Thấm thoắt đã 11 năm, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1081/QĐ-BNV ngày 17/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 24/10/2010 Hội chính thức bước vào hoạt động. Mười một năm qua là chặng đường vô cùng ý nghĩa và quan trọng đối với Hội HTGĐLS Việt Nam trong hành trình tri ân liệt sĩ, nó như một phép thử về tinh thần tự nguyện làm công tác tri ân liệt sĩ của cán bộ, hội viên; là thách thức có vượt qua được những khó khăn của một tổ chức xã hội khi mà hoạt động không cơ sở vật chất, không một nguồn kinh phí nào của Nhà nước. Tất cả tự đóng góp, tự vận động, tự hạch toán, tự trang trải về tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng có lẽ thử thách lớn nhất là năng lực đáp ứng sự mong mỏi và kỳ vọng của thân nhân gia đình liệt sĩ và của xã hội trong việc hỗ trợ thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, hỗ trợ gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng còn nhiều khó khăn trong cuộc sống và khả năng tham gia đóng góp trong việc hoàn thiện chính sách Người có công với cách mạng trong đó có gia đình liệt sĩ. Sự mong mỏi và kỳ vọng không chỉ của thân nhân gia đình liệt sĩ và xã hội, mà còn của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng mong muốn Hội là cánh tay nối dài giữa gia đình liệt sĩ với các cơ quan chức năng về công tác liệt sĩ ở Trung ương và địa phương.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thăm Hội HTGĐLS Việt Nam tháng 12 năm 2013
Chúng tôi còn nhớ, lần tới gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, bộ, ngành Trung tương để báo cáo và xin ý kiến về công việc của Hội. Chúng tôi mừng lắm vì các đồng chí rất quan tâm và giành những tình cảm cho Hội. Nguyên cố Tổng Bí thư Lê khả Phiêu nói: “Tôi hoan nghênh các hoạt động của hội, mặc dù mới chỉ 6 tháng được thành lập, nhưng hoạt động của Hội đạt kết quả tốt. Nhiệm vụ cơ bản của Hội là phải phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp khoa học, đồng thời tham gia cùng xã hội hỗ trợ các gia đình liệt sĩ gặp nhiều khó khăn…” Ngay từ Đại hội lần thứ nhất – Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, ngày 24/10/2010, Chính phủ đã cử đồng chí Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Các đồng chí nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nuớc Trương Tấn Sang, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Cố Đại tướng Phùng Quang Thanh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng v.v.. giành nhiều thời gian đến dự các chương trình nghệ thuật tri ân liệt sĩ, đến thăm Hội hoặc tiếp đoàn cán bộ của Hội HTGĐLS Việt Nam và gia đình liệt sĩ đến báo cáo. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thăm hội tháng 12 năm 2013, nói với cán bộ, hội viên: “Tôi biết các đồng chí là những người “ăn cơm nhà mặc áo vợ” mà đi làm việc nghĩa, không hề mảy may tính toán”. Còn khi làm việc với cố Đại tướng, Bộ trưởng, Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, đồng chí nói” “Bộ coi công việc của Hội cũng là công việc của Bộ Quốc phòng”. Những tình cảm và sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo làm cán bộ, hội viên rất cảm động tăng thêm nghị lực, quyết tâm thực hiện mục đích cao cả và thiêng liêng là tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ.
