“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý và truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đó cũng là một trong những nguồn gốc của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, tình cảm, tư tưởng của Người đối với thương binh, liệt sĩ nói riêng.
Trong cuộc đời cách mạng của Bác, yêu nước, thương dân là “Hành trang” lớn nhất Người mang theo. Lòng yêu nước, thương dân sâu sắc đã đem lại cho Người quyết tâm sắt đá là quyét sạch mọi quân xâm lược và đánh đổ mọi thế lực cường bạo để đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đây là điều quan trọng bậc nhất đã tạo nên nền tảng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời Người luôn dành cho dân, cho nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tất cả mọi người, đó là các “nam phụ lão ấu”, các chiến sĩ ngoài mặt trận, nhất là các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Người đã khóc trước sự hy sinh của các chiến sĩ: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, giữa bộn bề công việc và khó khăn chồng chất, nhưng Người vẫn không quên các thương binh, thân nhân liệt sĩ: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ, cám ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên. Đến năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi tên thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ”. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang. Người còn trích 1 tháng lương của mình tặng các thương binh. Ngay cả những tặng phẩm của đồng bào trong nước và người Việt Nam ta ở nước ngoài kính tặng, Bác đều tặng lại các thương binh. Người luôn khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất.
Trước lúc đi xa về với “các bậc cách mạng đàn anh khác”, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta Bản Di chúc lịch sử, Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Những tư tưởng, tình cảm của Người dành cho thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ tới nay vẫn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện, kế thừa và phát huy trong điều kiện mới.
Thực hiện lời răn dạy của Người, với truyền thống và đạo lý của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. việc “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia, mang tính hiệu quả và thiết thực để thường xuyên giúp gia đình, con em những người đã hy sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn về vật chất, tinh thần trong cuộc sống.
Gần 10 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tư vấn, hỗ trợ miễn phí và gửi 915 trường hợp làm giám định AND, đã có 653 trường hợp có kết quả, trong đó xác định đúng danh tính 454 liệt sĩ (đạt tỷ lệ gần 70%). Đã tổ chức 32 lần trao kết quả đúng cho các GĐLS. Hội đã kết hợp với Ban liên lạc Mặt trận 31, Viện Pháp Y Quân đội cùng các cơ quan chức năng ở 36 tỉnh, thành phố thu thập được 1.050 trên tổng số 1.085 MSP cần lấy, đạt 96,7%. Từ cuối 2014 đến nay, Hội được Ban chỉ đạo Đề án 150 của Chính phủ và Bộ LĐTBXH giao nhiệm vụ tham gia Đề án tròn khâu từng nhóm mộ, Hội đã tiến hành khảo sát, lập kế hoạch và trực tiếp đi khai quật 11 đợt tại 9 nghĩa trang liệt sĩ ở Hương Thủy, Hương Trà (TT-Huế), Ba Dốc (Quảng Bình), Đường 9, Hướng Hoá, Gio Linh (Quảng Trị). Hà Tiên (Kiên Giang), Long Khánh ( Đồng Nai) , Thăng Bình ( Quảng Nam ) Kết quả: Đã khai quật 278 mộ lấy mẫu hài cốt liệt sĩ đồng thời đi đến hầu hết các tỉnh, thành phố lấy gần 1.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.các tổ chức của Hội đã hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm, cất bốc và di chuyển gần 700 hài cốt liệt sĩ từ các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và ở nhiều chiến trường khác nhau về quê hương. Sau gần 10 năm kể từ ngày thành lập, Hội đã nỗ lực hoạt động nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sĩ về thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định ADN xác định hàì cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, huy động nguồn lực từ xã hội để tri ân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn v.v..hoạt động trên đã đạt kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo ngày càng tốt hơn cả đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong đó, thu thập, hỗ trợ thông tin, thông báo thông tin hơn 115 ngàn liệt sĩ lên trang Web trianlietsi.vn và Tạp chí điện tử Tri Ân của Hội; tiếp nhận và thụ lý 20.250 hồ sơ liệt sĩ; tư vấn và hỗ trợ hơn 20 ngàn gia đình liệt sĩ (GĐLS) tìm kiếm hài cốt người thân. Kết quả đã có hơn 200 gia đình xác định được hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.
Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tri ân liệt sĩ, Hội đã tích cực vận động, kêu gọi các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ tri ân liệt sĩ, đặc biệt là hỗ trợ các GĐLS có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều hình thức hoạt động tri ân liệt sĩ được tổ chức như :Dâng hương tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ, Gặp mặt gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, Hành trình trở lại chiến trường xưa tri ân đồng đội v.v.. tặng Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, hàng nghìn xuất quà tới gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng tại các địa phương trong cả nước trong đó có cả vùng xa xôi như huyện đảo Trường Sa v.v. Gần 10 năm qua, Hội đã tặng 300 nhà tình nghĩa (60 triệu đồng/nhà); hỗ trợ kinh phí sửa chữa 40 nhà (khoảng 40 triệu đồng/nhà), tặng 1.449 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng), 317 suất học bổng cho các con liệt sĩ nghèo vượt khó (mỗi sổ 2 triệu đồng) và hơn 21 ngàn suất quà cho các GĐLS và Mẹ Việt Nam Anh hùng ở tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 15.914 lượt đối tượng chính sách. Tổng kinh phí hỗ trợ tri ân liệt sĩ gần 10 năm qua đạt trên 80 tỷ đồng.
Trong việc Hỗ trợ việc hoàn thiện và thực hiện chính sách ưu đãi đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, ngay từ năm 2011, Hội đã chủ động tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực trạng về thân nhân liệt sĩ. Từ kết quả khảo sát, Hội đã có văn bản kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng bổ sung sửa đối một số chính sách ưu đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Kiến nghị của Hội đã được các cơ quan Nhà nước tiếp thu và đồng tình, ủng hộ.
Bác đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song tư tưởng và tình cảm của Người đối với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ luôn là nguồn cổ vũ, động viên, cổ vũ các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ vươn lên trong cuộc sống; luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo ngày càng tốt hơn cả đời sống vật chất và tinh thần đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
(Trianlietsi.vn)