọc và một số cán bộ cơ quan huyện cũng đến dự. Ông Nguyễn Minh Thuận – Bí thư Đảng ủy, ông Đỗ Viết Thành – Chủ tịch UBND xã Lũng Pù đến kiểm tra công tác chuẩn bị từ chiều hôm trước.
Lãnh đạo Hội HTGĐLS Việt Nam tâm tình với mẹ Dính trong ngôi nhà mới
Nhìn ngôi nhà mới với diện tích sử dụng 80m2, có tường xây, nền láng xi măng vững chắc, mái lợp ngói Proxi măng sáng bạc, xà gồ vững chắc, nhiều bà con trầm trồ : “ Cụ Dính có ngôi nhà nhất xóm”.
Bằng các nguồn huy động trong nội bộ, xã Lũng Pù hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng, trong đó có 2 chiếc giường đôi mới tinh được kê ngay ngắn trong căn nhà mới. Cụ Dính ngồi vui vẻ trên chiếc giường mới để chụp ảnh chung với khách từ Hà Nội, từ Thành phố Hà Giang và huyện Mèo Vạc về chung vui cùng gia đình.
Trên đường trở về từ Lũng Pù đến Thị trấn Mèo Vạc tôi có dịp hỏi chuyện kỹ hơn với ông Bùi Hoài Cận – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết Hà Giang, đơn vị tài trợ chính (50 triệu đồng) để làm nhà tình nghĩa tặng mẹ liệt sĩ Vừ Thị Dính.
Với dáng người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát và cởi mở, ông Cận vui vẻ kể cho tôi nghe về kết quả kinh doanh của Công ty và những đóng góp làm công tác xã hội. Là Doanh nghiệp không lớn, ở một tỉnh miền núi khó khăn lại trong bối cảnh chung của nền kinh tế hiện nay, Công ty của ông Cận 5 năm gần đây vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/năm, là doanh ngiệp hàng đầu của tỉnh về nộp ngân sách. Năm 2011 nộp 16.1 tỷ đồng, năm 2012 nộp 17.2 tỷ đồng, năm 2013 nộp 18,3 tỷ đồng. Ông Cận cho biết , mỗi năm ông đề ra một chuyên đề để làm công tác xã hội. Ví dụ năm 2013 là hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, năm 2014 là hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó.v.v… mỗi năm công ty đều dành khoảng 300 đến 400 triệu đồng để làm công tác xã hội.
Việc hỗ trợ làm nhà Tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ Vừ Thị Dính là sự hưởng ứng cuộc vận động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và chỉ đạo của Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Hà Giang.
Khi được hỏi công ty còn sẵn sàng đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam ? Ông Cận khẳng định ngay: “Mình làm doanh nghiệp nhưng lúc nào cũng có cái tâm đối với công tác xã hội, hỗ trợ cho gia đình liệt sĩ ngoài trách nhiệm, vinh dự còn là điều thiêng liêng nữa”.
Tối hôm nay, trước khi hoàn thành bài viết này, tôi được xem chương trình chiếu phim phóng sự “Liệt sĩ Trường sa”. Nhiều người xem chắc cũng như tôi đều không cầm được nước mắt khi thấy hình ảnh những người mẹ già vẫn mong mỏi nhớ con dù biết rằng xương thịt của con đã hòa vào biển cả mêng mông để giữ gìn chủ quyền Tổ quốc.
Tôi tự hỏi trên đất nước ta, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn bao bà mẹ liệt sĩ ngoài nỗi đau về tinh thần vì mất con lại còn chịu đựng nỗi nhọc nhằn thiếu thốn trong đời sống hàng ngày như mẹ liệt sĩ Vừ Thị Dính ở Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang.
Có căn nhà mới, chắc hẳn mẹ Dính và con cháu bớt đi phần nào khó khăn. Mong rằng có nhiều cán bộ như ông Cận và doanh nghiệp của ông chắc rằng chủ trương xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước ta sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn