Dự Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp tại Thái Bình
Phạm Văn Phủng
Sáng 20 tháng 11 năm 2015 tại xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong không khí trang nghiêm, xúc động, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các ban ngành, đoàn thể chính trị, chính trị xã hội đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Đoàn cán bộ Hội HTGĐLS Việt Nam thắp hương trước bàn thờ liệt sĩ
Với lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sĩ, đồng chí Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội cùng các đồng chí đại diện cơ quan Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam đã về dâng hương, đặt vòng hoa kính viếng 254 liệt sĩ xã Thụy Quỳnh và xúc động bỏ nắm đất xuống phần mộ trong Lễ an táng liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp sinh năm 1922 tại xã An Thọ, huyện Thụy Anh, nay là xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Sinh ra ở một vùng quê nghèo, sớm có phong trào cách mạng, dưới chế độ thực dân phong kiến, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt… đã giúp cho anh thanh niên Nguyễn Văn Thiệp sớm giác ngộ cách mạng, với đức tính kiên nghị, giản dị, cần cù chịu thương, chịu khó, tác phong nhanh nhẹn tháo vát. Những năm còn ở quê, anh Thiệp tích cực tham gia phong trào thanh niên vận động xóa nạn mù chữ, chống mê tín dị đoan trong thôn xóm… Ngày 18 tháng 8 năm 1947 người con ưu tú của xã Thụy Quỳnh năm đó xung phong nhập ngũ, vào đơn vị đại đội 63, tỉnh đội Thái Bình, để lại quê nhà người vợ trẻ và người con gái nhỏ. Đồng chí được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, ngay sau một năm nhập ngũ và được giao chức vụ Trung đội trưởng.
Trong những tháng năm chiến đấu gian khổ, ác liệt chống lại thực dân Pháp, đồng chí đã chỉ huy chiến đấu nhiều trận ngay trên quê hương Thái Bình, trong đó có trận đánh tiêu biểu, không cân sức (mà người Pháp gọi trận đánh đó là trận Măng Đa Rin) tại thôn Chỉ Thiện, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Ninh…
Chiến tranh ngày càng ác liệt, vợ, con, gia đình, bạn bè ngày ngày mong ngóng người thân qua từng trận đánh… Gia đình nội ngoại đều bàng hoàng khi nhận được giấy báo:
Đồng chí Nguyễn Văn Thiệp đã hy sỉnh anh dũng trong trận đánh địch ngày 30 tháng 3 năm 1952 tại thôn Chỉ Thiện, huyện Thái Ninh, nay thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đồng chí ra đi để lại người vợ hiền và một người con gái nhỏ còn thơ dại. Thi hài liệt sĩ lúc đó được an táng tại thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Chiến tranh kết thúc, kinh tế đất nước và gia đình còn nhiều khó khăn. Nhưng với tấm lòng biết ơn người đã khuất, anh, em, nội, ngoại, vợ cùng con cháu đã nhiều lần tìm đến các nghĩa trang tại chiến trường xưa với mong mỏi tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp… Nhưng địa hình địa vật chiến trường xưa đã thay đổi rất nhiều. Các nhân chứng, đồng đội người còn, người mất… do đó việc tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ gặp muôn vàn khó khăn.
Tuy gia đình đã nhờ nhiều phương tiện thông tin đại chúng, các cấp chính quyền, đồng chí, đồng đội của liệt sĩ giúp đỡ trong việc tìm thông tin mộ liệt sĩ, nhưng vẫn gần như “bặt vô âm tín”… Sau 60 năm tìm kiếm, người vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp hàng ngày đau đáu ngóng trông, hy vọng đưa được mộ chồng về quê… Thời gian cứ trôi đi, người vợ mỏi mòn cũng đã ra đi, không đợi được ngày tìm thấy hài cốt của chồng mình…
Với tấm lòng thương nhớ và biết ơn, con và các cháu nội, ngoại của liệt sĩ lại tiếp nối đi tìm. Mãi đến năm 2013, gia đình mới tìm được thông tin của người dân thôn Bích Du, xã Thái Thượng chỉ dẫn đến ngôi mộ do chính họ chôn cất… Gia đình đã làm đơn đề nghị Phòng Lao động TBXH huyện Thái Thụy, Sở Lao động TBXH tỉnh Thái Bình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam giúp đỡ. Chính quyền địa phương xã Thái Thượng tạo điều kiện để gia đình được khai quật ngôi mộ lấy mẫu hài cốt đưa đi giám định AND. Ngày 06/01/2014 gia đình đưa mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm đến Hội HTGĐLS Việt Nam. Hội tiếp nhận, hỗ trợ kinh phí giám định. Ngày 04/6/2014 Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giám định và xác nhận: DNA tách từ mẫu hài cốt có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với DNA tách từ mẫu sinh phẩm của bà Lê Thị Quệt là con chị gái (cháu gọi liệt sĩ bằng cậu) của liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp.
Phát biểu trong Lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp, ông Nguyễn Văn Nuôi, cháu liệt sĩ, đại diện gia đình trân trọng cảm ơn các cơ quan, các địa phương , Hội HTGĐLS Việt Nam và Viện Công nghệ sinh học Việt Nam đã nhiệt tình giúp đỡ để gia đình tìm và đưa được liệt sĩ Nguyễn Văn Thiệp về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thụy Quỳnh, thực hiện được tâm nguyện của gia đình sau 63 năm mong đợi.