Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có 2.340 km đường biên giới chung, có quan hệ truyền thống, hợp tác từ lâu đời, người dân hai nước cũng có mối quan hệ từ xa xưa. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng đất nước, Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh chiến đấu với kẻ thù chung, đoàn kết, yêu thương nhau trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, trở nên gần gũi, thân thiết không gì có thể sánh được. Mối quan hệ truyền thống đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kay Sone Phom Vihane và Chủ tịch Sou Phanou Vong kính yêu đặt nền móng xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp suốt thời gian qua. Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện, mối quan hệ đó không chỉ trở thành yếu tố quyết định thành công, thắng lợi sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước, là kiểu mẫu hiếm có trong quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới; là di sản vô giá của hai dân tộc Việt – Lào.
Lào đã giành toàn bộ đất đai 4 tỉnh để chúng ta xây dựng lực lượng, vận chuyển quân, vật tư, thiết bị kỹ thuật vào miền Nam. Bom đạn của Mỹ đã ném xuống đất nước Lào 2 triệu tấn, gần bằng lượng bom chúng ném tại châu Âu và châu Á trong đại chiến lần thứ 2. Các tỉnh Boly Kham Say, Khammuan, Sa Va Na Khet, Sa La Van, Se Kong, Attapeu đã bị bom đạn Mỹ hủy diệt nặng nề nhất trong lịch sử so với dân số. Mỗi người dân Lào nhận gần 1 tấn bom.
Từ năm 1951 Bác Hồ đã xác định: “Giúp bạn là tự giúp mình”, lúc đó đã có 12.000 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sang hoạt động ở chiến trường Lào. Sau khi ta giải phóng miền Nam thì ngày 2.12.1975, nhân dân Lào cũng giành được chính quyền. Không lâu sau đó bọn phản động Phỉ hoạt động trở lại, quân đội Việt Nam lại kề vai sát cánh cùng quân đội Pha Thét Lào tiếp tục chiến đấu, bảo vệ đất nước Triệu voi. Hàng vạn người con ưu tú của Tổ quốc Việt Nam đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập tự do, phồn vinh của đất nước Lào, vun đắp thêm cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào. Mối quan hệ máu thịt đó, tình cảm keo sơn như anh em ruột thị đã được Chủ tịch Saou Pha Nou Vong nói: “Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”. Máu đào các chiến sĩ Việt – Lào đã thấm vào dãy Trường Sơn – khắp đất nước Lào nơi đại ngàn hùng vĩ, hòa trong nước sông Mê Kông. Nước mắt của người mẹ Lào, mẹ Việt Nam có con hy sinh đều chung vị mặn đắng của đau thương và mất mát. Sự cống hiến hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thể hiện rõ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tình đoàn kết quốc tế cao cả.
Chiến tranh đã lùi xa, những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Nó để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con mất cha… Để giờ đây nhiều nghĩa trang, bạt ngàn những ngôi mộ không tên, hàng vạn liệt sĩ là bộ đội Việt Nam đang nằm ở khe lạnh, rừng sâu trên đất Lào. Đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh, là những tiếng bi ai rung động đất trời. Ngoài những mất mát hy sinh mà các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường thì vẫn còn đó những di chứng, thương tật trên cơ thể các cựu chiến binh, những nạn nhân chất độc da cam… Những nỗi đau đó còn hiện hữu, chưa thể nguôi ngoai trong nhiều gia đình, hơn 50 vạn liệt sĩ hiện nay chưa biết tên hoặc chưa tìm được mộ, đồng nghĩa với hơn nửa triệu gia đình đang từng ngày, từng giờ khắc khoải chờ tin con, có nhiều người mẹ đã cập kề cái chết chỉ mong một điều đơn giản: “Đưa anh về cho có mẹ có con”. Trước sự mất mát lớn lao đó, và cái giá phải trả cho độc lập tự do, chúng ta càng cảm thông, chia sẻ hơn nữa cho hoàn cảnh vò võ chờ tin chồng, ngóng tin con.
“Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu nhất. Cùng với Đảng, Nhà nước, Bác Hồ luôn giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng biết ơn của cả dân tộc, của các thế hệ kế tiếp nhau luôn nhớ máu đào của các liệt sĩ, thương binh đã cống hiến, hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà còn cho muôn đời con cháu mai sau.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống quân bành trướng phía Bắc, ở chiến trường Campuchia và Lào thì cho đến nay số liệt sĩ của chúng ta nằm lại trên đất Lào còn nhiều. Đúng là không ai chọn cho mình cái chết vì thật ra không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống; nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn sự nghiệp, mồ mả tổ tiên bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích họ hàng bị đe dọa, của cải, ruộng nương, làng bản bị xâm chiếm, thì sự hy sinh để đất nước được trường tồn, để giúp đỡ bạn bè, làm nghĩa vụ quốc tế là một sự lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống là một ánh hào quang soi sáng hơn con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và Lào.
