Lễ đón và an táng liệt sĩ Đào Như Ý
Phan Sỹ Thao
Sáng ngày 8 tháng 8 năm 2017, Đảng ủy, Hội Đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc phường Phú Lương, Quận Hà Đông, Hà Nội cùng gia đình, dòng họ Đào Như, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam, Ban liên lạc CCB Quân khu Trị Thiên, Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cùng các tướng lĩnh, đồng đội và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ đón hài cốt và an táng liệt sĩ Đào Như Ý tại nghĩa trang liệt sĩ phường Phú Thượng, Hà Đông, Hà Nội sau 48 năm xa quê, nay được yên nghỉ vĩnh hằng tại quê nhà.
Tới dự có Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam – Trưởng ban Liên lạc CCB Quân khu Trị Thiên, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, Nguyên UVTWĐảng, Nguyên Tư lệnh Quân khu 3, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân đoàn 4- Giám đốc Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ phía Nam- Hội HTGĐLS Việt Nam; Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 209, sư đoàn 7, quân đoàn 4, các tướng lĩnh và đồng đội tới dự lễ an táng liệt sĩ Đào Như Ý. Về phía địa phương, có các ông Đặng Đình Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Nguyễn Quang Hợp ủy viên Thường vụ, Chủ tịch HĐND, ông Đinh Xuân Vinh, UVTV, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, ông Dương Ngọc Thảo Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND phường Cùng đại biểu các ban ngành, đoàn thể, nhân dân phường Phú Lương, Quận Hà Đông. Đúng 9h00 lễ viếng liệt sĩ Đào Như Ý được cử hành trong tiếng nhạc trầm hùng chiêu hồn tử sĩ của đoàn quân nhạc. Hài cốt liệt sĩ Đào Như Ý được phủ Quốc kỳ, đứng hai bên là Các Cựu chiến binh với quân phục trắng trang nghiêm và gần gũi với đồng chí của mình. Lần lượt các đoàn vào viếng trong tiếng khóc thương nhớ, nghẹn ngào của người thân, đồng đội và nhân dân.
Liệt sĩ Đào Như Ý, sinh năm 1948 tại xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là phường Phú Lương, Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình nghèo làm nghề nông nghiệp. Bố liệt sĩ là cụ Đào Như Ái, mẹ là bà Nguyễn Thị Cuốn, hai cụ sinh được 5 người con trai, liệt sĩ Đào Như Ý là con trai đầu. Tháng 8 năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng trăm các chàng trai của xã Phú Lương lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó có chàng trai Đào Như Ý. Với ý chí kiên cường và tinh thần chiến đấu anh dũng chỉ hơn một năm từ ngày nhập ngũ, Đào Như Ý được bổ nhiệm qua các chức vụ cán bộ tiểu đội, trung đội và Chính trị viên phó Đại đội, Đại đội phó Đại đội 10, tiểu đoàn 8, trung đoàn 209, sư đoàn 7, Quân giải phóng miền Nam. Trong một lần Đào Như Ý cùng anh em đi trinh sát, nắm địch mới đổ bộ xuống nhằm tiêu diệt một căn cứ của ta thì bị địch phục kích bất ngờ, một số anh em hy sinh, đồng chí Ý bị thương, đến ngày hôm sau có đôi vợ chồng sống ở làng Mười,huyện Lộc Ninh đến và phát hiện thì đồng chí Đào Như Ý đã hy sinh. Sau đó vợ chồng người này đã chôn cất đồng chí Ý cùng các anh em tại làng Mười. Do chiến tranh, thông tin bị thất lạc, sau 46 năm, từ các thông tin của đồng đội và sự giúp đỡ của đôi vợ chồng năm xưa đã chôn cất đồng chí Ý, năm 2015, gia đình và đồng đội đã tìm được hài cốt liệt sĩ Đào Như Ý để đồng chí được trở về yên nghỉ tại quê nhà hôm nay. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho biết: do tắc nghẽn thông tin vào những năm 1974,1975 nên đã có thông tin làm sai lệnh về liệt sĩ Đào Như Ý , bởi vậy đến năm 2015 liệt sĩ Đào Như Ý mới được công nhận là liệt sĩ. Đưa anh về hôm nay để giải oan cho anh và cho gia đình, khiến chúng tôi và mọi người không khỏi ngậm ngùi.
Tại lễ an táng, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Trưởng ban Liên lạc CCB Quân khu Trị Thiên đã trân trọng trao cho thân nhân liệt sĩ Đào Như Ý kỷ niệm chương CCB Quân khu Trị Thiên.