Năm 2020, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (Hội) bước vào tuổi ten thứ 10. Mười năm ấy là cả một chặng đường gian nan vất vả, từ những ngày đầu thành lập với hai bàn tay trắng, được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Hội đã nỗ lực hoạt động nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sĩ về thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định ADN xác định hàì cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; huy động các nguồn lực từ xã hội để tri ân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn v.v…Đến nay, Hội đã có bước tiến đáng kể với nhiều thành tích đáng tự hào trong sự nghiệp Tri ân liệt sĩ. Góp phần tích cực cùng toàn đảng, toàn quân và toàn dân nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, tri ân các anh hùng liệt sĩ – Những người con bất tử của dân tộc.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm cơ quan Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam
Trong công tác hỗ trợ thông tìn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Hội đã thực hiện tốt Đề án 1237 (Quyết định 1237/QĐ-TTg) của Chính phủ: “Tiếp tục tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Hội đã chủ động thu thập, hỗ trợ thông tin liệt sĩ: thông báo thông tin hơn 115 ngàn liệt sĩ lên trang Web trianlietsi.vn và Tạp chí điện tử Tri Ân của Hội và liên kết cùng các báo, đài, trang Web khác. Tiếp nhận và thụ lý 20.250 hồ sơ liệt sĩ. Tư vấn và hỗ trợ hơn 20 ngàn gia đình liệt sĩ (GĐLS) tìm kiếm hài cốt người thân. Kết quả đã có hơn 200 gia đình xác định được hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.
Trong việc giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Hội đã tư vấn, hỗ trợ miễn phí và gửi 915 trường hợp làm giám định ADN (mỗi trường hợp phải gửi 2 mẫu sinh phẩm (MSP) của hài cốt liệt sĩ và MSP của thân nhân). Đã có 653 trường hợp có kết quả, trong đó xác định đúng danh tính 454 liệt sĩ (đạt tỷ lệ gần 70%). Đã tổ chức 32 lần trao kết quả đúng cho các GĐLS. Năm 2013, Hội được Bộ LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ lấy MSP thân nhân liệt sĩ Mặt trận 31 (Đây là những chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng được quy tập vào nghĩa trang Hữu nghị Việt Lào ở Anh Sơn, Nghệ An nhưng chưa xác định được danh tính) để giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ. Sau gần một năm tập trung cho nhiệm vụ này, Hội đã kết hợp với Ban liên lạc Mặt trận 31, Viện Pháp Y Quân đội cùng các cơ quan chức năng ở 36 tỉnh, thành phố thu thập được 1.050 trên tổng số 1.085 MSP cần lấy, đạt 96,7%.
Từ cuối 2014 đến nay, Hội được Ban chỉ đạo Đề án 150 của Chính phủ và Bộ LĐTBXH giao nhiệm vụ tham gia Đề án tròn khâu từng nhóm mộ, Hội đã tiến hành khảo sát, lập kế hoạch và trực tiếp đi khai quật 11 đợt tại 9 nghĩa trang liệt sĩ ở Hương Thủy, Hương Trà (TT-Huế), Ba Dốc (Quảng Bình), Đường 9, Hướng Hoá, Gio Linh (Quảng Trị). Hà Tiên (Kiên Giang), Long Khánh ( Đồng Nai) , Thăng Bình ( Quảng Nam ) Kết quả: Đã khai quật 278 mộ lấy mẫu hài cốt liệt sĩ đồng thời đi đến hầu hết các tỉnh, thành phố lấy gần 1.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Tính chung, 10 năm qua Hội đã gửi 915 trường hợp đến các cơ sở khoa học mà Hội đã ký hợp đồng làm giám định ADN. Đã có kết quả 653 trong đó xác định đúng danh tính 454 liệt sĩ; đã tổ chức 32 lần trao kết quả đúng cho các GĐLS.
Hoạt động hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ đã có nhiều kết quả tích cực, thực sự đem lại niềm tin cho các GĐLS và các đồng đội, góp phần dẹp đi vấn nạn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp mê tín dị đoan.
Hội đã tích cực hỗ trợ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ, các tổ chức của Hội đã hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm, cất bốc và di chuyển gần 700 hài cốt liệt sĩ từ các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và ở nhiều chiến trường khác nhau về quê hương.
Thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động tri ân liệt sĩ, trong những năm qua Hội đã tích cực vận động, kêu gọi các đơn vị, cơ quan,doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ kinh phí tri ân liệt sĩ, đặc biệt là hỗ trợ các GĐLS có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến giữa năm 2019, Hội đã: Tặng 300 nhà tình nghĩa (mỗi nhà trị giá 60 triệu đồng), Hỗ trợ kinh phí sửa chữa 40 nhà (mỗi nhà trị giá khoảng 40 triệu đồng), Tặng 1.449 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng), 317 suất học bổng cho các con, cháu liệt sĩ nghèo vượt khó (mỗi sổ 2 triệu đồng) và hơn 21 ngàn suất quà cho các GĐLS và Mẹ Việt Nam Anh hùng ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 15.914 lượt đối tượng chính sách. Tổng kinh phí hỗ trợ tri ân liệt sĩ 9 năm qua đạt trên 80 tỷ đồng.
