Tôi gặp, quen biết rồi trở nên thân thiết với anh Lê Phát Tịnh từ giữa năm 1978, khi anh về nhận công tác tại Cục Tuyên huấn-Tổng Cục Chính trị. Khi ấy, tôi là sĩ quan, Trợ lý phòng Nghiên cứu-Tổng hợp, Cục Bảo vệ – An ninh, Tổng Cục Chính trị. Anh Tịnh hơn tôi ba tuổi. Anh sống chân thành, cởi mở, dễ gần. Cùng quê Phú Thọ, đồng hương với nhau, cùng xa gia đình, vợ con, cùng cảnh “Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” lại hợp tính, hợp nết nên chúng tôi sớm tìm đến nhau, sớm thành tri kỷ. Tôi coi anh như người anh trong gia đình và anh cũng coi tôi như người em vậy. Sống với anh, tôi nhận ra ở anh những phẩm chất rất đáng quý.
Anh Tịnh sinh ra và lớn lên ở Xóm Ván, làng Lâm, xã Trạm Thản, huyện Đoan Hùng (Nay là huyện Phù Ninh Thọ). Làng anh cận kề với những địa danh nổi tiếng: Cầu Hai-Chân Mộng, ngã ba Sông Lô-Sông Chảy, Khoan Bộ – Nơi ghi dấu chiến công vang dội của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp.
Bấy giờ, anh cũng như nhiều trai làng khác, chỉ được học hết cấp II, không có điều kiện để học lên cấp III. Nghỉ học, anh ở lại quê hương cùng mẹ già, trở thành xã viên Hợp tác xã nông nghiệp, thành giáo viên bổ túc văn hóa, được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động, vào Dân quân-Du kích xã và được phân công làm thư ký Xã đội.
Đầu năm 1965, vừa bước vào tuổi 20, anh được kết nạp vào Đảng. Gần một tháng sau đó, Đảng viên trẻ Lê Phát Tịnh tạm biệt quê hương, gia đình, người thân, người yêu lên đường cầm súng và trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) thuộc Sư đoàn 308 (Đại đoàn quân tiên phong) anh hùng.
Ngót 40 năm mặc áo lính, anh từng chiến đấu trên chiến trường nóng bỏng nhất, gian khổ nhất, ác liệt nhất là chiến trường Trị – Thiên. Ba lần vào chiến trường, anh tham gia ba chiến dịch lớn: Đường 9-Khe Sanh, xuân hè 1968; Đường 9-Nam Lào, xuân hè 1971; Cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng Quảng Trị năm 1972. Chiến đấu, công tác trên những cương vị khác nhau, anh đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong ký ức của đồng đội. Từ người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, anh đã trở thành cán bộ làm công tác Đảng, công tác Chính trị của Trung đoàn 102.
Từ chiến trường ra, anh được cử đi học khóa đào tạo Chính ủy cấp Trung đoàn ở Học viện Chính trị. Hoàn thành khóa học, anh về công tác ở Cục Tuyên huấn-Tổng cục chính trị. Tháng 10 năm 1978 anh được thăng quân hàm Đại úy và được cử đi biệt phái ở Quân khu 9, trực tiếp tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, trong đội hình Sư đoàn 339. Hai năm sau, thiếu tá Lê Phát Tịnh được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm Pu Chia, với cương vị là trợ lý Tuyên huấn-Cục Chính trị Mặt trận 719-Quân tình nguyện Việt Nam ở Căm Pu Chia. Cuối năm 1981, tôi chuyển ngành về công tác ở Tỉnh ủy Phú Thọ. Hai chúng tôi không còn công tác cùng cơ quan ở Tổng cục Chính trị. Tuy vậy, tôi và anh vẫn thường gặp nhau, bởi lẽ gia đình tôi và gia đình anh cùng ở thành phố Việt Trì, chỉ cách nhau vài cây số.
