Cách đây 2 năm, mùa đông năm 2018, hôm đó trời rất lạnh, cái rét của vùng cao khiến cho mọi hoạt động của dân cư ngoài xã hội như chững lại. Đang lần tìm tập hồ sơ liệt sỹ của chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971 trong phòng, tôi phải dừng lại, có khách đến thăm. Mở cửa trước mắt tôi là hai ông già tuổi chừng khoảng 60 chỉ phong phanh tấm áo phao khoác ngoài, chân đi dép nhựa tổ ong, đi xe ôm tới. Ngoài trời, cái lạnh thấu xương làm cho hai ông tái tím hết cả mặt mũi, chân tay run lập cập.
Mời vào nhà, sau khi uống chén trà nóng một ông trình bầy: “Tôi Lò Văn Loan ở xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, ở cách đây 30 km. Tôi có người anh là liệt sỹ hy sinh năm 1978, tại biên giới Tây Nam, ngặt vì nhà nghèo không có tiền đi tìm kiếm, hơn nữa có muốn đi cũng không biết tìm kiếm ở nơi nào. Nghe tin Chi hội hỗ trợ liệt sỹ tỉnh Sơn La đã hỗ trợ tìm kiếm và đón rước được nhiều di hài cốt liệt sỹ về quê, nên gia đình tìm đến nhờ giúp đỡ. Kiểm tra hồ sơ các ông mang theo, chỉ có một bức thư chia buồn, một biên bản bàn giao di vật của liệt sỹ do Công an vũ trang tỉnh Đắk Lắk lập. Cảm thông với hoàn cảnh của gia đình và nguyện vọng tha thiết của thân nhân muốn đưa liệt sỹ về quê, tôi nhận hồ sơ và yêu cầu gia đình làm thủ tục ủy quyền cho Chi hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Sơn La tìm kiếm.
Đoàn thắp hương tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắk Mik, tỉnh Đắk Nông
Sau hơn một năm qua lại làm việc với ngành Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Sơn La, chúng tôi đã có đủ hồ sơ của liệt sỹ. Chúng tôi liên hệ và được Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bình Phước phối hợp giúp đỡ. Thông tin trao đổi qua lại với Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Nông và Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Đắk Mik, chúng tôi đã xác định được phần mộ liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắk Mik, tỉnh Đắk Nông. Việc còn lại là tìm kiếm nhà tài trợ để hỗ trợ gia đình. Rất may, biết được hoàn cảnh của gia đình và những khó khăn của Chi hội tỉnh Sơn La, anh Đỗ Tuấn Đạt Chi hội trưởng Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ cựu chiến binh Quân khu Trị – Thiên và đồng đội Hội nghĩa tình đồng đội đã nhận lời hỗ trợ phương tiện để đi đón liệt sỹ về quê.
Hồ sơ đã hoàn chỉnh, thông tin đã chính xác, kinh phí đã có nhà tài trợ, tôi và hai thân nhân liệt sỹ quyết định lên đường đón di cốt liệt sỹ Lò Văn Thỏa về quê.
Làm lễ xin động thổ mở mộ
Chiều 19/9 chúng tôi về Hà Nội. 5 giờ sáng ngày 20/9, đoàn lên đường đi Tây Nguyên, cùng đi trong đoàn còn thân nhân của ba liệt sỹ (Một liệt sỹ đón từ Kon Tum về Tứ Kỳ, Hải Dương, một liệt sỹ đón từ Đắk Lắk về Yên Bái, một liệt sỹ đón từ Biên Hòa, Đồng Nai về Tiền Hải, Thái Bình). Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, ủy viên BCHTW Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tham gia đoàn với danh nghĩa đi hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi hiểu là ông đi thực tế chuyến này để tổng hợp thông tin tham gia vào nghị quyết của Đại hội lần thứ 3, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam sắp tới. Bà Minh Phương ở Yên Bái, người luôn tận tụy nhiều năm nay chắp nối thông tin tìm kiếm nhà tài trợ giúp các gia đình liệt sỹ cùng đi và thân nhân của 4 liệt sỹ.
Hành trình ngày đầu tiên diễn ra suôn sẻ, 21 giờ tới Nhà khách 27/7 của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Trị. Tuy là ngày chủ nhật, nhưng cán bộ, nhân viên ở đây đã đón tiếp rất chân tình, chu đáo. Đoàn được nghỉ 1 đêm ấm áp, nghĩa tình.
Ngày thứ 2, qua các tỉnh miền Trung, vượt Đèo ViôLắk dài 112 km tới Tây Nguyên, hoàn lưu bão số 5 làm cho Tây Nguyên mưa nắng thất thường, sau những cơn mưa như trút xuống là nắng chói chang, oi nồng rất khó chịu. Đoàn tách tốp thứ nhất xuống Kon Tum để làm thủ tục cất bốc liệt sỹ Phạm Đức Lưu rồi tiếp tục hành trình về Đắk Lắk, đưa tốp thứ 2 về Sở Lao động – Thương binh & Xã hội làm thủ tục cất bốc hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Phịnh. 10 giờ sáng ngày 22/9, tốp chúng tôi xuống Đắk Nông, tiếp tục đưa thân nhân liệt sỹ Tô Đình Chiến vào Đồng Nai.
