Khi nhập ngũ anh Hoàng Việt Cường, là một chiến sĩ của Tiểu đoàn 647 Sư đoàn 320B, sau hơn 3 tháng huấn luyện, tháng 1 năm 1972 vào chiến trường Tây nguyên, anh được bổ xung về Trung đoàn 66 anh hùng thuộc Quân đoàn 3, sau thời gian chiến đấu anh bị thương nặng, được đưa ra Bắc điều trị, khi vết thương ổn định anh trở về địa phương công tác, năm 1990 được cấp trên cử anh sang Liên xô học tập, trở về nước anh tham gia công tác và giữ nhiều chức vụ từ cơ sở xã, huyện và tỉnh. Khóa 13 anh được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy, rồi được tổ chức phân công làm Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, sau đó được điều động về tỉnh làm Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Phó bí thư rồi Bí thư tỉnh ủy. Kể cả lúc nắm giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình hay sau này khi đã nghỉ hưu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Việt Cường vẫn mang một nỗi niềm day dứt: “Cùng là con em của quê hương Hòa Bình, tham gia vào quân đội nhân dân Việt Nam, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước cùng với những đồng chí, đồng đội. Nhưng anh và những người khác may mắn hơn là được đoàn tụ với gia đình. Bao người bạn chiến đấu đã anh dũng hi sinh, vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường và đến giờ gần 50 năm, xương cốt vẫn chưa được đưa về đất mẹ”.
Gặp anh Hoàng Việt Cường, tại nhà riêng đúng dịp tháng 7, ngay sau khi anh và đồng đội chúng tôi vừa đón 20 hài cốt liệt sỹ từ nghĩa trang các tỉnh Nam bộ trở về. Vẫn dáng người chân chất và tác phong lính xông pha trận mạc năm nào, anh đưa chúng tôi trở về ký ức những năm 1970 đầy hào hùng, oanh liệt. Ngày đó, cùng với hơn 600 người con quê hương Hòa Bình đang độ mười tám, đôi mươi lên đường tham gia chiến đấu, đội quân này sau huấn luyện, chủ yếu được bổ xung cho Quân đoàn 3 Tây Nguyên. Chiến tranh cam go, ác liệt, không ít chiến sỹ, trong đó có anh từng nhiều lần bị thương, nhưng vẫn giữ ý chí kiên cường. Đau xót hơn cả là hàng trăm anh em, đồng đội từng kề vai, sát cánh chiến đấu bên nhau đã ngã xuống. Nhiều phần mộ đến nay vẫn nằm rải rác ở các nghĩa trang và đại ngàn rừng núi Tây Nguyên, có những hài cốt vẫn chưa tìm thấy.
NguyênBí thư Tỉnh ủy Hoàng Việt Cường (người cầm gậy) và các CCB Hội HTGĐLS tỉnh Hòa Bình với mẹ liệt sĩ
Đó cũng là điều khiến anh đau đáu suốt mấy chục năm trời. Hồi còn đương nhiệm Bí thư Tỉnh ủy, anh được các anh em đồng ngũ chúng tôi bầu làm Trưởng Ban liên lạc tiểu đoàn 647, sư đoàn 320B. Hoạt động của Ban liên lạc trên tinh thần tự nguyện, gắn kết tình cảm giữa những người đồng chí, đồng đội từng trong quân ngũ nay trở về với đời thường. Đặc biệt vào năm 2012, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ và kỷ niệm chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh (Kon Tum), anh đã cùng anh em trong Ban Liên lạc chúng tôi trở lại Tây Nguyên, ngậm ngùi đứng trước mộ phần những người đồng chí, người bạn liệt oanh đã ngã xuống. Ngoài thăm lại chiến trường xưa, mục đích quan trọng hơn của chuyến thăm Tây Nguyên lần ấy là giúp Ban liên lạc chúng tôi khảo sát, trực tiếp nắm bắt thông tin để rồi sau đó kết nối, liên hệ với thân nhân và địa phương cùng đón hài cốt các anh hùng liệt sỹ trở về.
Tháng 10/2013, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Việt Cường, chính thức về nghỉ chế độ sau khi hoàn thành xuất sắc trọng trách Đảng, Nhà nước giao cho. Kể từ đây, anh cùng Ban liên lạc thực hiện tâm nguyện tìm kiếm, đưa hài cốt các anh hùng liệt sỹ được trở về với quê hương. Với anh và đồng đội, ký ức đậm sâu nhất là ở thời điểm năm 2013 ấy, anh đã cùng với anh em trong Ban Liên lạc tìm kiếm hàng trăm phần mộ ở các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, Đăk Lăk, Quảng trị và một thực tế anh đã cùng Ban liên lạc và một số đồng chí khác đã thực hiện di chuyển hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Đúc từ nghĩa trang huyện Đăk Tô (Kon Tum) về quê mẹ tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (nay là thành phố Hòa Bình). Liệt sỹ Nguyễn Văn Đúc là người bạn cùng nhập ngũ, cùng đơn vị chiến đấu. Do điều kiện kinh tế gia đình liệt sỹ rất khó khăn, mẹ của liệt sỹ đã ngoài 90 tuổi nên mọi công việc trong quá trình di chuyển có anh và anh em trong Ban liên lạc chúng tôi hỗ trợ, lo liệu, chu toàn cho đến khi đồng đội được trở về với đất mẹ thân thương.