Sau này, từ năm 1986 đến khi về nghỉ hưu (Tháng 01 năm 2004), anh lần lượt được thăng quân hàm Trung tá, Thượng tá, Đại tá, đảm nhiệm các cương vị: Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu II, Đảng ủy viên Cục Chính trị Quân khu; Chủ nhiệm Chính trị, Chỉ huy Phó về Chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIV; Chánh Văn phòng Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu II.
Tháng 01 năm 2004, anh được nghỉ hưu. Tuy vậy, anh vẫn tham gia công tác, đầu năm 2005, anh được Trung ương Hội Cựu Chiến binh (CCB) Việt Nam quyết định về công tác tại cơ quan Trung ương Hội, trực tiếp làm Thư ký-Trợ lý cho đồng chí Trung tướng Đặng Quân Thụy-Chủ tịch Hội CCB Việt Nam khóa IV.
Gần 4 năm công tác ở cơ quan Trung ương Hội CCB Việt Nam, anh tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ cho tổ chức Hội – Một tổ chức của những người lính Cụ Hồ trên trận tuyến mới. Tháng 10 năm 2009, anh nghỉ về địa phương. Ngay lập tức anh được bầu làm Chi ủy viên Chi bộ Đảng khu dân cư Tân Phương, phường Minh Phương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nơi gia đình anh cư trú.
Đại tá Lê Phát Tịnh, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ (Ngồi thứ 3 từ trái sang) tại Đại hội đại biểu Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ lần thứ II (Nhiệm kỳ 2017-2022)
Năm 2011, anh cùng với nhiều đồng chí cán bộ nghỉ hưu tuyên truyền, vận động thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh Phú Thọ. Khi hội tụ đầy đủ các điều kiện và yếu tố của một tổ chức Hội; Tháng 3 năm 2012, Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ được thành lập, anh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội và đảm nhiệm cương vị này cho đến tháng 12 năm 2020. Đồng thời với cương vị Chủ tịch Hội, anh còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ khóa XIII, XIV. Để guồng máy bắt tay vào hoạt động được ngay, anh và gia đình tặng cho cơ quan Tỉnh hội 01 bộ máy Vi tính và vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ cơ sở vật chất phục vụ đón tiếp, tư vấn, hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ ngay từ buổi đầu thành lập; Tiếp theo đó tổ chức khảo sát thực trạng liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên toàn tỉnh; Tuyên truyền bằng các tài liệu và đến từng cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và các Ban liên lạc truyền thống trong tỉnh để tạo được sự ủng hộ và cùng đồng hành với Hội trong hoạt động tri ân liệt sĩ.
Trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Hội HTGĐLS Việt Nam, Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ; Anh đã góp phần không nhỏ vào việc tôn vinh, tri ân liệt sĩ, mẹ VNAH. Bên cạnh đó anh còn đảm nhiệm Trưởng ban một số Ban liên lạc Truyền thống của tỉnh, anh cùng đồng đội thường xuyên thăm hỏi, động viên tận tình, chu đáo các gia đình hội viên.
Đại tá Lê Phát Tịnh, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ (Đứng thứ 8 hàng đầu từ trái sang) cùng BCH Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ Nhiệm kỳ 2017-2022 và các đại biểu dự Đại hội
Tháng 12 năm 2014, anh phải cắt bỏ quả thận trái, do di chứng của chiến tranh để lại, sức khỏe bị ảnh hưởng; Nhưng anh vẫn tận tụy với công việc, ra viện anh tiếp tục điều hành công việc của Hội, động viên, cổ vũ anh, chị, em hội viên. Tiếp đến tháng 7 năm 2020, căn bệnh hiểm nghèo lại hành hạ anh; Trong thời gian chữa bệnh cũng như khi sức khỏe hồi phục, anh đau đáu công việc: Sổ sách thống kê thông tin liệt sĩ trên bia mộ, danh sách giám định ADN..cũng như danh sách tư vấn, hỗ trợ của Hội được anh chỉ đạo và trực tiếp sắp xếp tổng hợp chu đáo. Do căn bệnh hiểm nghèo, anh xin thôi không tham gia Ban Chấp hành và Chủ tịch Hội; Nhưng anh vẫn băn khoăn về trên 300 liệt sĩ quê ở Phú Thọ mà Hội tìm kiếm được, nhưng thiếu, sai, lệch thông tin…anh đề nghị mang danh sách về nhà để đối chiếu với thông tin mà Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cung cấp cho tới khi anh lâm bệnh nặng phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương và Tỉnh…Có thể nói hành trình tri ân liệt sĩ, đi tìm đồng đội và trả lại tên cho liệt sĩ trong 10 năm qua của Hội HTGĐLS tỉnh có sự đóng góp không nhỏ của anh.
