Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình thành lập các Chi Hội
Chúng tôi về quê hương Thái Thụy, Thái Bình trong buổi chiều sắc nắng mùa thu rực rỡ cờ, hoa chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng 9. Việc đầu tiên chúng tôi tham gia cùng với Ban tổ chức đại hội thành lập Chi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (sau đây gọi là Chi Hội) huyện Thái Thụy là lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ huyện và tới thăm, dâng hương tưởng nhớ người cộng sản bất khuất, kiên trung Nguyễn Đức Cảnh tại khu di tích quê nhà. Thái Thụy rất tự hào bởi trong dòng chảy lịch sử đầy vinh quang của dân tộc có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ và quân dân quê hương. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và ác liệt, Thái Thụy đã có hàng nghìn lượt thanh niên hăng hái tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường trong nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Thái Thụy cũng là hậu phương thực hiện “thóc thừa cân, quân vượt mức” thể hiện sinh động sự gắn bó máu thịt của hậu phương đối với tuyền tuyến lớn anh hùng. Tự hào l;à quê hương với bài ca 5 tấn, 10 tấn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 23 xã được trong huyện được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 25 đồng chí được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 5 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Thái Thụy là huyện Anh hùng LLVTND. Tuy vậy, đằng sau niềm vinh dự tự hào là những đau thương mất mát, toàn huyện hiện có 7.374 liệt sĩ, đến nay có đến 50 % chưa tìm được mộ hoặc chưa xác định được danh tính liệt sĩ; trên 7.000 thương, bệnh binh (hiện còn trên 2.000 người); hơn 3.000 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam-dioxin, có gia đình bị di chứng chất độc hóa học đến ba thế hệ, cả nhà bị thiểu năng trí tuệ, không thể tự nuôi thân. Toàn huyện có 1.066 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện nay còn 37 mẹ; hơn 3.000 thanh niên xung phong, trong đó nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật v.v.. do hậu quả chiến tranh để lại. Mặc dù Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện với quyết tâm chính trị và trách nhiệm rất cao trong thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công và phong trào toàn dân thực hiện “ Đền ơn đáp nghĩa” . Trước tình hình thực tiễn đó, “Sự ra đời của Chi Hội HTGĐLS là sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, một việc làm vô cùng cấp thiết, góp phần nâng cao hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với Người có công với cách mạng trong tình hình mới” – Đồng chí Nguyễn Duy Cam, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết.
Đúng 9h00 ngày 27/8/2017, Đại hội thành lập Chi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Thái Thụy chính thức được khai mạc. Dự đại hội có Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam và là người con của quê hương Thụy Văn, Thái Thụy cùng đoàn cán bộ Hội HTGĐLS Việt Nam. Ông Hà Công Toàn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, ông Nguyễn Quang Hưng Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, ông Phan Đình Dực,Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí Phó bí thư huyện ủy, phó Chủ tịch UBND huyện, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể chính trị xã hội, đồng chí Đào Minh Mẫn, Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh Thái Bình. Tham dự có các đồng chí Chủ tịch UBND các xã trong huyện, đại biểu các mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ và trên 50 Hội viên Hội HTGĐLSVN cùng phóng viên báo chí Trung ương và địa phương tới dự.
