Mới đây, có dịp đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở khu 7, phường Nông Trang (Việt Trì, Phú Thọ), chúng tôi được chủ nhà thông tin, thân sinh của ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1947, nhập ngũ tháng 2-1965, hy sinh tại Mặt trận phía Nam, đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà (xã Hùng Lô, TP Việt Trì). Trước đó, suốt mấy chục năm, gia đình không có nhiều thông tin về phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, chỉ biết ông hy sinh tại Mặt trận phía Nam. Sau khi nắm được thông tin, Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ tích cực liên hệ với nhiều đơn vị và ngành lao động-thương binh, xã hội địa phương để triển khai công tác tìm kiếm HCLS. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, tháng 8-2014, gia đình ông Thanh đã tìm thấy một phần mộ tại tỉnh Quảng Nam, nhưng chỉ có thông tin duy nhất, tên “Thịnh”, quê “miền Bắc”. Kết quả giám định ADN sau đó đã khẳng định liệt sĩ “Thịnh” chính là người thân của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, đồng thời bổ sung đầy đủ thông tin về liệt sĩ trên bia mộ và được quy tập về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Trường hợp thứ hai cũng khá đặc biệt, đó là trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Lập, quê ở xã Vĩnh Chân (Hạ Hòa, Phú Thọ), chiến sĩ Đại đội 45, Tiểu đoàn 84, Sư đoàn 308, hy sinh năm 1954, tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Hàng chục năm qua, anh Hoàng Văn Đạt (cháu ngoại của liệt sĩ), trú tại khu 4, xã Vĩnh Chân, đã gửi đơn đề nghị cung cấp thông tin về trường hợp hy sinh của ông ngoại mình đến nhiều cơ quan, đơn vị nhưng không có kết quả. Hơn 60 năm từ ngày ông Lập hy sinh, gia đình chưa nhận được giấy báo tử, chưa được hưởng bất cứ chế độ gì.
Tháng 5-2012, gia đình anh Đạt được Hội HTGĐLS của tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành giải mã ký hiệu quân sự, xác định ông Lập đúng là chiến sĩ của Sư đoàn 308. Từ kết quả này, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị đã cử đoàn công tác cùng các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, Sư đoàn 308, các nhân chứng lịch sử tiến hành rà soát, thẩm định chặt chẽ về trường hợp hy sinh của ông Nguyễn Văn Lập. Sau khi có đầy đủ cơ sở khẳng định ông Nguyễn Văn Lập đi dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó nhập ngũ vào Đại đội 45, tham gia chiến đấu và hy sinh tại Mặt trận Điện Biên Phủ, đến tháng 12-2015, đồng chí Nguyễn Văn Lập được công nhận liệt sĩ. Anh Hoàng Văn Đạt xúc động bày tỏ: “Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng mà tôi đã tìm được thông tin về ông ngoại, đồng thời khẳng định sự đóng góp xương máu của ông tôi đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Trao đổi với cựu chiến binh, Đại tá Phạm Quyết Chiến, Phó chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được biết, trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Phú Thọ có hơn 18.000 liệt sĩ. Chưa có thống kê chính xác bao nhiêu trường hợp đã được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ; bao nhiêu liệt sĩ có danh tính trên bia mộ; bao nhiêu liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt ở các chiến trường. Do đó, bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, hội đã tích cực hỗ trợ các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin, tìm kiếm HCLS…
Để có cơ sở tư vấn, hướng dẫn, hội thường xuyên cập nhật các văn bản mới về chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến liệt sĩ, gia đình liệt sĩ; lập trang Facebook “Tri ân liệt sĩ” nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin về liệt sĩ. Từ năm 2012 đến nay, hội đã tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn hơn 1.000 lượt thân nhân liệt sĩ tiến hành các thủ tục đề nghị cấp lại giấy báo tử, đi thăm viếng, di chuyển HCLS, giám định ADN; đề nghị công nhận liệt sĩ và thụ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định; thường xuyên phối hợp với bộ CHQS các tỉnh, thành phố để trích lục thông tin ban đầu của liệt sĩ, cung cấp cho các gia đình, làm cơ sở tìm kiếm qua phương pháp thực chứng và giám định ADN…
(Theo QĐND)