Trong việc Hỗ trợ việc hoàn thiện và thực hiện chính sách ưu đãi đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, ngay từ năm 2011, Hội đã chủ động tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực trạng về thân nhân liệt sĩ. Từ kết quả khảo sát, Hội đã có văn bản kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng bổ sung sửa đối một số chính sách ưu đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Kiến nghị của Hội đã được các cơ quan Nhà nước tiếp thu và đồng tình, ủng hộ.
Năm 2013, Hội được Ban chỉ đạo Nhà nước về Tổng rà soát (TRS) việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, phân công cho Hội phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tham gia TRS đối tượng là liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Hội đã cùng Hội LHPN Việt Nam tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao.
Trong công tác tuyên truyền tri ân liệt sĩ, Hội đã phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền “Tri ân liệt sĩ” nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ trong năm của dân tộc của đất nước nhất là dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12. Hội đã xuất bản 7 đầu sách về đề tài liệt sĩ và tri ân liệt sĩ trong đó có những cuốn như: “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam”, “Màu hoa đỏ”, “Dòng sông tri ân”, “Nặng nghĩa ân tình” v.v.. được phát hành rộng rãi tới bạn đọc trong cả nước.
Hội đã phối hợp tốt với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 tổ chức thành công 8 Chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ từ năm 2012 đến 2019. Tổng số tiền qua tin nhắn hơn 4 tỷ đồng đã được hỗ trợ các gia đình liệt sĩ giám định ADN xác định danh tín liệt sĩ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua nhắn tin làm cho mọi người dân Việt Nam nhất là thế hệ trẻ nêu cao đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” .
Trang Website trianlietsi.vn của Hội được duy trì đều đặn, cấp nhật với nhiều nội dung phong phú: Hơn 5.000 tin bài được đăng tải; thường xuyên cập nhật các chính sách mới của Đảng, Nhà nước về liệt sĩ. Đăng tải trên 100 ngàn lượt thông tin liệt sĩ và nhắn tìm thân nhân liệt sỹ. Đến nay đã có trên 22 triệu lượt người thuộc hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ truy cập. Đông đảo bạn đọc quan tâm tra cứu chuyên mục Tìm kiếm liệt sĩ hàng ngày. Website của Hội đã thực sự phát huy tác dụng là cầu nối tích cực giữa Hội với các thân nhân liệt sỹ và những người quan tâm tới vấn đề liệt sĩ. Tạp chí điện tử TriÂn chính thức là cơ quan báo chí của Hội, mới được thành lập tháng 9/2016, qua hơn 3 năm hoạt động, tạp chí cũng đã phát huy có hiệu quả công tác tuyên truyền cho sự nghiệp tri ân liệt sĩ và hỗ trợ các GĐLS khai thác nhiều thông tin liệt sĩ.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trao Giấy chứng nhận giám định ADN cho các gia đình liệt sĩ (Tháng 7-2019)
Hội đã tổ chức thành công 14 Chương trình giao lưu nghệ thuật Tri ân liệt sĩ hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Chương trình được sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi thư hoặc trực tiếp tới dự động viên, khích lệ. Các chương trình có nội dung sâu sắc, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với khán giả trong cả nước như Chương trình “Mẹ đã có cả nước non”, “Trọn vẹn nghĩa tình”, “Sáng mãi tên anh”, “Sâu nặng ân tình”, “Bản hùng ca Mậu Thân 68”, “Bài ca biên giới anh hùng”…Thông qua chương trình, Hội đã huy động được các nguồn lực từ xã hội để tri ân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng.
Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền các địạ phương, các đơn quân đội, các Công ty Truyền thông tổ chức nhiều hình thức hoạt động tri ân liệt sĩ như :Dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ, Gặp mặt gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, Hành trình trở lại chiến trường xưa tri ân đồng đội v.v..Thông qua các sự kiện này Hội đã giành tặng Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, hàng nghìn xuất quà tới gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng tại các địa phương trong cả nước như : Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Củ chi Thành phố Hồ chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, các tỉnh Đồng bằng sông cửu long, Tây Ninh, Bình phước và huyện đảo Trường Sa v.v
Hiện nay, đã có 13 Hội cấp tỉnh, thành phố, trên 60 Chi hội cấp huyện và 22 Chi hội trực thuộc trung ương với trên 5.000 hội viên ở cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Đoàn cán bộ Hộ HTGĐLS Việt Nam thăm, tặng quà cho quân dân huyện đảo Trưởng Sa (Tháng 4-2019)
Với đặc thù là Hội hoạt động không có bất cứ nguồn kinh phí nào của Nhà nước mà chỉ dựa vào các nguồn tài trợ xã hội, sự giúp đỡ của các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương; các tổ chức xã hội và cá nhân các nhà hảo tâm…Nhưng với tinh thần trách nhiệm “Nghĩa tình, tâm huyết, hiệu quả”, các cán bộ của Hội, tuy phần lớn tuổi đã cao nhưng với trách nhiệm, tình cảm trước đồng chí, đồng đội vẫn ngày đêm miệt mài với sự nghiệp Tri ân liệt sĩ.
Mười năm qua là cả một chặng đường dài, gian nan, vất vả. Nhưng với tất cả tinh thần và trách nhiệm, trong chặng đường sắp tới, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ nhất định sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và các gia đình liệt sĩ, đồng bào và chiến sĩ cả nước mong đợi. Góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện tốt công tác tri ân liệt sĩ, thực hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
(Trianlietsi.vn)