Giải trình về kết quả đạt được trong việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP tổ chức thực hiện, trong đó đã phân công cụ thể công việc cần triển khai để thực hiện Chương trình đến từng bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, 15/17 văn bản hướng dẫn triển khai các chính sách thuộc chương trình đã được ban hành.

4 tồn tại trong phục hồi, phát triển kinh tế xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vừa có văn bản giải trình về thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Việc giải ngân các chính sách cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, đến 30-9-2022 đã giải ngân hơn 61 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau dịch Covid-19, chiếm 20,2% nguồn lực chương trình. Qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn chương trình, làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn chương trình trong 2 năm 2022-2023 cho các nhiệm vụ, dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ 4 tồn tại, khó khăn, vướng mắc chính trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đó là việc xây dựng, ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm; thực hiện và giải ngân một số chính sách chưa được như kỳ vọng; triển khai ở một số nơi, một số chỗ, tại một số thời điểm còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt, còn tình trạng tạo thêm các thủ tục mới bên cạnh các trình tự, thủ tục đã có sẵn; danh mục nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn chương trình mới được giao kế hoạch cuối tháng 9-2022, tạo sức ép về tiến độ thực hiện và giải ngân.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ 4 nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Đó là tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, thay đổi, tác động đến bối cảnh, tình hình triển khai, nhu cầu và tính khả thi các chính sách; cần thời gian để xây dựng, triển khai, tránh trục lợi, đặc biệt đối với một số chính sách chưa có tiền lệ; một số cấp, ngành chưa quán triệt đầy đủ tầm quan trọng của chương trình, thực hiện còn mang tính ỷ lại, dàn trải, chưa chủ động; tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, sợ mắc sai phạm của người dân, doanh nghiệp và một số cấp trực tiếp triển khai chính sách.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã đưa ra 3 giải pháp trọng tâm để khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nhanh chóng đưa nguồn lực hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh trục lợi.

Cụ thể là sẽ hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn, đẩy mạnh quán triệt nội dung, cách thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ; không quy định thêm thủ tục, rào cản cho đối tượng thụ hưởng; theo dõi sát sao, chủ động rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp tháo gỡ; điều chỉnh nguồn lực linh hoạt, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế; đẩy nhanh phê duyệt quyết định đầu tư, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm thực hiện và giải ngân các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn chương trình.

CHIẾN THẮNG – BÁO QĐND