Gần 40 năm mặc áo lính, anh Lê Phát Tịnh đã trải qua những tháng năm đầy khó khăn, gian khổ nhưng tràn đầy bản lĩnh và ý chí. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, anh cũng tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nêu gương sáng về nhiệt huyết của một Đảng viên mẫu mực. Về nghỉ hưu, dẫu mang trong mình sự hủy hoại vô hình của chất độc màu da cam, anh vẫn tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ cho Đảng, cho dân; Tích cực tham gia xây dựng, củng cố các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội của địa phương; Tận tâm, tận nghĩa với đồng đội, với các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong cuộc sống, anh là hiện thân của sự bình dị, bình dị mà vẫn luôn thanh cao, mẫn tiệp; Thẳng thắn mà vẫn luôn nhân ái, bao dung; Đối với bầu bạn thì luôn trong sáng, thủy chung; Đối với đồng chí, đồng đội thì luôn khiêm tốn, chân thành; Đối với việc nước, việc dân, việc quân, anh luôn là một công bộc-công bộc của thời đại mới. Anh luôn giành cho muôn vàn tình thương yêu cho gia đình, người thân.
Đại tá Lê Phát Tịnh , Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ trao tặng sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ trong tỉnh
Cuộc đời và sự nghiệp của anh Lê Phát Tịnh luôn luôn trong sáng, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và các cấp, các ngành đã tặng cho anh: Huy hiệu 30 năm, 40 năm, 50 năm, 55 năm tuổi Đảng; Huân chương chiến công Hạng Nhất; Huân chương kháng chiến Hạng Nhất;; Huân chương chiến sỹ vẻ Hạng Nhất;, Nhì, Ba; Huân chương quân kỳ quyết thắng; Huân chương Ăngco (do Nhà nước Căm Pu Chia tặng); Huân chương chiến sỹ giải phóng Hạng Ba; Huân chương bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tư tưởng-Văn hóa; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp công tác Xây dựng Đảng; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp công tác Dân vận; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác… Gần 60 năm xây dựng hạnh phúc gia đình, anh Lê Phát Tịnh luôn cùng người vợ yêu quí của mình là chị Lê Thị Mai Lý đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn của một thời chiến tranh, một thời bao cấp, đất nước khủng hoảng kinh tế xã hội… để nuôi nấng, dạy dỗ ba người con: Hai trai, một gái khôn lớn trưởng thành, tiến bộ, yên bề gia thất. Phía sau sự nghiệp của anh, luôn có bóng dáng của chị Mai Lý. Tôi thật sự xúc động biết rằng, khi anh Tịnh được nghỉ hưu, chị Mai Lý có tâm nguyện để anh được nghỉ ngơi thực sự, nhưng trước nghĩa cử cao đẹp, tình đồng chí, đồng đội, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” mà anh đảm nhiệm; Chị vẫn vui vẻ, luôn động viên anh tiếp tục đóng góp sức lực và trí tuệ.
Xin được tri ân tới anh, chị và các con, cháu của anh chị.
Cầu mong cho anh sẽ vượt qua bạo bệnh.
Người như anh Lê Phát Tịnh, đồng đội, người thân và xã hội sẽ mãi không bao giờ quên.
(trianlietsi.vn)