Đoàn cán bộ Hội HTGĐLS Việt Nam do Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội dẫn đầu trong chuyến thăm và tặng quà cho quân, dânn huyện đảo Trường Sa
Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch HộiHTGĐLS Việt Nam trao Giấy chứng nhận xét nghiệm ADN cho gia đình liệt sĩ
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như tổ chức khảo sát thực trạng gia đình liệt sĩ từ các địa phương như ở tỉnh Hưng Yên, Gia Lai, Bến TreQuảng Trị, Quảng Nam….Hội đã tổng hợp đưa một số kiến trị như một kênh phản biện xã hội nhằm góp phần điều chỉnh, bổ sung về chính sách ưu đãi với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ trong thời gian qua. Cũng như vậy, Hội tổ chức đón tiếp các thân nhân liệt sĩ, các Cựu chiến binh, và nhân dân có nguồn thông tin liệt sĩ tin cậy để phân tích, tổng hợp tư vấn giúp gia đình liệt sĩ đi tìm hài cốt liệt sĩ được đúng hướng, qua đó hàng trăm gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt người thân bằng phương pháp thực chứng qua những thông tin thu thập. Hội đăng tải trên trang Websitre và tạp chí điện tử Tri ân và nhiều báo liên kết với hội chuyển tải trên 100 ngàn thông tin liệt sĩ. Việc ký kết phối hợp với các cơ quan chức năng như Cục Người có công, Bộ LĐ-TB &XH, Viện pháp Y quân đội, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Pháp Y quốc gia tổ chức giám định ADN được coi là biện pháp khoa học, do đó đã giám định ADN được gần 1.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó trên 70% hài cốt liệt sĩ xác định đúng danh tính, đem lại niềm xúc động không nói thành lời của thân nhân liệt sĩ được đón người thân về quê hương yên nghỉ. Cũng qua việc làm này, Hội góp phần cung cấp dữ liệu vào ngân hàng Gen quốc gia, góp phần bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan, kiếm tiền vô nhân tính trong đau khổ của các gia đình liệt sĩ. Là thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước Đề án 515, những năm gần đây, Hội tiến hành khảo sát, lập kế hoạch và trực tiếp tổ chức khai quật 11 nhóm mộ ở 9 nghĩa trang liệt sĩ ở miền Trung và phía Nam lấy được 393 mẫu hài cốt và đi đến gần 20 tỉnh, thành phố lấy hơn 400 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả giám định bước đầu được 37 trường hợp đúng, tổ chức trao kịp thời cho các gia đình liệt sĩ.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam trao số tiền hỗ trợ 35 gia đình liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn – 2020
Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp Đoàn cán bộ Hội HTGĐLS Việt Nam đến ủng hộ Quỹ Phòng, chống Covid doỦy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động – 4/2020
Việc tri ân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong tôn chỉ mục đích hoạt đông của Hội. Quán triệt quan điểm của Đảng đối với Thương binh gia đình liệt sĩ, thực hiện Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị, trong những năm qua hội xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải thực hiện xã hội hóa hoạt đông tri ân liệt sĩ. Để thực hiện điều đó, chúng tôi coi đây là một cuộc vận động cách mạng lớn lao đối với toàn dân để có được nguồn lực tri ân, phải kiên trì và bằng nhiều hình thức biện pháp thích hợp, hiệu quả. Mười một năm với các hình thức vận động thông qua Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ, Chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ, Gặp mặt gia đình liệt sĩ v.v.đã thu hút hàng ngàn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tập thể cá nhân và hơn nửa triệu người dân tham gia chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ. Tất cả đều đồng hành cùng Hội. Hội đã tặng gần 400 nhà tình nghĩa (mỗi nhà 50-60 triệu đồng/1 nhà), tặng 1.733 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/1sổ), 32.000 suất quà, hơn 20.800 lượt người là đối tượng chính sách được khám bênh cấp thuốc v.v..là minh chứng cho các nỗ lực vận động tài trợ của Hội và các tổ chức hội trong toàn quốc, ước tỉnh khoảng gần 100 tỷ đồng để tri ân gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp mọi miền đất nước. Sau 11 năm, Hội HTGĐLS Việt Nam đã xây dựng và phát triển một mạng lưới tổ chức Hội ở khắp mọi miền đất nước, mặc dù công tác tổ chức phát triển hội còn nhiều khó khăn với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng mọi cái đều ở phía trước, chỉ biết rằng Hội và các tổ chức hội ngày càng lớn mạnh, sức lan tỏa ngày càng lớn, đã và đang là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với các gia đình liệt sĩ, điểm đến tin cậy của các gia đình liệt sĩ.
Nhớ lời Bác Hồ dạy “ Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Nhân dân ta khắc ghi “ Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Năm 2015, nhân sự kiện Đại hội lần thứ II, Hội biên soạn cuốn sách “Dòng sông tri ân” để ghi nhận và tôn vinh những người hết lòng với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, chăm lo cho gia đình liệt sĩ, là lời khẳng định tri ân liệt sĩ, một dòng chảy trong lòng xã hội ta từ thế hệ này qua các thế hệ khác, tiếp nối nhau không bao giờ ngưng nghỉ. Năm 2020, Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ (2020-2025) đã diễn ra thành công tốt đẹp, tiếp theo hành trình Tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ dưới ánh sáng Nghị quyết Đaị hội XIII của Đảng.
Tổ chức phát động chương trình Nhắn tin “Tri ân liệt sĩ-2021”
Năm 2022 sắp tới thật ý nghĩa, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022); 50 năm ngày “Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm” tại Thành cổ Quảng Trị (1972-2022). Đối với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (24/10/2010-24/10/2020). Với những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn, sẽ được vận dụng trong hoàn cảnh và điều kiện mới, cán bộ, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong cả nước tiếp tục cống hiến trí tuệ và công sức của mình để góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chăm lo đời sống tinh thần, vật chất đối với gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng tốt hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.
(Trianlietsi.vn)