Tôi bàng hoàng và xúc động nghe tin Anh Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam qua đời. Anh em trong cơ quan Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam nét mặt ai cũng đượm buồn, bồi hồi ngồi nhớ lại những kỷ niệm đối với Anh – Người đã dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến việc thành lập và suốt quá trình hoạt động của Hội HTGĐLS Việt Nam.
Chúng tôi còn nhớ, sau khi Ban vận động thành lập Hội HTGĐLS Việt Nam được thành lập, tôi (Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) làm Trưởng ban, các Phó trưởng ban: Anh Nguyễn Hùng Phong, Trịnh Đình Cần, Nguyễn Đình Thường (Kiêm Tổng thư ký). Sau cuộc họp trù bị (Ngày 16/5/2010), tôi cùng anh em trong Ban vận động đến nhà riêng để báo cáo, nguyên Tổng bí thư rất phấn khởi, động viên và nói Anh sẽ viết thư cho Bộ Nội vụ về việc thành lập Hội. Thư Anh viết có đoạn “ Tôi rất hoan nghênh và ủng hộ việc thành lập Hội…Nếu Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập, Hội sẽ là cầu nối cho các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chính sách của Đảng và Chính phủ được tốt hơn. Đồng thời các hoạt động của Hội góp phần làm giảm bớt những khó khăn cho các gia đình liệt sĩ trong quá trình tìm kiếm hài cốt người thân…”. Ngày 17 tháng 9 năm 2010, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Quyết định Số 1081/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội HTGĐLS Việt Nam. Gần 10 năm trôi qua, Hội luôn dành được sự quan tâm, chỉ đạo của Anh trong quá trình xây dựng, phát triển và hoạt động tri ân liệt sĩ. Cuối năm 2011, tôi trực tiếp báo cáo nguyên Tổng bí thư sau một năm hoạt động của Hội HTGĐLS Việt Nam. Anh chăm chú lắng nghe và động viên: Tuy mới một năm, Hội đã làm được rất nhiều công việc, giúp được nhiều gia đình liệt sĩ tìm được mộ người thân và xác dịnh được danh tính nhiều liệt sĩ là rất tốt. Hội cần xác định nhiệm vụ chủ yếu là thu thập, xử lý cung cấp thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Các cựu chiến binh, Ban Liên lạc các đơn vị trong Quân đội và gia đình liệt sĩ, nhân dân địa phương nơi chiến trường năm xưa có rất nhiều thông tin mà chúng ta chưa khai thác, họ là những người trực tiếp chiến đấu và chôn cất liệt sĩ. Vì vậy, nguồn thông tin này rất tin cậy cho quá trình tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ. Hội cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa tri ân liệt sĩ, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn xã hội để góp phần làm bớt khó khăn đối với gia đình liệt sĩ….
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới thăm Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tháng 10-2018 (Ảnh Minh Trường)
Thượng tướng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người đã từng trải qua nhiều trận mạc trong các cuộc kháng chiến, với nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy khác nhau trong quân đội tại khắp các chiến trường, trong đó có chiến trường Trị -Thiên khói lửa, miền Tây Nam Bộ và Căm-Pu-Chia; trước khi Anh làm Tổng bí thư Đảng, Anh là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Bởi vậy sau này, khi Hội HTGĐLS Việt Nam được thành lập, Anh đã dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Hội. Các chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ hàng năm, dù bận đến đâu, Anh cũng sắp xếp thời gian cố gắng tới dự. Năm 2018, nhân kỷ niệm 8 năm ngày thành lập Hội, tuy sức khỏe của Anh lúc này đã yếu, nhưng Anh vẫn đến cơ quan Hội dự tổ chức gặp mặt kỷ niệm 8 năm ngày thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng. Nguyên Tổng bí thư đã dành thời gian nói chuyện với anh em trong Hội và các cơ quan chức năng đến dự với tình cảm chân tình, đầm ấm như người nhà. Anh đề cập về hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh để lại đối với xã hội và các gia đình liệt sĩ, thương binh, để lại con, cháu các cán bộ, chiến sĩ quân đội bị phơi nhiễm bởi chất độc da cam đi ôxin…Anh nhấn mạnh: Liệt sĩ mất đi rồi, gia đình liệt sĩ vẫn mong muốn biết con, em họ hy sinh được chôn cất ở đâu? Nhiều bia mộ ghi liệt sĩ vẫn còn chưa biết tên? liệt sĩ phải có họ tên, chỉ có điều chúng ta chưa xác định được. Chúng ta phải tiếp tục làm và xác định được danh tính cho liệt sĩ. Việc tìm kiếm, quy tập liệt sĩ còn phải tiếp tục, chưa biết bao giờ mới kết thúc…Tìm kiếm liệt sĩ là đạo lý là tình thương. Việc Hội HTGĐLS Việt Nam ra đời là tất yếu, tuy Hội có ít người, nhưng các đồng chí làm việc rất có hiệu quả. Trong quá trình hoạt động tri ân liệt sĩ, nếu có vấn đề gì vướng mắc thì mạnh dạn đề xuất…Có một chi tiết làm tôi và anh em trong Hội rất cảm động, đó là khi tôi đề nghị Anh trao Bằng khen của Chính phủ tặng Hội, Anh tươi cười nói: “Thôi, để Cục Người có công trao, tôi đứng bên thôi!”. Không ngờ, đó là lần cuối cùng Anh đến thăm Hội.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng hình ảnh và tình cảm sâu đậm của nguyên Tổng bí thư Lê khả Phiêu đối với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam vẫn vẹn nguyên. Có thể nói, trong mỗi hoạt động của Hội, đều có sự quan tâm, theo dõi của Anh. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nói chung và cá nhân tôi nói riêng, luôn kính trọng và biết ơn Anh, nhà lãnh đạo giàu tình cảm, bình dị, luôn quan tâm đến mọi người, sống giản dị nhưng rất quyết đoán trong công việc. Người đã có nhiều cống hiến lớn lao cho sự nhiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó có sự chăm lo đến người có công với cách mạng nói chung, gia đình liệt sĩ và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nói riêng.
(Theo QĐND)