BuBrang thuộc xã Quảng Trực, huyện ĐắkRLấp cũ (Nay là huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) tiếp giáp với tỉnh Bình Phước gần biên giới CămPuChia. Đồn BuBrang do Mỹ và chế độ Sài Gòn xây dựng khá kiên cố, vững chắc.
Cuối tháng 12/1965, một đơn vị Quân giải phóng tấn công vào Đồn, hơn 100 đồng chí đã anh dũng hy sinh; Sau đó địch dùng máy ủi đào hố chôn tập thể ngoài hàng rào dây kẽm gai. Sau thời gian đó Đồn BuBrang còn bị quân ta tấn công nhiều lần cho tới khi tỉnh Đắk Nông giải phóng hoàn toàn.
Thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là BCĐ 515) các cấp; Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân tìm kiếm, quy tập được 40 hài cốt liệt sĩ tại hố chôn tập thể và 05 hài cốt ở khu vực lân cận. Hài cốt cơ bản đã bị phân hủy thông tin đơn vị, tên tuổi, quê quán của hơn 100 liệt sĩ vẫn chưa đầy đủ; Còn nhiều đơn vị, liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh tại đây chưa được xác định cụ thể.
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Cựu Chiến binh tỉnh Phú Thọ (Hội CCB) và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ (Hội HTGĐLS tỉnh là thành viên BCĐ 515 tỉnh Phú Thọ).
Đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ, trước đây tôi cũng đã liên lạc được với 01 nhân chứng và gần đây theo đề nghị của Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông gửi Hội CCB tỉnh Phú Thọ, về việc tra cứu, tìm kiếm, cung cấp thông tin, địa chỉ của các Cựu Chiến binh quê ở tỉnh Phú Thọ đã tham gia chiến đấu và chôn cất liệt sĩ tại địa bàn nói trên.
Sau khi kết nối với Ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn 66 – Sư đoàn 10 – Quân đoàn 3; Ngày 01/6/2021, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban Tổ chức – Chính sách Hội CCB tỉnh cùng với Đại tá Phạm Quyết Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội HTGĐLS Việt Nam – Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh gặp nhân chứng đã từng chiến đấu và chôn cất liệt sĩ tại khu vực BuBrang.
Tại cuộc gặp gỡ trao đổi với đồng chí CCB Nguyễn Văn Ngãi, 85 tuổi ở xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 8 – Trung đoàn 66 – Sư đoàn 10 – Quân đoàn 3; Đồng chí tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế, nhưng ký ức về những trận chiến đấu cũng như nỗi đau mất mát đồng đội vẫn còn nguyên vẹn .
Rất tiếc do tuổi cao, sức khỏe suy giảm và thời gian đã quá lâu, nên đồng chí không thể trực tiếp chung tay tiếp sức để vào tận nơi phục vụ công tác tìm kiếm đồng đội đã hy sinh, nhưng với tình cảm biết ơn các đồng đội đã anh dũng hy sinh và với bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những thông tin còn có được đồng chí sẽ tiếp tục cung cấp cho việc quy tập đạt kết quả.
Tiếp theo hành trình, chúng tôi đến xã Phù Ninh. huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ gặp nhân chứng Nguyễn Văn Tình là Thương binh ¼, nguyên Trung đội phó Đại đội 20 và Đại đội 15 – Trung đoàn 66 – Sư đoàn 10 – Quân đoàn 3, là người tham gia đánh nghi binh địch trên một hướng, bị địch chống trả 02 đồng chí anh dũng hy sinh, đồng chí đã trực tiếp chôn cất trên sườn Điểm cao; Gần đây có đồng đội vào tìm kiếm, nhưng chưa có kết quả.
Dù là một nhân chứng, nhưng do ảnh hưởng của thương tật, tuổi tác và sức khỏe đồng chí hứa sẽ tìm địa chỉ của một số đồng đội còn sống trong và ngoài tỉnh và những gì có thể để sớm cung cấp cho các cơ quan liên quan tìm kiếm được hài cốt đồng đội, đáp ứng với sự mong mỏi của gia đình liệt sĩ và đồng chí, đồng đội đang còn sống.
Hy vọng với nỗ lực, quyết tâm, tình cảm thiêng liêng, nghĩa tình đồng đội; Đặc biệt là sự tri ân, biết ơn với những người con đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Công tác tìm kiếm, quy tập xác định danh tính hài cốt liệt sĩ trên toàn quốc nói chung và trận chiến BuBrang nói riêng sẽ có kết quả.
Dưới đây là một số hình ảnh
Không ảnh Trại lực lượng đặc biệt BuPrang (Quảng Đức năm 1969)
Đồng chí Nguyễn Văn Ngãi, ngồi phía trong (Bên trái); Đồng chí Vương, Ban liên lạc Bạn chiến đấu E66/F10/QĐ3 ngồi phía ngoài (Bên trái) trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Minh, ngồi phía trong (Bên phải); Đại tá Phạm Quyết Chiến ngồi phía ngoài (Bên phải).
Đồng chí Nguyễn Văn Tình, ngồi phía trong (Bên phải) trao đổi với đ/c Minh và đ/c Chiến
(Trianlietsi.vn)