Tri ân biết mấy cho vừa
PHẠM XƯỞNG
Còn 20 phút nữa mới đến giờ khai mạc giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Sáng mãi tên anh” (tối 26-7-2015, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô Hà Nội) nhưng hội trường đã đông đủ. Nhộn nhịp nhất là ở những hàng ghế đầu – nơi mọi người đến thăm hỏi các Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Mẹ Hoàng Thị Khuê ở xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, 91 tuổi nhưng vẫn rất tinh anh. Sau khi hỏi thăm sức khỏe của mẹ, chúng tôi muốn mẹ nói chuyện qua về gia đình. Mẹ ân cần kể: “Cả nhà tham gia kháng chiến. Lúc còn son, hai vợ chồng hăng hái đi dân công hỏa tuyến, tải thương, tải đạn góp phần đánh giặc Pháp xâm lược. Sau chiến thắng Điện Biên mới sinh các con… Thế rồi lại chiến tranh. 4 người con trai đi bộ đội thì 2 người hy sinh ở chiến trường Cam-pu-chia…” Sau giây lát trầm mặc, mẹ nhìn chúng tôi, nói vui vẻ: “Cũng chẳng ngờ, bây giờ lại có dịp mặc áo đỏ đại thọ, đi xe của tỉnh, lên dự hội trung ương ở hội trường to đẹp thế này!”… Rồi mẹ cười dưới ánh điện sáng trưng, đẹp vô cùng.
Ở hàng ghế bên cạnh, Ông Nguyễn Chí Nghiêm, huyện ủy viên, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, sau khi đưa 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào chỗ ngồi dành cho các mẹ xong, mới quay ra hồ hởi với anh em báo chí: “Cũng may, Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ và các cơ quan thống nhất tổ chức giao lưu trước Ngày Thương binh liệt sĩ một hôm, nên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong diện mời ở huyện Lý Nhân đi dự được cả. 5 mẹ đều ở bậc đại thọ. Mẹ Phùng Thị Tiện 96 tuổi. Mẹ Nguyễn Thị Minh 95 tuổi. Mẹ Phạm Thị Ngà 94 tuổi. Mẹ Nguyễn Thị Hậu 93 tuổi. Mẹ Trần Thị Ngọt “trẻ nhất”… 90 tuổi! Chính vì thế, lãnh đạo Huyện coi việc đưa các mẹ ra Hà Nội lần này là nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm. Thành phần đưa các mẹ đi, ngoài số cán bộ chủ trì còn có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 điều dưỡng viên với đủ phương tiện y tế, thuốc chữa bệnh để chăm lo sức khỏe của các mẹ.
Các mẹ Việt Nam anh hùng trong đêm giao lưu
Sáng ngày 26-7, xe của huyện đến từng xã đón các mẹ. 13 giờ mẹ con cùng xuất phát từ Lý Nhân. Tới Hà Nội, tổ công tác khẩn trương đưa các mẹ về nghỉ ngơi tại nhà khách 299 / Số 145, phố Trích Sài. Buổi tối đưa các mẹ đến Hội trường chính của Cung Lao động Hữu nghị Việt xô, kịp dự giao lưu.
Sáng ngày 27, các mẹ thăm lăng và viếng Bác Hồ; chiều lại có mặt ở huyện Lý Nhân để dự Lễ cầu siêu và khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Văn Lý. Ông Nghiêm nói rất tâm đắc: “Việc bảo đảm ăn uống, sinh hoạt tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho các mẹ được coi trọng hàng đầu, thực hiện rất chu tất. Đây là yếu tố quan trong nhất để chuyến đi thành công”.
Không chỉ riêng đoàn của huyện Lý Nhân mà các đoàn khác đưa các mẹ về dự giao lưu lần này cũng đều rất tươm tất. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy phụ trách của các đoàn đều chung cảm nghĩ: Các mẹ đã hy sinh rất lớn lao cho Tổ quốc và dân tộc, giờ lại đều như chuối chín cây. Hỏi rằng, tri ân biết mấy cho vừa! Từng ngày từng tháng, nếu không tập trung chăm sóc các mẹ, thì sẽ không tránh khỏi đến lúc ăn năn cũng muộn mất rồi!
Kết thúc giao lưu, nhiều người còn nán lại để được ngắm các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có tiếng ai khe khẽ: “Hát về những người mẹ Việt Nam. Hát về những người mẹ anh hùng…”.