Đến năm 2016, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Hòa Bình (tiền thân là Ban liên lạc tiểu đoàn 647, sư đoàn 320B) được UBND tỉnh cho phép thành lập. Tổ chức Hội mang ý nghĩa hoạt động từ thiện, nhằm giúp đỡ các gia đình liệt sỹ tìm kiếm thông tin, xác định danh tính của liệt sỹ, tạo điều kiện di chuyển hài cốt các liệt sỹ về quê hương. Anh được mời làm Chủ tịch danh dự, còn tôi được giữ cương vị là Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh. Vậy là từ đây Ban liên lạc lại nhận thêm một trọng trách mới đầy cảm phục, khi kể về anh thật hiếm có đồng chí lãnh đạo tỉnh nào khi đương nhiệm đã tâm huyết, khi nghỉ chế độ lại càng tâm huyết, nhiệt tình với hoạt động từ thiện, giúp đỡ các gia đình liệt sỹ như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Việt Cường. Sau chuyến thăm Tây Nguyên lần ấy, anh còn trở lại chiến trường Tây Nguyên vài lần nữa để khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Có những cuộc tiến hành suôn sẻ nhưng cũng có chuyến đi không thuận lợi. Anh là người đứng ra lo liệu, xử lý để các cuộc tìm kiếm có được kết quả như mong muốn.
Là một tổ chức xã hội tự nguyện, anh em trong Hội đều làm vì tâm huyết, không có lương và cũng chưa nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Song nhiều khi chỉ cần một câu nói của anh: “Biết là khó khăn, chưa có nhiều người thấu hiểu, chia sẻ nhưng vì đồng đội, vì các gia đình liệt sỹ, ta vẫn cứ làm” đã khích lệ, cỗ vũ lòng nhiệt tình của toàn thể anh em trong Hội. Tôi rất nhớ một câu chuyện cách đây ít lâu, tại cuộc họp BCH Hội, ngành Tài chính có nêu và giải thích khó khăn về vấn đề chế độ, kinh phí không được phép chi, nhưng Chủ tịch danh dự Hoàng Việt Cường, cho ý kiến mà như động viên tất cả mọi người, đó là “Giải được thì giải, bằng không chúng ta tự giải lấy”.
Các gia đình liệt sỹ hầu hết có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bởi vậy, kinh phí di chuyển chủ yếu từ nguồn hỗ trợ. Trong khi đó, mỗi cuộc tìm kiếm, di chuyển hài cốt liệt sỹ yêu cầu cần khoản kinh phí không nhỏ (40- 50 triệu, thậm trí hàng trăm triệu đồng). Cùng các anh em trong Hội, Chủ tịch danh dự Hoàng Việt Cường một mặt chia sẻ bằng đồng lương ít ỏi, mặt khác, không nề hà thực hiện chủ trương vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí thuê phương tiện di chuyển. Bằng cách đó mà kể từ năm 2016 đến nay, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ đã hỗ trợ di chuyển hàng trăm hài cốt các anh hùng liệt sỹ từ nghĩa trang các tỉnh Tây Nguyên, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Quảng trị, Vị Xuyên (Hà Giang)… về với quê hương. Qua đó, góp phần an ủi mất mát, vơi bớt nỗi đau của thân nhân liệt sỹ và thật vững tâm đồng đội chúng tôi.
Ai đó đã từng nói rằng tâm lý của nhiều cán bộ khi về nghỉ chế độ là mang một tâm lý: ” Nắng nghỉ, mưa ngủ, mát trời đi chơi”. Nhưng thật hiếm có Bí thư Tỉnh ủy nào khi về nghỉ hưu vẫn nặng lòng, trách nhiệm thầm lặng xoa dịu nỗi đau người ở lại như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Việt Cường. Anh là “thủ lĩnh tinh thần” bằng hành động, cách làm cụ thể của mình mà khích lệ, động viên anh em, người đồng chí, đồng đội chúng tôi bền bỉ, tận tâm, tận lực tìm kiếm, đưa đón hài cốt liệt sỹ trở về quê hương, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tri ân và chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân, gia đình liệt sỹ.
(Trianlietsi.vn)