Trở về quê nhà sau hơn 40 năm
Quý Hoàng
Mới gần 7 giờ sáng ngày 07 tháng 6 năm 2016, con đường đổ về nhà số 6, ngõ Yên Ninh, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên. Chúng tôi thấy các cháu thiếu nhi trong bộ trang phục Đội thiếu niên cùng cờ, hoa, kèn trống đứng chỉnh tề từ đầu ngõ; các nam nữ thanh niên tình nguyện, các “nam phụ, lão ấu” ở địa phương và các CCB của Quân khu Trị Thiên, CCB Trung đoàn 101 (Sư đoàn 1) đều có mặt đông đủ. Nét mặt ai cũng xúc động bởi sau hơn 40 năm, liệt sĩ Hoàng Văn Đáp được trở về quê nhà.
Liệt sĩ Hoàng Văn Đáp, sinh năm 1937 trong gia đình nông dân nghèo tại xã Sơn Đông, huyện LậpThạch, tỉnh Vĩnh Phú. Trú quán tại xã Minh Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Bố mất sớm, khi ông lên 5 tuổi, hai mẹ con đã phải “tha phương, cầu thực” lên xã Hợp Hòa, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đi ở, làm thuê, buôn thúng, bán mẹt, rau cháo qua ngày. Lớn lên trong tình thương và sự nuôi dạy của mẹ, lại trải qua lao động vất vả, lam lũ, ông thành “người lớn” trước tuổi. Năm 1954 Hoàng Văn Đáp tham gia thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tham gia công tác đoàn thanh niên, là thanh niên ưu tú của địa phương nên năm 1964, ông sớm được kết nạp vào Đảng.
Thực hiện chủ trương xây dựng công trình Thủy điện Thác Bà (từ 1965 đến tháng 6-1968), ông cùng với lãnh đạo địa phương vận động gia đình cùng bà con, lối xóm đi xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Minh Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, là chi ủy viên chi bộ Minh Đông, là Xã đội trưởng và uỷ viên Ban Quản trị Hợp tác xã. Tháng 6 năm 1968, ông tình nguyện nhập ngũ khi đã ở tuổi 31. Sau 6 tháng huấn luyện, cuối tháng 1-1969 ông lên đường vào Nam chiến đấu, thuộc biên chế Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 101, Sư đoàn 1, miền Đông Nam Bộ. Trong trận chiến đấu diệt xe tăng Mỹ tại lộ 13, Hớn Quản, (Bình Long) ngày 12 – 8 -1969, Trung sĩ ,Tiểu đội phó Hoàng Văn Đáp đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh.
Ông có 5 người con. Lúc ông nhập ngũ, con gái lớn mới 11 tuổi, con gái út còn nằm trong bụng mẹ, bố con chưa biết mặt nhau. Ở nhà vợ ông làm nông nghiệp, nuôi mẹ già và 5 đứa con ăn học, khi được hung tin ông mất, bà sống cùng với những năm tháng đau thương khóc chồng, sức khoẻ của bà yếu dần rồi sinh bệnh ốm đau, từ năm 1984 bà bị mù cả 2 mắt. Không thể chờ đón được hài cốt của chồng về quê, năm 1996 bà đã về với tổ tiên ở tuổi 64. Mẹ ông là cụ Mai Thị Thi sinh năm 1901, năm 2002 cụ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, năm 2007 cụ mất, thọ 107 tuổi.Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng cụ vẫn khoắc khoải, trăng trối dặn các cháu: “Phải tìm được bố chúng mày về”.
Sau nhiều năm tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ Hoàng Văn Đáp, với khát vọng cháy bỏng đón bố về, từ năm 2001 các con ông đã khởi đầu hành trình cuộc tìm kiếm đầy gian nan, vất vả, có những lúc tưởng như hết hy vọng. Nhiều lần vào Tây Ninh, Bình Phước, tìm kiếm bằng nhiều nguồn tin khác nhau, trên mạng Iternet, chương trình “Nhắn tìm đồng đội”, “Trở về từ ký ức”, Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Marin Hà Nội . Có lúc nhờ ngoại cảm đã nhận nhầm mộ…Song được sự giúp đỡ tận tình của Các cơ quan, đơn vị: Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh Yên Bái, Tây Ninh, Bình Phước; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Yên Bái; huyện Châu Thành, huyện Bình Long; Quân đoàn 4; Cục Chính sách-Tổng cục Chính trị; Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, các CCB là đồng đội cùng thời với liệt sĩ, các cụ già làng ở xã Tân Khai huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước; đặc biệt là Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Việt Nam đã giám định gien ADN mẫu hài cốt liệt sĩ với mẫu hài cốt của cụ bà Mai Thị Thi để tìm ra hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Đáp trong nhiều ngôi mộ còn thiếu thông tin liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Bình Long, tỉnh Bình Phước. Sau khi vượt muôn vàn khó khăn và chặng đường hơn 2000 km, con cháu liệt sĩ đã đón ông về với gia đình trong niềm vui không tả xiết của gia đình, người thân, bạn bè đồng đội của liệt sĩ và bà con làng xóm, chính quyền địa phương.
Chị Hoàng Thị Loan, con gái liệt sĩ xúc động cho biết, mấy anh chị em vô cùng biết ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương và đồng đội của bố; cảm ơn Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có chủ trương kết hợp với các cơ quan khoa học giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ. Hy vọng sẽ có nhiều gia đình liệt sĩ tìm được tên tuổi của liệt sĩ qua “kênh” giám định này.