Được sống trong hòa bình, trải qua cuộc đời trong quân ngũ, tôi càng thấm thía mảnh đất của Việt Nam chúng ta đã thấm đượm mồ hôi, xương máu của cha, anh cần phải sống xứng đáng với những kỳ vọng của các thế hệ đi trước. Để thể hiện lòng tri ân một cách hiệu quả, thiết thực, thường xuyên, coi việc mình làm cho công tác tri ân, cho thân nhân liệt sĩ, đi tìm đồng đội theo lời hẹn ước năm xưa, theo trái tim người lính mách bảo, người còn sống tìm cách đưa người đã chết về, đó là việc làm thay những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam. Đó là những lời răn sống sao cho xứng đáng với sự ra đi của các anh. Tôi đã cùng vợ và một số đồng đội trong chi hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ của Quân khu Trị Thiên sang Lào 6 lần để đi tìm đồng đội trong rừng sâu, vực thẳm thuộc các tỉnh Bắc và Trung Lào.
Mỗi chuyến đi từ 10 đến 12 ngày, mỗi một ngày qua đi đều có một kỷ niệm. Có những đợt đi thần tốc, bây giờ nghĩ lại thấy tốc độ di chuyển quá nhanh. Xuất phát ở Hà Nội lúc 6 giờ sáng, 4 giờ chiều đã có mặt ở Thủ đô Viên Chăn – Lào. Sáng hôm sau vào làm việc với tỉnh đội rồi đi tiếp đến Vạng Viêng, Mường Mẹt, Ka Xỷ… ở rừng của Lào rất ít dân ở, đường đi lại khó khăn, hiểm trở, những nơi ngày trước quân đội ta giúp bạn tiểu phỉ, có những trận phục kích, đánh địch, có lúc địch phục ta, các trận đánh lớn số liệt sĩ được chôn cất thành nghĩa trang. Sau này đã quy tập phần lớn về Việt Nam. Hiện còn rất nhiều liệt sĩ đang nằm rải rác ở rừng Lào. Nếu tự mình tìm kiếm thì rất khó khăn, cho nên phải tận dụng lực lượng tại chỗ. Trước hết qua đồng chí Seng Chen Noi ở cơ quan Tổng cục II Quân đội Lào, đồng chí Bun Ma – Thiếu tướng Tỉnh Đội trưởng, đồng chí Kham Phenh – Chính ủy tỉnh đội Viên Chăn. Bạn cũng rất nhiệt tình cử lực lượng trinh sát đi trước: trinh sát, dẫn đường, bảo vệ an toàn. Đến đâu cũng được cựu chiến binh và nhân dân địa phương, những người đi săn bắn trong rừng, họ biết dấu tích mộ của bộ đội Việt Nam.
Qua các đồng chí cựu chiến binh: Văng Xay, Chủ tịch Hội CCB huyện, đồng chí Phu Xon xay Nha Xúc – Phó Chủ tịch CCB, Thoong My Xu Lu Phun – Trưởng bản biết trước đây: Mường Mẹt, Vang Viêng, Phun Khum Ka Xỷ, Phà Đeng, Phà Lai, Núi Túyp Khẩu, Xay Xẩm Bun… Phỉ Lào hoạt động mạnh, nhiều bộ đội và chuyên gia Việt Nam bị phục và bắn chết. Những ngày đi tìm đồng đội, tìm mộ liệt sĩ đúng là mò kim đáy biển, những phần mộ người dân biết thì nay nắng núi, mưa ngàn đã làm thay đổi địa hình, cây cối um tùm không thể định vị được, có những mộ chôn trong nương rẫy của dân thì không còn nấm để xác định. Rừng của Lào ngày nay không như những ngày chống Mỹ, ngày đó “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nay chủ yếu cỏ dại, cây gai, sên vắt, rắn rết. Để vào được những nơi có thợ săn, các già làng trưởng bản cư trú, nơi CCB chỉ dẫn có mộ của bộ đội Việt Nam, thì phải nhờ dân bản địa đi trước, phát đường, mở lối mới đi được, vì vậy tốc độ di chuyển cũng chậm. Buổi tối không dám ngủ trong nơi heo hút, phải quay trở lại. Tìm được mộ nào phải đánh dấu kỹ để lúc bàn giao cho đội quy tập các Quân khu thuận lợi.
