Củ Chi “Đất thép” – tình người
Tiếp tục hành trình chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam và miền Trung; ngay sau khi đến huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn cán bộ của chương trình “Sâu nặng ân tình” do Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam, Trưởng ban tổ chức chương trình – Trưởng đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo Sở LĐ, TB & XH thành phố Hồ Chí Minh và đại diện chính quyền huyện Củ Chi đón tiếp và thực hiện Lễ dương hương tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi. Trong tiếng nhạc trầm hùng “Chiêu hồn tử sĩ”, Đoàn cán bộ và đại biểu lãnh đạo địa phương đã để một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những nén nhang thơm được các thành viên trong đoàn thắp lên tại mộ phần của các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Thật cảm động khi Trung tướng Lê Văn Hân gặp và thăm hỏi bà Bùi Thị Nguyên, 72 tuổi đang đặt lễ, thắp hương cho em trai là liệt sĩ Bùi Văn Đực, sinh năm 1948 tại thôn Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, hy sinh ngày 1 tháng 8 năm 1970 và mộ phần của người chú ruột kề bên là liệt sĩ Bùi Văn Ba, sinh 1939, hy sinh ngày 10 tháng 2 năm 1968. Bà Nguyên xúc động nói với Trung tướng Lê Văn Hân và anh em trong đoàn: “Bà nội của tôi là Hồ Thị Dẹp và mẹ tôi là Đào Thị Xậm đều được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng. Chỉ tiếc rằng sau khi mẹ tôi mất, Nhà nước mới truy tặng danh hiệu cao quý này. Vì thế mẹ tôi không được chứng kiến niềm vinh dự tự hào do Nhà nước tôn vinh”. Trung tướng Lê Văn Hân cùng đoàn cán bộ đã thắp hương cho liệt sĩ Bùi Văn Đực và liệt sĩ Bùi Văn Ba, tặng quà bà Bùi Thị Nguyên. Xúc động trước tình cảm của Ban tổ chức Chương trình “Sâu nặng ân tình”, bà Nguyên nói: “Bây giờ gia đình tôi chỉ còn một mình, hiện nay tôi ở với con cháu, đời sống cũng không thiếu thốn nữa, mong Hội HTGĐLS Việt Nam quan tâm đến nhiều gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi”. Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi được xây dựng quy mô hoành tráng, các mộ phần của các anh hùng liệt sĩ được lát đá xanh đen thống nhất theo từng lô, ở giữa nghĩa trang là con đường rộng đi lên Đài Tổ quốc ghi công; hai bên đường là hàng hoa đại đang nở hoa thơm ngát, xung quanh nghĩa trang là các hàng cây cổ thụ phủ bóng mát nơi yên nghỉ của 8.100 liệt sĩ, trong đó còn 2.727 liệt sĩ chưa xác định được tên.
Rời Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi trong ánh nắng ban mai đầu mùa, Đoàn công tác trở về Hội trường của xã An Nhơn Tây để gặp mặt và tặng quà cho 50 gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn của 3 xã: An Phú, An Phú Tây và Phú Mỹ Hưng, lòng chúng tôi bồi hồi xúc động nhớ tới những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Mảnh đất Củ Chi được mệnh danh là vùng “Đất thép”, được cả nước và thế giới biết đến. Là nơi có hệ thống địa đạo nổi tiếng và có Đền tưởng niệm Bến Được. Tên tuổi của đội du kích Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ là phẩm giá sáng ngời của phụ nữ Việt Nam mà còn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên thế giới. Khi đoàn đến nơi tổ chức cuộc gặp mặt các gia đình liệt sĩ, được các đồng chí lãnh đạo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cùng chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình liệt sĩ đón tiếp chân tình, cởi mở với tình cảm và ánh mắt thân thương như người thân đi xa trở về nhà. Mọi công tác tổ chức buổi gặp mặt được Ban tổ chức chuẩn bị rất chu đáo và nhanh gọn. Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam, Trưởng đoàn đã phát biểu nêu bật ý nghĩa của Chương trình “Sâu nặng ân tình” do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương và Báo Cựu Chiến binh tổ chức trong năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017) nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh là một trong 4 địa phương được Ban tổ chức chương trình”Sâu nặng ân tình” đến để tri ân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng chí đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân huyện Củ Chi trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Đền ơn đáp nghĩa”. Thay mặt lãnh đạo huyện Củ Chi, ông Trần Văn Cành phát biểu cảm ơn Ban Tổ chức Chương trình “Sâu nặng ân tình” và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã quan tâm đến các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Củ Chi. Theo đồng chí, đây là nguồn động viên to lớn để cán bộ và nhân dân huyện Củ Chi phấn đấu, xây dựng Củ Chi giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng của địa phương. Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTRGĐLS Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương Giang, đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương, Đại tá Nguyễn Duy Tường, Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo huyện Củ Chi trao tăng 48 suất quà cho các thân nhân gia đình liệt sĩ (mỗi suất quà trị giá 2.000.000 đồng). Cùng ngày đoàn cán bộ Ban tổ chức chương trình” Sâu nặng ân tình” đã đến thăm hỏi và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phải, 103 tuổi tại Ấp Bến Mương, xã An Nhơn Tây và mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phơi 88 tuổi, ở xóm Ấp Trại, xã An Nhơn Tây. Các mẹ và gia đình đều khỏe mạnh và cảm ơn sự quan tâm và những tình cảm của Đoàn dành cho các mẹ và gia đình.
Tin và bài: Phan Sỹ Thao