Đoàn ghé vào Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Nông, tại đây, chúng tôi được Phòng Người có công tiếp đón ân cần và giải quyết công việc khẩn trương. Một cán bộ tên là Sơn của phòng đã tình nguyện dùng xe riêng đưa chúng tôi về huyện Đắk Mil (Tất nhiên là tôi trả tiền xăng) với quãng đường 70 km. Đầu giờ chiều, làm việc với Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội. Bà Phó trưởng phòng cho chuẩn bị văn bản bàn giao, cử cán bộ đem tới Nghĩa trang liệt sỹ cho chúng tôi để không phải đi lại nhiều lần.
17 giờ chúng tôi làm lễ động thổ, cất bốc và hoàn tất công việc vào lúc 19 giờ đưa hài cốt liệt sỹ Lò Văn Thỏa về nhà chờ và bố trí nơi nghỉ tại chỗ cho thân nhân liệt sỹ .
Ngày hôm sau xe của đoàn từ Biên Hòa trở lại, thứ tự đón hài cốt liệt sỹ từ Đắk Mil, Đắk Lắk, Kon Tum, lại vượt đèo Vio Lắk về nghỉ tại Lăng Cô Huế, ngày 24/9 ra tới Quảng Trị đoàn chia làm 2 xe: Xe của anh Hải đưa 2 liệt sỹ về Thái Bình, Hải Dương; xe của anh Đạt đưa liệt sỹ của Sơn La về tới điểm đón rồi đi tiếp Yên Bái. Tốp chúng tôi đưa hài cốt liệt sỹ Lò Văn Thỏa về tới gia đình lúc 4 giờ sáng ngày 25/9. Lúc đó đã có khoảng 80 người nhà và nhân dân đang chờ đón, các vị lãnh đạo của xã, các đoàn thể và nhân dân trong bản đến thắp hương tri ân rất đông.
14 giờ chiều ngày 25/9 Ủy ban nhân dân huyện Vân Hồ long trọng tổ chức lễ lễ an táng, tôi thấy toàn bộ lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các đoàn thể, Phòng, ban, lãnh đạo xã Chiềng Khoa, hội viên Phân hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ huyện Mộc Châu, Vân Hồ cùng khoảng 700 người tham dự lễ. Kết thúc hành trình đón liệt sỹ về với quê hương và gia đình.
Hài cốt liệt sĩ Lò Văn Thoả
Nhân dân địa phương đến đón và dự truy điệu Hài cốt liệt sĩ Lò Văn Thoả
Lãnh đạo và Nhân dân địa phương đến đón và dự truy điệu Hài cốt liệt sĩ Lò Văn Thoả
Lãnh đạo và Nhân dân địa phương đến đón và dự truy điệu Hài cốt liệt sĩ Lò Văn Thoả
Ông Bùi Minh Thuyên, Chi hội trưởng Chi hội HTGĐLS tỉnh Sơn La và Trung tướng Hoàng Khánh Hưng bên Đèo Đá Đẽo
Từ chuyến đi này, tôi có mấy suy nghĩ, đó là: Đối với các tình nguyện viên, các nhà tài trợ, ngoài việc hỗ trợ kinh phí phải có trách nhiệm rất cao thay mặt thân nhân giao dịch làm các thủ tục, giất tờ hồ sơ di chuyển. Mặt khác phải thể hiện nghĩa tình trọn vẹn thông qua cách giúp đỡ tri ân (Khi đoàn về tới Kon Tum có hai cháu Đặng Thiên Thảo, Hà Thu Hương đang làm việc ở các cơ quan gần đó đã sắp sửa lễ vật đèn thắp hương viếng liệt sỹ và quà cho đoàn). Không bàn đến giá trị vật chất mà lớn hơn cả đó là nghĩa tình, là lòng biết ơn từ chính cái tâm của các cháu.
Hai là, đối ngành Lao động – Thương binh & Xã hội ở các địa phương, phần lớn đều rất tận tâm chu đáo. Ở Đắk Mil, sau khi tôi thông báo sẽ vào đón liệt sỹ về, Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội đã sắm lễ hoa quả tới phần mộ tri ân như là lời chia tay liệt sỹ rất cảm động. Ở các nghĩa trang khác, đoàn đến cũng được Ban quản lý rất chu đáo như vậy.
Ba là, Các trạm thu phí đường, nhiều trạm chỉ xin phép chụp ảnh đầu xe rồi mời qua, song cũng có trạm nhân viên phải xem xét nhìn thấy hài cốt mới cho qua, rất phản cảm, chúng tôi đi hai xe, xe đi đầu có 4 liệt sỹ cho đi, xe thứ 2 chở thân nhân không cho đi, chúng tôi không muốn xin. Tới Trạm BOT Gia Lai nhân viên trạm thu phí cãi vã với lái xe vì xe của đoàn 9 chỗ vé 35.000đ nhưng nhân viên bảo xe này 12 chỗ thu 50.000đ may mà trung tướng Hoàng Khánh Hưng đi đó với thái độ bình tĩnh , mực thước nhưng kiên quyết có lý có tình đã dẹp được sự lộn xộn, lãnh đạo trạm phải xin lỗi và hứa xử lý nhân viên. Nên chăng ngành giao thông vận tải phải có quy định cụ thể, không để nhân viên hạnh họe tuỳ tiện .
Bốn là, Việc đón tổ chức lễ an táng phải được chuẩn bị chu đáo tổ chức long trọng, nội dung súc tích nghĩa tình, làm được việc này vừa thể hiện lòng biết ơn của ngay những người lãnh đạo ở địa phương, vừa động viện được thân nhân các liệt sỹ và đó là sự giáo dục thiết thực nhất đối với toàn dân làm lan tỏa phong trào đền ơn đáp nghĩa tại địa phương mình.