Trở lại đất Lào những ngày nắng gắt, vì họ chỉ có mùa khô từ tháng 5 đến tháng 10, những tháng còn lại mưa rất to, cũng là dịp để ôn lại những năm tháng gian khổ trong rừng Trị – Thiên ở Việt Nam, quần áo giặt cả tuần không khô, may sẵn củi đốt lên để xông, mặc vào toàn mùi khói. Đi tìm đồng đội ở đại ngàn, ở những địa bàn chiến lược, những cao điểm, trọng điểm, những địa danh lợi thế về địa hình mà trước đây cả ta và địch giành giật nhau, nhiều đồng đội đã ngã xuống đến nay vẫn chưa tìm được thân xác các anh. Hơn 30 ngôi mộ bàn giao cho đội ngũ quy tập Quân khu 4, khai quật thăm dò, 3 ngôi mộ khu vực Vang Viêng, chứng kiến anh em rất giàu kinh nghiệm khi đào bới, tìm kiếm từng ly, từng tý, xới từng lát đất, hy vọng tìm được tý xương đã tàn hoặc di vật. Quả thực gần nửa thế kỷ trôi qua, xương thịt của các liệt sĩ đã hòa tan vào lòng đất, hòa quyện cùng cây cỏ, đất trời, trường tồn với các bộ tộc Lào, vong linh của các anh đã được nhân dân Lào đùm bọc, che chở. Đúng là:
“Chỉ thương bạn sau nhiều lần tìm kiếm,
Xương thịt phai tàn còn lại nắm đất nâu”…
Sau một ngày đào, tìm, nhưng khi hoàng hôn đã đến gần tất cả anh em tôi chỉ buông tiếng thở dài vì các mộ chỉ còn lại nắm đất nâu. Không có gì để nhặt đánh đắp lại mộ thôi, theo quy định phải có di vật hoặc xương cốt mới đưa về nước, vậy là từ nay các anh chiến đấu vì các bộ tộc, độc lập tự do cho đất nước Lào, vì nghĩa vụ cao cả, các anh vĩnh viễn nằm lại với nhân dân Lào, với đất nước Triệu voi. Những bạn Lào đưa chúng tôi đi tìm đồng đội đều nói: “mộ bộ đội Việt Nam”, thôi thì ở lại với nước Lào, chúng ta là anh em, sống chết có nhau, “Xăm ma ki” mà! Vĩnh biệt hương hồn các liệt sĩ ở đất Vang Viêng, cầu chúc các liệt sĩ – mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng của nước Lào anh em. Tôi tin rằng: Sống trong hòa bình nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào được tự do, không còn cảnh bom rơi, đạn nổ, máy bay gầm rú, chết chóc hàng ngày, họ không quên mảnh đất quê hương có hơn 1 triệu liệt sĩ đã ngã xuống, gần 800 ngàn thương binh và người hưởng chính sách nhớ thương binh. Đúng là có ở trong rừng chịu cảnh mưa dầm dề liên tục 5-6 tháng trời mới biết trân quý, giá trị của ngày nắng, có kinh qua đau thương, mất mát của chiến tranh mới biết quý trọng những ngày hòa bình.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã đặt các thế hệ thanh niên vào vị trí đặc biệt. Đó là vị trí chiến đấu và chiến thắng các loại kẻ thù xâm lược, xâm lấn nước ta. Chúng thật là tàn bạo, đen tối, dã man nhất trong thế kỷ 20. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, phần lớn là thanh niên tuổi đời mười tám, đôi mươi đã lên đường dâng hiến cả tuổi xuân, các chàng trai, cô gái từ mọi miền quê yêu thương, nhiều sinh viên còn dang dở trên ghế trường đại học. Gian khổ, hiểm nguy, sống chết rình rập từng giờ, từng phút nhưng không ngăn nổi sự kiên cường, dũng cảm và sức chịu đựng phi thường giữa mưa bom, bão đạn. Họ đã làm nên chiến thắng cả ở Việt Nam và nước Lào thân yêu. Các liệt sĩ đã góp phần viết nên khúc “tráng ca” hào hùng của bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống bành trướng giành độc lập tự do, hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân.
(trianlietsi.vn)