Sáng ngày 21/02/2019, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp triển khai rút kinh nghiệm việc tập hợp, tìm kiếm thông tin về liệt sĩ trong thời gian vừa qua, và triển khai thu thập thông tin về liệt sĩ trong thời gian tới.
Về dự, ngoài Thường trực Tỉnh hội, còn có các vị tướng lĩnh như Trung tướng Lê Nam Phong, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng là những người từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ trong những năm chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta – Đặc biệt là trận đánh khốc liệt 12 ngày đêm để phá tan “Cánh cửa thép” Xuân Lộc từ ngày 09 đến 21/4/1975, đón đại quân tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định, hang ổ cuối cùng của bè lũ bán nước để có ngày 30/4/1975 lịch sử.
Trong trận đánh đầy cam go ác liệt 12 ngày đêm ấy, các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và Sư đoàn 6 cùng bộ đội địa phương đã có trên 1.600 cán bộ, chiến sĩ anh dũng ngã xuống. Riêng Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 có tới 72 đồng chí nằm lại từ huyện Định Quán về tới huyện Trảng Bom và thị xã Long Khánh.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, mặc dầu các cơ quan chức năng cùng với bạn bè đồng chí và Ban liên lạc truyền thống có nhiều nỗ lực tìm kiếm, nhưng kết quả đem lại chưa được như mong muốn. Đó là nỗi day dứt trăn trở đối với thân nhân gia đình liệt sĩ và bạn chiến đấu năm xưa.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh phát biểu tại hội nghị
Để góp phần xoa dịu nỗi đau cho thân nhân các gia đình liệt sĩ, những năm qua, cựu chiến binh Trần Mạnh Cường – nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đã bỏ biết bao công sức tìm kiếm trên diện rộng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đạt kết quả đáng khích lệ. Nhiều liệt sĩ đã được làm rõ danh tính hoặc hài cốt liệt sĩ được hồi hương. Từ những kết quả đáng mừng ấy, rút kinh nghiệm sau những chuyến đi xa. Gần đây, Ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai do ông Cường dẫn đầu cùng đồng chí Nguyễn Xuân Cương – nguyên Trưởng phòng Người có công Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai kề vai sát cánh đi sâu nghiên cứu cụ thể từng địa hình mà trước đây ông Cường trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu. Từ đó, hé lộ dần những thông tin đáng tin cậy.
Qua đi sâu nghiên cứu xác minh và xử lý thông tin cho thấy: Mộ liệt sĩ của Trung đoàn 209 đã có tên trong nghĩa trang liệt sĩ là: 45; số liệt sĩ chưa xác định được nơi an táng là: 27; số liệt sĩ an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Long Khánh là: 37, huyện Định Quán: 04; huyện Trảng Bom: 03; huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng): 01. Những thông tin trên, Ban Chính sách của Hội đã cùng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 209 đến các nghĩa trang liệt sĩ thị xã Long Khánh, huyện Định Quán và huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom) để đối chiếu các thông tin trên bia mộ và danh sách của đơn vị, về cơ bản là đúng.
Sau khi làm việc với Ban quản lý các nghĩa trang trên, cho thấy đã có 14 mộ được thân nhân làm thủ tục di chuyển về quê hương; 07 mộ đã có gia đình đến thăm viếng và 24 mộ chưa thấy thân nhân tới thăm. Như vậy, số mộ liệt sĩ chưa thấy gia đình tới thăm, có thể chưa biết nơi an táng còn chiếm tỷ lệ khá cao, trên 50% theo danh sách liệt sĩ đã có một phần mộ ở các nghĩa trang.
Tại cuộc họp này, các vị tướng Lê Nam Phong, Nguyễn Ngọc Doanh và Trần Trọng Ngừng đều tỏ ra xúc động, nhớ thương những người lính của mình đã ngã xuống trên chiến trận năm nào vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời, biểu dương và khâm phục sự tận tụy của các thành viên Ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai đã dày công tìm kiếm thông tin về liệt sĩ để từng bước mang lại niềm vui, làm vơi bớt nỗi đau cho thân nhân gia đình liệt sĩ từ mọi miền của Tổ quốc.
Nguyễn Quốc Hoàn
(Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai)