Vận động thành lập Hội ở một số tinh Miền Trung
Nguyễn Văn Thuận
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ( 22/12/1944 – 22/12/2014), Trung tướng Lê Văn Hân – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và đoàn cán bộ Hội đã có chuyến “Tri ân liệt sĩ” tại tỉnh Quảng Trị và vận động thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ ở một số tỉnh miền Trung.
Tại Thanh Hóa:
Đồng chí Giám đốc và Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cùng hai đồng chí Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng Người có công đã làm việc với Đoàn.
Chủ tịch Hội giới thiệu nét khái quát về tình hình và nhiệm vụ, những bức xúc của công tác liệt sĩ hiện nay, những kết quả bước đầu về hoạt động tri ân liệt sĩ và phát triển Hội ở một số địa phương của Hội HTGĐLS Việt Nam.
Chủ tịch gợi ý sự cần thiết thành lập tổ chức Hội ở Thanh Hóa. Các đồng chí cán bộ của Sở LĐTB&XH đã thông báo một số tình hình về công tác liệt sĩ ở tỉnh nhà và việc xây dựng Hội.
Thanh Hóa là tỉnh đông dân đứng thứ 3 toàn quốc, đối tượng người có công (trong đó có gia đình liệt sĩ) nhiều. Thực tế công tác liệt sĩ của tỉnh đang có nhiều bức xúc, việc thành lập Hội là rất cần thiết. Công văn của Hội gửi lãnh đạo tỉnh đang được cơ quan chức năng xin ý kiến theo quy trình. Tỉnh Thanh Hóa cũng mong muốn được học tập, tham khảo kinh nghiệm thành lập Hội ở các địa phương, nhất là giai đoạn thành lập Ban Vận động, soạn thảo các văn bản.v.v..
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh nhấn mạnh: là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND về công tác liệt sĩ, Sở LĐTB&XH ủng hộ chủ trương thành lập Hội HTGĐLS ở Thanh Hóa và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Giai đoạn trước mắt, có thể nghiên cứu thành lập Chi hội ở Thanh Hóa
Tại Quảng Bình:
Đồng chí giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cùng các đồng chí Chánh Văn phòng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Người có công và đồng chí Phó giám đốc Sở Nội vụ đã làm việc với đoàn công tác. Sau khi nghe Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam đặt vấn đề, các đồng chí cán bộ của Hội trình bày một số vấn đề cụ thể và kinh nghiệm trong quy trình vận động thành lập Hội ở địa phương, đồng chí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình đã phát biểu ý kiến.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh rất quan tâm đến công tác chính sách, đặc biệt chăm lo tới công tác liệt sĩ. Là cơ quan tham mưu, Sở LĐTB&XH sẽ sớm báo cáo UBND tỉnh kết quả buổi làm việc hôm nay. Đề nghị Lãnh đạo Hội sớm gửi công văn và có tiếp xúc trực tiếp với Lãnh đạo tỉnh để trao đổi về việc này. Tỉnh Quảng Bình cũng mong muốn được học tập kinh nghiệm của các địa phương đã ra đời tổ chức Hội. Sau này khi đã hình thành Hội ở địa phương, những việc vượt quá khả năng ở tỉnh như giám định AND đề nghị Hội Trung ương giúp đỡ.
Tại Hà Tĩnh:
Đây là tỉnh đến sau cùng trong đợt công tác nhưng cũng là điểm nhấn để lại nhiều ấn tượng. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã bố trí thời gian tiếp đoàn. Cùng dự buổi làm việc có 2 đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy (Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban dân vận), đồng chí Phó Văn phòng Tỉnh ủy và một số cán bộ khác.
Chủ tịch Lê Văn Hân đã cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và cá nhân đồng chí Bí thư, đồng thời đặt vấn đề về việc thành lập Hội HTGĐLS ở tình nhà.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của một số cơ quan của tỉnh và Hội HTGĐLS Việt Nam, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh đã phát biểu nhấn mạnh một số nội dung và kết luận:
– Hà Tĩnh là tỉnh có đối tượng chính sách lớn, những người có công với cách mạng nhiều. Tình hình kinh tế – xã hội có nhiều khó khăn vì điểm xuất phát thấp; tuy vậy những năm gần đây, nhất là cuối nhiệm kỳ đại hội lần này các mặt phát triển của tỉnh đều có chuyển biến tích cực, đó là cơ sở để tỉnh thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách xã hội. Qua đặt vấn đề của đồng chí Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam, chúng tôi cho rằng Hội HTGĐLS ra đời đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân ta. Ra đời được Hội HTGĐLS là việc lo cho dân, là thiết thực đền ơn đáp nghĩa liệt sĩ. Tính chất hoạt động của Hội như vậy phải là hội đặc biệt, rất cần phải quan tâm. Trung ương đã có Hội, nhiều tỉnh đã có Hội. Hà Tĩnh nhất trí và “chấp hành” việc thành lập Hội. Tỉnh ủy sẽ quan tâm chỉ đạo để Hội sớm ra đời, sẽ tích cực huy động nguồn lực để Hội của tỉnh hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình giao nhiệm vụ:
– Các đồng chí Trưởng Ban Dân vận, Trưởng Ban Tuyên giáo, Văn phòng Tỉnh ủy phải tích cực chỉ đạo, đôn đốc làm sao sớm ra đời Hội ở Hà Tĩnh. Tôi đề nghị, đồng chí Trưởng Ban Dân vận, Trưởng Ban Tuyên giáo cần tham gia Ban Vận động.
Qua chuyến đi công tác ở 3 tỉnh miền Trung, nhất là buổi làm việc với đồng chí lãnh đạo cao nhất của Tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi nghĩ nhiều về phương pháp, bước đi để vận động xây dựng Hội HTGĐLS ở các địa phương, về vị trí, vai trò, ý nghĩa của sự quan tâm, sâu sát của người lãnh đạo đối với sự ra đời và hoạt động của một tổ chức xã hội mang đậm tính chính trị và nhân văn sâu sắc như Hội HTGĐLS. Bài học gì cần phải rút ra khi Hội HTGĐLS Việt Nam sắp bước vào Đại hội nhiệm kỳ II?