Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021), phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hiệu, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Ninh Bình về hoạt động hỗ trợ các gia đình liệt sĩ trong những năm gần đây. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ về một số kết quả nổi bật trong hoạt động hỗ trợ các gia đình liệt sĩ của Hội trong những năm qua?
Ông Phạm Ngọc Hiệu: Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được các cấp, các ngành, các địa phương được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đúng đối tượng.
Đặc biệt, năm 2010, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã được thành lập với chức năng chính là: Tôn vinh và tri ân các Anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện các chế độ của Đảng và Nhà nước; thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính bằng thực chứng và giám định gen ADN; tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về các giải pháp thực hiện chế độ, chính sách; có trách nhiệm chung tay góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân trong hoạt động tri ân liệt sĩ…
Chỉ 2 năm sau khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập, tỉnh Ninh Bình là địa phương thứ 2 trong cả nước đã thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ cấp tỉnh. Đây là việc làm thể hiện sự quan tâm rất sâu sắc của tỉnh ta đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Ban đầu, Hội mới chỉ có 80 hội viên, đến nay, tăng lên gần 600 hội viên thường xuyên, ngoài ra còn trên 300 trăm cộng tác viên, các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm…
Hàng năm, Hội đã phối hợp với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, trường học, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tri ân các gia đình liệt sĩ, như khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà tri ân các Mẹ VNAH, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn vào ngày 27/7 và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Hội còn phối hợp sửa chữa nhà ở cho gia đình liệt sĩ có khó khăn về nhà ở; tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là con các đối tượng chính sách… với tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, thì những hoạt động thiết thực của Hội cũng đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, nhất là những gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn…
PV: Đồng hành với những hoạt động thiết thực đó, trong gần 10 năm qua, cảm xúc của những người làm công tác Hội, đặc biệt là đối với một người lính từng phục vụ chiến đấu như ông như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Hiệu: Trên 16 nghìn anh hùng, liệt sĩ là con em của tỉnh Ninh Bình đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xa, là bấy nhiêu gia đình, bấy nhiêu bà mẹ không được hưởng niềm hạnh phúc của ngày đoàn tụ trong khúc “khải hoàn”. Tôi và các hội viên, tình nguyện viên đã hoạt động miệt mài như một cách để báo đáp bậc sinh thành thay cho những người lính trẻ còn nằm lại chiến trường. Còn với cá nhân tôi, từng là một người lính, tôi đã tham gia phục vụ chiến đấu trong một thời gian khá dài. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của một cán bộ Hội, thì với tôi, đó còn là trách nhiệm của một người lính may mắn được trở về.
Điều mà chúng tôi thấy hạnh phúc xen lẫn niềm xúc động trong suốt hành trình gần 10 năm qua, đó là Hội đã góp phần lan tỏa được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các thầy cô giáo, các em học sinh, các bậc phụ huynh. Nhiều trường học và phụ huynh đã đồng hành với chúng tôi trong mỗi hoạt động và coi đây là một phần việc ý nghĩa để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Vào những ngày đặc biệt, thay vì học sinh được đưa đi thăm quan, du lịch, thì nhiều trường học lại lựa chọn những “địa chỉ đỏ” để các em học sinh được trải nghiệm, lắng nghe câu chuyện kể xúc động về thời thơ ấu của các anh hùng, liệt sĩ qua trí nhớ dù không còn đầy đủ của các mẹ VNAH.
Trên thực tế, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã luôn dành sự quan tâm chu đáo đối với các mẹ VNAH. Tất các mẹ đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm lo cả về vật chất và tinh thần. Tôi còn nhớ, thời điểm mới thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, khi ấy toàn tỉnh còn khoảng 200 mẹ VNAH còn sống. Nhưng đến nay, toàn tỉnh chỉ còn có 38 mẹ còn sống. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, các mẹ đều như chuối đã chín cây. Vì vậy, những gì có thể chăm lo cho các mẹ thì phải cố gắng hết sức mình, để các mẹ có những tháng ngày hạnh phúc, vui vẻ nhất. Tuy vậy, trong những lần gặp gỡ các mẹ từ nhiều năm nay, dù sức khỏe có kém đi, trí nhớ cũng giảm nhiều, nhưng chúng tôi hiểu rằng, như một mong mỏi từ thẳm sâu tiềm thức, nhất là vào những ngày Tết đến Xuân về, các mẹ vẫn lặng lẽ ngóng tin tức về mộ phần của con…
PV: Đó có phải là điều trăn trở nhất đối với những người làm công tác Hội không?
Ông Phạm Ngọc Hiệu: Đúng vậy. Một trong những trăn trở lớn nhất đối với chúng tôi đó là chứng kiến sự mong mỏi, chờ đợi thông tin về liệt sĩ của nhiều Bà mẹ VNAH, các gia đình liệt sĩ. Bởi vậy, trong những năm qua, Hội cũng đã tập trung vào nhiệm vụ thu thập, khai thác thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giúp cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đúng hướng và thuận lợi. Đồng thời, thực hiện tư vấn, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cho các gia đình liệt sĩ trong hành trình tìm kiếm, đưa hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt, khi tỉnh ta triển khai thực hiện Đề án 515 của Chính phủ về công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Với sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, cùng với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ và Hội Cựu Chiến binh tỉnh, những năm qua, đã tiếp nhận gần 10 nghìn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, do các tổ chức, cá nhân cung cấp. Đến nay, đã cung cấp thông tin cho 3.764 trường hợp, trong đó tư vấn trực tiếp 486 lượt, tư vấn qua điện thoại 632 lượt, thông báo danh sách liệt sĩ 2.646 người có đầy đủ thông tin theo quản lý ban đầu về liệt sĩ. Tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị tổ chức hoàn thiện thủ tục đề nghị giam định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Từ năm 2013 đến nay, đã tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục cho 28 thân nhân lấy mẫu giám định ADN…
PV: Những hoạt động trọng tâm của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Hiệu: Hiện nay cũng như trong thời gian tới, hoạt động trọng tâm của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ vẫn là thu thập, cung cấp thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động thực hiện Đề án 515 của Chính phủ theo sự phân công. Ngoài ra, Hội sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Hội cũng sẽ tích cực phát hiện những trường hợp thuộc diện chính sách, người có công còn tồn sót để phối hợp hướng dẫn kê khai, bổ sung hoàn thiện hồ sơ, giúp người có công được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ngoài ra, Hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách cho đối tượng là người có công với cách mạng, đặc biệt là thân nhân liệt sĩ. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ thân nhân liệt sĩ trong tìm kiếm thông tin và xác định hài cốt liệt sĩ…
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(Theo Báo Ninh Bình)