Sau lễ chào cờ, các đại biểu đã giành một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho độc lập tự do của Tổ quốc. Đại hội đã nghe đọc Quyết định Số 41/QĐ-HTGĐLS ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh Thái Bình về việc thành lập Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, sau đó đồng chí Đào Trọng Tông đọc báo cáo quá trình tổ chức vận động thành lập Chi hội và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017-2022. Với chủ đề đại hội là “ Đoàn kết -Nghĩa tình – Tri ân liệt sĩ” báo cáo đã nêu bật công tác vận động, tuyên truyền thành lập Chi hội của Ban vận động lâm thời và các kết quả bước đầu trong hoạt động tri ân liệt sĩ kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ năm nay. Báo cáo nêu 5 nội dung phương hướng và 5 nhiệm vụ cụ thể cùng các giải pháp thực hiện, tập trung vào việc tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho hội viên, làm tốt công tác phối hợp có hiệu quả với các cơ quan, tổ chức có liên quan để kết nối thông tin về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, hỗ trợ, tư vấn có hiệu quả đối với thân nhân liệt sĩ trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Phát biểu với Đại Hội, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam đã cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo huyện, cũng như các cấp, các ngành trong toàn tỉnh để Chi hội được thành lập. Sau khi thông tin một số tình hình về công tác liệt sĩ trong toàn quốc, đồng chí nêu một số vấn đề mà Chi hội cần quan tâm thực hiện; trong đó phải làm tốt công tác phối hợp với Phòng lao động thương binh&xã hội, Ban chỉ huyquân sự, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh v.v…để tổ chức hoạt động tri ân liệt sĩ thiết thực và hiệu quả; một trong những vấn đề cần thiết là phải xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình trong huyện để triển khai thực hiện. Thay mặt huyện ủy, UBND huyện đồng chí Nguyễn Duy Cam, Phó chủ tịch UBND huyện đã phát biểu, biểu dương những nỗ lực cố gắng trong công tác vận động thành lập Hội và các nội dung mà đại hội bàn bạc và quyết nghị. Đồng chí đề nghị, sau đại hội cần sớm ổn định tổ chức hoạt động của Ban chấp hành, xây dựng quy chế hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính sách người có công và các nhiệm vụ chính trị địa phương để đề ra nhiệm vụ sát hợp và thiết thực, góp phần cùng cấp ủy, chínhh quyền địa phương thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng. Đại hội đã tiến hành bầu Ban chấp hành gồm 11 đồng chí, đồng chí Đào Trọng Tông được đại hội bầu làm Chi hội trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Hải được bầu làm Chi hội phó. Đại hội cũng thảo luận và thông qua Quy chế hoạt động và Nghị quyết đại hội. Đại hội lần thứ nhất Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Thái Thụy đã thành công tốt đẹp.
Trước đó, sáng 26/7/2017, huyện Quỳnh Phụ cũng đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất Chi hội Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ; tới dự đại hội có các đồng chí huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ và đại biểu các đoàn thể chính trị xã hội, các cấp chính quyền, đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng, các thân nhân gia đình liệt sĩ và 36 Hội viên Hội HTGĐLS Việt Nam. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Quỳnh Phụ đã có hàng vạn người con lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, gần 7.000 người con ưu tú của quê hương Quỳnh Phụ đã hy sinh, trong số đó liệt sĩ được quy tập về địa phương là 1.800 liệt sĩ, số liệt sĩ có đủ thông tịn nhưng chưa có điều kiện đưa về địa phương là 718 liệt sĩ, số chưa biết thông tin là hơn 4.000 liệt sĩ. Đây là công việc khó khăn, là nỗi băn khoăn day dứt của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, các cấp nói chung và Đảng bộ, nhân dân huyện Quỳnh Phụ nói riêng. Những tháng vừa qua, tuy chỉ mới thành lập Ban vận động thành lập chi hội, nhưng Ban vận động đã triển khai các hoạt động thiết thực hiệu quả: Ban đã đẩy mạnh công tác vận động tài trợ với số tiền hàng chục triệu đồng để tặng 5 sổ tiết kiệm cho 5 gia đình liệt sĩ (mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng), tặng 30 xuất quà cho gia đình liệt sĩ, tổ chức 2 đợt cho 15 gia đình thân nhân liệt sĩ và gần 200 cán bộ, chiến sĩ, thương, bệnh binh vào thăm viếng liệt sĩ tại thành cổ Quảng Trị và các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị v.v..Những kết quả hoạt động tri ân vừa qua chỉ là kết quả bước đầu đáng ghi nhận để chi hội tiếp tục làm tốt hơn nữa các hoạt động tri ân liệt sĩ.
Đại Hội đã bầu Ban chấp hành Chi Hội, Ông Đoàn Hồng Hải, được đại hội bầu làm Chi Hội trưởng, có 3 Chi hội phó, trong đó có Đại đức Thích Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo huyện Quỳnh Phụ.
Bài và ảnh: Phan Sỹ Thao